Trạm thu phí chuyển tên thành trạm thu giá: Tối nghĩa và ngô nghê!

Lê Hữu Việt |

Liên quan tới việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chuyển tên gọi các “trạm thu phí đường bộ” thành “trạm thu giá đường bộ” (với các dự án BOT đường bộ), các chuyên gia cho rằng tên gọi mới là vô nghĩa với tiếng Việt, thậm chí là ngô nghê.

Sau khi thành chuyển tên thành "trạm thu giá", trên mạng xuất hiện ảnh nhiều tài xế xe tải mang cả rổ mầm giá sống đưa cho nhân viên thu tại trạm. Câu chuyện cũng sôi sục bên ngoài nghị trường Quốc hội, bên cạnh câu trả lời của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể: BOT là của nhiệm kỳ trước (bản thân Thứ trưởng Thể ở nhiệm kỳ trước cũng đặt tay ký một số dự án BOT và nổi tiếng như BOT Cai Lậy).

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn (Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, việc đổi tên “trạm thu phí” sang “trạm thu giá” BOT được sử dụng lần đầu trong Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT.

Dù Bộ GTVT đã có giải thích sự khác biệt giữa khái niệm “phí” (do nhà nước ấn định) và “giá” (do doanh nghiệp ấn định), nhưng theo ông Cổn, dùng cụm từ “trạm thu giá” làm tên gọi cho các trạm thu phí cũ là không chính xác và không đúng với cách dùng của từ “giá” trong tiếng Việt.

Do sự khác biệt giữa nghĩa của từ “phí” và từ “giá” trong tiếng Việt.

Ông Cổn dẫn Từ điển tiếng Việt và lý giải: “Phí” là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ” cho nên có thể nói “nộp phí”, “thu phí”, theo nghĩa là nộp hay thu “một khoản tiền phải trả” cho một công việc hay dịch vụ nào đó.

Ngược lại, từ ”giá” có nghĩa chính là “biểu hiện giá trị bằng tiền”, chứ không phải là “khoản tiền phải trả…”. Do đó, chỉ có thể nói “giá bao nhiêu?” hoặc “giá 5 triệu đồng” mà không thể nói “nộp giá”, “thu giá”.

“Như vậy, có thể hiểu vì sao việc dùng cụm từ ‘trạm thu giá’ không được dư luận đồng tình”, ông Cổn nói.

Theo vị chuyên gia ngôn ngữ trên, về mặt pháp lý thì dùng từ “thu giá” không có vấn đề gì, nhưng về văn hoá kinh doanh thì không nên.

Tiếng Việt có nhiều cách khác để lựa chọn, chẳng hạn thay “thu” bằng “trả”: Trạm trả phí (dịch vụ), hoặc Trạm trả cước (dịch vụ). Tất nhiên không phải là “Trạm trả giá (dịch vụ)”!

Về việc dùng “trạm thu giá đường bộ” của Bộ GTVT quá máy móc, sai tiếng Việt, ông Cổn cho rằng: “Đơn giản là tiếng Việt không nói như vậy”.

Để tránh từ “phí” được hiểu là do nhà nước ấn định, ông Cổn gợi ý, Bộ GTVT có thể dùng một từ khác gần nghĩa với từ phí là từ “cước”, hiện đang được dùng trong các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông, giao thông vận tải.

Theo đó “Trạm thu phí/giá” có thể gọi là “Trạm thu cước (dịch vụ)” hoặc “Trạm trả cước (dịch vụ).

“Nếu cho rằng chưa có văn bản nào qui định về khái niệm “cước” và bắt buộc phải dùng từ “giá” (theo Luật Giá), nên dùng cả cụm từ “Trạm thu giá dịch vụ”, chứ không nên dùng cụm từ “Trạm thu giá”.

Dù dùng như vậy cũng không phải là một sự lựa chọn hay, vì như đã nói ở trên “thu giá” là cách diễn đạt không bình thường, nếu không nói là sai trong tiếng Việt”, ông Cổn nói thêm.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Thu giá là một “sáng tạo” của Bộ GTVT, để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và Lệ phí.

Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí.

Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo Luật.

“Rất tiếc, phí BOT không có trong danh mục này. Đáng ra, Bộ GTVT nên trình Quốc hội bổ sung phí BOT vào Danh mục nói trên, thì lại tìm cách đánh tráo khái niệm”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cũng đồng tình quan điểm, “thu giá” là một khái niệm hoàn toàn vô nghĩa trong tiếng Việt. “Bạn có thể thu phí, thu thuế, thu nợ, thậm chí thu ngân... nhưng không thể thu giá, vì giá không phải là thứ có thể thu được.

Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hoá/dịch vụ. Thu biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê”, ông Dũng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại