Trào lưu Livestream và ngành công nghiệp 5 tỷ USD ở Trung Quốc

Quốc Vinh |

Livestream đang trở thành một nghề ở Trung Quốc khi một người có thể kiếm về hàng chục triệu USD mỗi năm. Dẫu vậy, công việc này được đánh giá là khó bền. Bên cạnh đó, còn có trường hợp còn mất mạng vì mạo hiểm livestream.

Trào lưu Livestream và ngành công nghiệp 5 tỷ USD ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngô Vịnh Ninh gặp nạn qua đời trong lúc đang livestream.

Cái chết của nam diễn viên Ngô Vịnh Ninh do rơi từ tầng 62 của một tòa nhà trong lúc livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội đã gây chấn động dư luận Trung Quốc.

Tai nạn của Ngô Vịnh Ninh là một lời nhắc nhở cần có sự giám sát chặt chẽ hơn đối với các ứng dụng live streaming và những người tham gia vào hoạt động này.

Cái chết chấn động thế giới mạng

Livestream là một thuật ngữ mới xuất hiện gần đây trên mạng xã hội. Theo đó một cá nhân sẽ sử dụng điện thoại phát trực tiếp hình ảnh bản thân trên các trang mạng xã hội như Facebook, Weibo để trở nên nổi tiếng hoặc quảng bá sản phẩm kiếm tiền.

Những người này sẽ cố gắng thu hút sự chú ý của người dùng bằng các chiêu trò độc đáo mà mình có như ca hát, làm trò hài hước và kể cả những điều rủi ro không ai dám làm.

Được biết, Ngô Vịnh Ninh là nam diễn viên 23 tuổi khá có tiếng trên mạng xã hội khi có hơn 60.000 người dùng theo dõi trên Weibo.

Hành động mạo hiểm này xuất phát từ cam kết phần thưởng 100.000 nhân dân tệ (15.000 USD) sẽ được trao cho Ngô Vịnh Ninh nếu anh có thể livestream hình ảnh đang đứng cheo leo trên nóc tòa nhà 62 tầng ở tỉnh Hồ Nam.

Đánh cược mạng sống của mình trên nóc nhà cao tầng mà không có thiết bị an toàn, Ngô Vịnh Ninh hy vọng có thể kiếm được số tiền lớn để trả hóa đơn viện phí cho mẹ. Nhiều video mạo hiểm trước đó của nam diễn viên đã thu hút hàng triệu lượt xem và mang về cho anh số tiền lớn.

Trung Quốc đang nở rộ trào lưu người người nhà nhà trở thành ngôi sao trên sân khấu livestream.

Hàng chục ngàn người đang dùng đủ chiêu trò để trở nên nổi tiếng ở quốc gia đang có sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực thương mại điện tử, mạng xã hội và game.

"Nhiều người trong số họ cố thổi phồng mọi thứ bằng những điều kệch cỡm và nguy hiểm. Mục đích của họ chỉ là thu hút sự chú ý và kiếm tiền", tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc bình luận trong một bài viết gần đây.

Hiện tại, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của hàng trăm ứng dụng livestreaming, thậm chí ngành công nghiệp livestreaming của nước này còn được định giá lên tới 5 tỷ USD. 1/3 người dân Trung Quốc đang ngày ngày đắm chìm vào các video livestream.

Tianyou, một trong những livestreamer (người livestream) nổi tiếng ở đại lục thậm chí còn kiếm được 11 triệu USD mỗi năm dù anh chỉ mới 25 tuổi.

Công việc nhàn hạ nhưng khó bền

Trào lưu Livestream và ngành công nghiệp 5 tỷ USD ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Fan Fan là một trong những ngôi sao livestream nổi tiếng nhất ở Trung Quốc.

Fan Fan làm việc 10 tiếng mỗi ngày và làm việc tất cả các ngày trong tuần, thậm chí cô chỉ nghỉ ngơi đúng ba ngày Tết Nguyên đán.

Cô gái 26 tuổi không phải là một doanh nhân hay nhà đầu tư bận rộn như mọi người tưởng tượng, Fan Fan là ngôi sao livestream kiếm tiền nhờ các món đồ ảo mà người dùng tặng cho cô hàng ngày.

Công việc của Fan Fan chỉ là truyền trực tiếp hình ảnh cuộc sống ăn, ngủ, chơi, ca hát đến với người hâm mộ trên các ứng dụng live streaming.

"Tuổi, khuôn mặt và hình thể là ba yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của một nữ livestreamer", Fan Fan chia sẻ.

Tuy nhiên, theo cô, dù nghề này không có gì vất vả, bạn chỉ có thể "hớt váng" được vài năm đầu trước khi trở nên già nua. Vì lo ngại sự nghiệp của mình chóng kết thúc, Fan Fan đã đi phẫu thuật để níu giữ tuổi xuân và nói dối rằng mình mới 23 tuổi.

Khi mới hoạt động vào năm 2015, Fan Fan khá nhàn nhã khi là người đi tiên phong và không có đối thủ cạnh tranh nào. Nhưng giờ đây cô phải sử dụng nhiều chiêu trò để giữ sức nóng cho tên tuổi do mảnh đất live streaming màu mỡ ngày càng chật chội.

Sức khỏe của cô gái xinh đẹp này cũng nhanh chóng giảm sút do lối sinh hoạt không điều độ. Đều đặn mỗi ngày, Fan Fan phải thức khuya để phát trực tiếp vào các khung giờ nhiều người xem nhất, đặc biệt là từ 8h tối đến 12h khuya.

Thức dậy vào 9h sáng, công tác chuẩn bị cho buổi lên sóng chẳng hạn như làm tóc, make-up và chọn trang phục cũng khiến cô mất từ một đến hai tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, Fan Fan còn phải đăng tải ảnh, video mới và tương tác với gần 350.000 người theo dõi trên Weibo và khoảng 40.000 người theo dõi khác trên Huajiao - một ứng dụng live streaming.

Cô gái 26 tuổi cho biết sẽ không gắn bó với hoạt động này lâu dài và đang tìm kiếm những cơ hội mới để thay đổi sự nghiệp.

Khác với Fan Fan, một số ngôi sao livestream khác lại muốn mở rộng thêm nữa hoạt động live streaming trở thành những công ty, tập đoàn lớn.

Yuli, một nhân vật khá có tiếng trên mạng xã hội YY với thu nhập khoảng 100.000 USD/tháng nhờ các trò đùa hài hước.

Anh đã thành lập công ty đào tạo tài năng Wudi Media từ năm 2014 để khuyến khích thêm nữa các tài năng livestream. Hiện nay, công việc chính của Yuli là tìm kiếm các tân binh.

Cơn sốt trở thành ngôi sao livestream cùng thu nhập đáng mơ ước đã thôi thúc nhiều thanh thiếu niên bỏ học, thậm chí là những người nông dân rời bỏ mảnh ruộng để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng.

Nhưng sự phát triển quá nóng của ngành nghề mới này cũng khiến công chúng chỉ trích nó đã trở nên "quá lố". Một người phụ nữ có biệt danh "chị Phong sành ăn" đã gây ra những tranh cãi khi nổi tiếng bằng cách ăn những thứ kỳ dị như cá vàng hay thủy tinh.

Tuy nhiên, thu nhập của nghề livestream cũng không đồng đều vì tính cạnh tranh khắc nghiệt.

Hồi tháng Năm, khảo sát của viện Nghiên cứu Tencent trên 4.500 kênh livestream ở Trung Quốc cho thấy chỉ 5% trong số này kiếm về hơn 1.500 USD/ tháng, trong khi hơn 70% nói rằng họ kiếm được ít hơn 150 USD/tháng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại