IBT Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc trong nói rằng Trung Quốc nên học hỏi Ấn Độ từ việc xử lý giải quyết tranh chấp hàng hải trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực PCA sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào ngày 12/7 tới đây.
"Trong năm 2014, Tòa Trọng tài Thường trực đã đưa ra phán quyết chống lại Ấn Độ và ủng hộ Bangladesh trong một vụ tranh chấp hàng hải kéo dài 3 thập kỷ", Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á, phát biểu tại một phiên điều trần của Quốc hội.
Ông khẳng định các giải pháp hòa bình trong xử lý tranh chấp và việc tuân thủ luật pháp quốc tế đã được lựa chọn trong quá khứ bởi một quốc gia có vị thế tương đồng như Trung Quốc.
"Ấn Độ đã tuân thủ và thực thi quyết định này và thừa nhận việc làm theo phán quyết của tòa án quốc tế sẽ giúp tăng cường thiện chí và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Đây là một ví dụ mà chúng tôi khuyến khích Trung Quốc nên làm theo", IBT Times dẫn lời ông Denmark.
Ông Denmark cũng gọi Ấn Độ là "đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ ở châu Á và trên toàn cầu - là một ví dụ điển hình về một đất nước tự hào và ngày càng thiện chí trong việc có thể xử lý các tranh chấp với các nước láng giềng theo luật pháp quốc tế".
Trong khi chỉ còn vài ngày nữa phán quyết của tòa án quốc tế sẽ được công bố, Trung Quốc trong thời gian qua vẫn lặp lại quan điểm không chấp nhận và không tham gia vào vụ kiện của PCA trong khi yêu sách chủ quyền phi lý chiếm gần toàn bộ Biển Đông của nước này bị các nước trong khu vực chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Abraham Denmark cũng đề cập đến cuộc đàm phán thành công vấn đề biên giới lãnh hải giữa Indonesia và Philippines như một minh chứng cho việc các nước trong khu vực có thể tìm thấy biện pháp "giải quyết các tranh chấp lợi ích trên biển một cách cách hòa bình".
Trong bài phát biểu của mình ông Denmark cho biết "không chắc chắn" rằng các nước có lợi ích chủ quyền ở Biển Đông sẽ có động thái như thế nào trong vòng vài tháng tới sau khi tòa án đưa ra phán quyết vào ngày 12/7 tới đây. Tuy nhiên, ông cho biết Washington sẽ hỗ trợ trong việc định hình tương lai của khu vực.
Ông cũng nói thêm rằng phán quyết tòa án sẽ xác định tương lai của châu Á-Thái Bình Dương "hoặc được đảm bảo về việc tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế trong việc gìn giữ hòa bình và thịnh vượng, hoặc tương lai của khu vực sẽ bị ràng buộc bởi các tính toán quyền lực".
Với yêu sách đường chín đoạn trên biển, Bắc Kinh đã tuyên bố có chủ quyền chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước trong khu vực. Philippines đã đưa đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực vào năm 2013, tuy nhiên nước này đã nhiều lần bác bỏ và cho rằng tòa án quốc tế không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong một phát biểu gần đây ở Washington, ông Đới Bình Quốc, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đã gọi phán quyết của tòa án về tranh chấp Biển Đông "chỉ là giấy lộn không hơn không kém" và tuyên bố rằng "dù Mỹ có mang 10 tàu sân bay đến khu vực cũng không khiến Bắc Kinh e ngại".