Mỹ - Hàn triển khai THAAD, Nga - Trung "như ngồi trên lửa"

Thi Anh |

Trung Quốc dữ dội, còn Nga cảnh báo "hậu quả không thể sửa chữa" sau khi thỏa thuận triển khai THAAD thành hình trên bán đảo Triều Tiên.

Nỗi lo vô cớ

Hôm 8/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Mỹ và Hàn Quốc để bày tỏ quan điểm phản đối trước động thái mới của 2 nước này trên bán đảo Triều Tiên.

Mỹ - Hàn triển khai THAAD, Nga - Trung như ngồi trên lửa - Ảnh 1.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi

"Trung Quốc hối thúc Mỹ và Hàn Quốc ngưng quá trình triển khai hệ thống phòng thủ THAAD, không được có bất cứ hành động nào khiến tình hình khu vực thêm phức tạp và phương hại tới lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc" - trích thông cáo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Phản ứng này được đưa ra sau khi Washington và Seoul đạt thỏa thuận chính thức về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại điểm nóng của châu Á. Đây được xem là sách lược của Mỹ và Hàn Quốc nhằm đối phó với Bình Nhưỡng.

Mỹ khẳng định, hành động này chỉ nhằm mục đích răn đe và kìm hãm chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại cho rằng, sự xuất hiện của THAAD sẽ đe dọa tới an ninh, hòa bình và sự ổn định, chứ không hỗ trợ sứ mệnh phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc lo ngại radar của THAAD sẽ theo dõi các phương tiện quân sự của nước này.

"Trung Quốc thừa hiểu, THAAD được triển khai ở Hàn Quốc không phải nhằm vào mình", ông Yoo Dong-ryol, người đứng đầu Viện Dân chủ Tự do Hàn Quốc, nhận định, "Bắc Kinh chỉ không thích Mỹ đưa vũ khí tới gần mình".

Thực ra, triển khai THAAD không phải một quyết định dễ dàng đối với Hàn Quốc. Seoul vốn rất dè dặt khi bàn thảo công khai về vấn đề này bởi họ đứng trước sự phản đối của Bắc Kinh, đối tác thương mại chính và cũng là đồng minh chiến lược trong thời gian gần đây.

"Hậu quả không thể sửa chữa"

Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng cảnh báo, việc triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ đem tới những "hậu quả không thể sửa chữa được".

Moskva cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định của khu vực.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, "Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh, đang xây dựng tiềm lực cho một bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu (tại châu Á - Thái Bình Dương). Hành động này sẽ làm suy yếu thế cân bằng chiến lược đang tồn tại trong khu vực".

Hãng thông tấn Interfax đưa tin, Bộ Ngoại giao Nga sẽ đưa vấn đề Mỹ - Hàn triển khai THAAD trên bán đảo Triều Tiên vào xem xét trong các cuộc họp hoạch định quân sự của Moskva.

Phát triển bởi Lockheed Martin, THAAD được thiết kế để đối phó với các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung bằng cách đánh chặn chúng ở bên trong hoặc ngoài rìa khí quyển Trái đất. Hiện Mỹ đã có một hệ thống này ở đảo Guam. 

Mỹ - Hàn triển khai THAAD, Nga - Trung như ngồi trên lửa - Ảnh 2.

Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).

Washington và Seoul đã thảo luận về khả năng triển khai và vị trí đặt THAAD từ tháng 2. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong khoảng cuối năm 2017.

Động thái này được đưa ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Mới đây Mỹ đã áp cấm vận đơn phương đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ngay sau đó, Bình Nhưỡng cảnh báo, đây là hành động "bước qua lằn ranh đỏ" và có thể coi như "một lời tuyên chiến công khai".

Quan điểm của Nhật Bản

Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, Tokyo "ủng hộ việc triển khai THAAD (trên bán đảo Triều Tiên) bởi động thái này sẽ giúp tăng cường an ninh trong khu vực". Nhật Bản cũng đang cân nhắc tới việc thiết lập thêm một lớp phòng thủ tên lửa đạn đạo, ví dụ như THAAD, để hỗ trợ các tên lửa trên khu trục Aegis và các hệ thống Patriot.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại