Thu thuế với bán hàng online, livestream trên facebook ra sao?

Lan Anh |

"Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật phải có biện pháp đảm bảo những người kinh doanh nộp thuế, chứ không phải là cơ quan thuế muốn thực hiện việc thu thuế này hay không", PGS.TS Lê Xuân Trường, giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính chia sẻ.

Hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Trước thực trạng các cá nhân và tổ chức bán hàng, kiếm tiền qua facebook mà không nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM đã đi đầu trong việc truy thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh này.

Vào ngày 06/12/2017, tại kỳ họp HĐND TP.HCM, Cục trưởng Cục Thuế Trần Ngọc Tâm cho biết: "Cục Thuế TP.HCM đã gửi thư đến 13.767 nickname trên Facebook và đã lập biên bản xác định số liệu với 3.776 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh và có tác động về mặt ý thức kinh doanh là nếu có kinh doanh thì phải nộp thuế".

Ngoài ra, đại biểu Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề xuất thu thuế với người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm, livestream bán hàng qua mạng xã hội để đảm bảo công bằng.

Tuy nhiên, việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh hay quảng cáo trên facebook cũng còn nhiều vướng mắc. Về vấn đề này, báo Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường, giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính.

Thưa ông, hiện nay các cơ quan thuế muốn thực hiện thu thuế với hoạt động kinh doanh online của cá nhân, đặc biệt là những người kinh doanh trên facebook. Thế nhưng, phần lớn hoạt động này được thanh toán bằng tiền mặt và không có hóa đơn chứng từ. Theo ông, việc thu thuế như vậy có khả thi không và lấy gì làm căn cứ tính thuế?

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật phải có biện pháp đảm bảo những người kinh doanh nộp thuế, chứ không phải là cơ quan thuế muốn thực hiện việc thu thuế này hay không.

Do giao dịch online có những đặc thù dẫn đến việc quản lý thuế gặp khó khăn nhưng không có nghĩa là không quản lý được. Với biện pháp quản lý phù hợp và triển khai tích cực, việc thu thuế đối với những người kinh doanh online là khả thi.

Theo quy định của pháp luật thì cá nhân kinh doanh phải tự kê khai, tự nộp thuế. Trường hợp cá nhân không tự kê khai thì cơ quan thuế điều tra ấn định thuế.

Việc thu thuế trong trường hợp này có thể thực hiện bằng các biện pháp nghiệp vụ, chẳng hạn như: cơ quan thuế kiểm soát các nguồn cung hàng cho cá nhân để từ đó xác định doanh thu; cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan Nhà nước sử dụng biện pháp công nghệ để xác định giao dịch bán hàng của cá nhân; cơ quan thuế thực hiện phương pháp khoán thuế.

Đương nhiên, biện pháp khoán thuế thì chỉ đảm bảo xác định nghĩa vụ thuế tương đối sát, nhưng đó là điều tất yếu trong quản lý… Ngoài ra, có rất nhiều biện pháp nghiệp khác có thể được thực hiện để quản lý thuế.

Hiện nay, nhiều cá nhân có thể viết status hoặc thực hiện quay video, livestream trên facebook và nhận được thu nhập không nhỏ, đặc biệt là những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Thế nhưng, lấy gì làm căn cứ để thu thuế từ khoản thu nhập này khi họ có thể nói rằng đó là "tôi thích thì tôi viết chứ không thu tiền"?

Trong những trường hợp trên thì đó chỉ là dấu hiệu để cơ quan thuế xác định cá nhân đó có kinh doanh online.

Việc xác định có giao dịch hay không còn phụ thuộc vào các thông tin khác và bằng các phương tiện khác chẳng hạn như thông tin giao dịch mua hàng, thông tin hàng hóa nhập khẩu từ cơ quan hải quan, thông tin hàng nhận về từ các đơn vị kinh doanh chuyển phát nhanh, thông tin từ các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa…

Theo ông, việc thu thuế với bán hàng online, các hoạt động viết status, livestream hay quay video trên facebook cần có điều kiện gì để đảm bảo việc thu thuế diễn ra công bằng, có căn cứ và minh bạch?

Trước hết, cá nhân phải tự kê khai. Nếu cá nhân không tự kê khai thì cơ quan thuế sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ấn định doanh thu làm cơ sở tính thuế. Luật quản lý thuế đã quy định rất rõ những căn cứ để cơ quan thuế ấn định doanh thu làm cơ sở tính thuế.

Quy trình điều tra ấn định thuế khoán cho phép sự tham gia của chính quyền địa phương, hội đồng tư vấn thuế xã phường và đông đảo người nộp thuế. Do vậy, việc xác định mức thuế khoán tuy không tuyệt đối chính xác nhưng có căn cứ pháp lý và thực tiễn và được công khai, minh bạch.

Việt Nam có thể học được gì từ các nước khác trong việc thu thuế với các hoạt động bán hàng online trên facebook và thu thuế thu nhập cá nhân với các nguồn thu nhập của người nổi tiếng từ việc livestream hay quay video trên facebook?

Thực chất của quản lý thuế đối với bán hàng online là việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Về vấn đề này, trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu cách thức quản lý phù hợp được công bố. Nhiều tài liệu về kinh nghiệm quản lý của các nước đã được cơ quan thuế Việt Nam nghiên cứu và đang áp dụng.

Nguyên lý chung là cá nhân sử dụng công nghệ Internet để giao dịch thì cơ quan thuế cũng sử dụng công nghệ để nắm bắt thông tin và quản lý thuế.

Một kinh nghiệm rất hay của Hàn Quốc là Tổng cục Thuế thành lập Trung tâm phòng chống gian lận thuế công nghệ cao để hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ và trực tiếp phối hợp với các cơ quan nhà nước để quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại