"Trả thù 10 năm chưa muộn": Ông Pompeo khéo léo phản đòn đối thủ trong bài nói 25 phút tại Ai Cập

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Bài trình bày của ông Pompeo đã cùng lúc nhắm tới hai vị tổng thống của nước Mỹ.

Một bài nói hai mục đích

Ngày 11.1 vừa qua, tại trường Đại học tổng hợp Cairo của Ai cập, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu dài 25 phút trình bày quan điểm chiến lược của Mỹ đối với khu vực Cận Đông.

Bài trình bày của ông Pompeo có tựa đề "Một sức mạnh cho cái tốt đẹp: Sự mạnh mẽ trở lại của Mỹ ở Cận Đông". Hàm ý của ông Pompeo ở đây là Mỹ khởi đầu mới ở khu vực này.

Khởi đầu mới của Mỹ ở khu vực? Chẳng phải cách đây đúng 10 năm và cũng ở đúng nơi này, tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng đúng cụm từ ấy và đưa ra mục tiêu ấy cho nước Mỹ hay sao?

Khi ấy, ông Obama đã mời chào các chính phủ và dân tộc ở khu vực Cận Đông một sự khởi đầu mới cho quan hệ của họ với Mỹ "sau nhiều vết thương, hiểu nhầm và xung khắc".

Khi ấy, ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên công nhận Mỹ năm 1953 đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh.

Trả thù 10 năm chưa muộn: Ông Pompeo khéo léo phản đòn đối thủ trong bài nói 25 phút tại Ai Cập - Ảnh 1.

Ông Pompeo phát biểu tại Cairo. Ảnh: Getty

Khi ấy, ông Obama thôi thúc Israel ngừng xây dựng trái phép những làng định cư cho người Do Thái trên những khu vực lãnh thổ của người Palestin và công nhận nhà nước Palestin.

Khi ấy, ông Obama lên tiếng yêu cầu chính quyền ở các nước Ả Rập tôn trọng tự do ngôn luận và nhân quyền.

Khi ấy, ông Pompeo còn ở ngoài chính trường nước Mỹ nhưng dường như sự bất đồng quan điểm đã tồn tại từ đó và sâu sắc đến mức ông Pompeo dùng phần lớn bài trình bày vừa rồi ở đúng nơi ông Obama đã phát biểu để thanh toán với ông Obama.

Thông điệp của ông Pompeo đại loại là ông Obama đã sai lầm cả về chiến lược lẫn sách lược ở khu vực này, gây ra những hậu quả vô cùng tai hại cho nước Mỹ và đồng minh của Mỹ mà hiện tại chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump phải dọn dẹp đống đổ nát.

Ông Pompeo không nêu đích danh ông Obama mà sử dụng cụm từ "một người Mỹ khác đã đứng ở đây, đã nói với quý vị...".

Sau cuộc trả thù và rửa hận, ông Pompeo đề cập đến "sự khởi đầu mới cho quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực" với 3 nội hàm chủ yếu là Mỹ vẫn cam kết mạnh mẽ và can dự trực tiếp vào khu vực cho dù sẽ rút quân đội ra khỏi Syria, Mỹ khích lệ thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập cũng như coi Iran là kẻ thù chung cùng phải đối phó.

Trả thù 10 năm chưa muộn: Ông Pompeo khéo léo phản đòn đối thủ trong bài nói 25 phút tại Ai Cập - Ảnh 2.

Ảnh: AP

Ngoài mục đích rất rõ ràng của ông Pompeo với bài phát biểu này là trấn an đồng minh và đối tác của Mỹ, xoa dịu lo ngại sâu sắc của họ về việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria, bài phát biểu này của ông Pompeo như thể chủ yếu hướng về nước Mỹ và cá nhân ông Trump hơn là nhằm tới các nước trong khu vực.

Ông Trump đã quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria thì ông Pompeo ở Cairo bảo vệ đấy là quyết định đúng đắn.

Ông Trump chủ trương huỷ hoại mọi thành quả cầm quyền của ông Obama thì ông Pompeo tính sổ với ông Obama ở đúng nơi cách đó 10 năm ông Obama tuyên cáo chiến lược mới của Mỹ cho khu vực.

Ông Trump thâm thù Iran thì ông Pompeo biến Iran thành kẻ thù chung của Mỹ và các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực.

Có không ít điều trình bày của ông Pompeo không đúng với sự thật

Chẳng hạn như ông Pompeo quả quyết rằng ông Trump đã thành lập được liên quân đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) nên đã tiêu diệt được IS trong không đầy 24 tháng.

Sự thật là ông Obama đã thành lập liên quân này.

Hay như khi nói rằng: "Cách đây mấy năm, ai có thể nghĩ rằng có thủ tướng Israel tới thăm Oman", ám chỉ thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm ngoái tới thăm Oman, ông Pompeo cố tình quên là trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã có tới 2 thủ tướng Israel là Ytzak Rabin và Shimon Peres tới thăm Oman.

Trả thù 10 năm chưa muộn: Ông Pompeo khéo léo phản đòn đối thủ trong bài nói 25 phút tại Ai Cập - Ảnh 4.

Những trình bày của ông Pompeo ở Cairo trên danh nghĩa được coi là chiến lược mới của Mỹ cho khu vực Cận Đông, nhưng thực chất lại không thể được như vậy.

Trong đó gần như hoàn toàn không có gì mới, lại thêm mâu thuẫn ở chỗ ông Pompeo vừa khẳng định Mỹ rút quân khỏi Syria vừa quả quyết Mỹ vẫn cam kết và can dự mạnh mẽ ở khu vực, lại thiếu cụ thể nên không thể khả thi ở chỗ muốn đẩy lùi Iran ra khỏi Syria nhưng không biết bằng cách nào và lại lặp đi lặp lại chiêu bài "gây áp lực tối đa" và "còn gia tăng áp lực hơn nữa" đối với Iran.

Thôi thì không mới mẻ gì được trong thực chất thì vớt vát bằng chút mới trên danh nghĩa vậy.

Thế đấy, chê bai người khác thì dễ, làm được tốt hơn mới khó và không phải cứ chê bai người khác là tự chứng minh được khả năng làm được tốt hơn người khác.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại