TQ: Tiến trình bố trí nhân sự tăng tốc, hé lộ "cách dùng người" của ông Tập Cận Bình

An An |

Mặc dù còn hai năm nữa mới đến Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XX của ĐCSTQ nhưng tốc độ điều chỉnh nhân sự trong chính quyền nước này đã tăng tốc rất nhanh.

Hội nghị Trung ương 5 đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 dự kiến diễn ra từ ngày 26-29/10 tới. Vào ngày 16/10, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp Bộ Chính trị, sau cuộc họp, một số luân chuyển nhân sự địa phương đã được công bố.

Trong 20 ngày đầu tháng 10, 5 tân Phó Bí thư được bổ nhiệm. Chủ nhiệm Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân khu tự trị Quảng Tây Lam Thiên Lập giữ chức Phó Bí thư đảng ủy khu tự trị, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy kiêm Bí thư thành phố Trường Sa (Hồ Nam) Hồ Hoành Hoa được chuyển sang làm Phó Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh Hồ Bắc Vương Thụy Liên trở thành Phó Bí thư tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch tỉnh Hà Bắc Trần Cương trở thành Phó Bí thư tỉnh ủy. Một tuần trước, Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức thành phố Thượng Hải Vu Thiệu Lương cũng được bổ nhiệm làm Phó Bí thư thành ủy.

Trong những điều chỉnh trên, ông Lam Lập Thiên đã thay thế người tiền nhiệm Trần Vũ, người sắp tròn 66 tuổi (ông này đã miễn nhiệm trước đó) vào ngày 19/10, nắm Quyền Chủ tịch chính quyền khu tự trị Quảng Tây. Bốn Phó Bí thư còn lại đều đứng ở vị trí thứ ba trong chính quyền tỉnh.

Theo báo tiếng Hoa Đa chiều, các đảng bộ địa phương ở Trung Quốc thường có hai Phó Bí thư. Trong đó, Phó Bí thư thứ nhất kiêm Chủ tịch tỉnh, Thị trưởng là Phó Bí thư cấp tỉnh hoặc cấp bộ; Phó bí thư thứ hai nắm vị trí chuyên trách, chịu trách nhiệm về công tác đảng, hiện cũng có thể kiêm nhiệm các chức vụ khác.

Phó Bí thư thứ hai xếp thứ ba trong danh sách lãnh đạo địa phương và được mệnh danh là “tư lệnh thứ ba” của địa phương. Vị trí này cũng rất quan trọng. Hiện vị trí Phó bí thư thứ hai ở 7/31 địa phương gồm Bắc Kinh, Trùng Khánh, Chiết Giang đang tạm thời để trống.

Vị trí “tư lệnh thứ ba” rất quan trọng vì Phó Bí thư thứ hai thường trở thành ứng cử viên cho vị trí Bí thư hoặc Chủ tịch tỉnh sau này.

Nhiều lãnh đạo cấp cao tronng đảng và chính quyền địa phương hiện nay ở Trung Quốc đều đã có kinh nghiệm làm Phó bí thư chuyên trách. Một số thậm chí từng nắm giữ vai trò "tư lệnh thứ ba" trong nhiều năm. Ví dụ, Bí thư Tân Cương hiện nay Trần Toàn Quốc đã từng là Phó bí thư tỉnh Hà Nam hơn 5 năm. Bí thư Thanh Hải Vương Kiến Quân làm Phó bí thư tỉnh ủy trong 6 năm trước khi trở thành Chủ tịch tỉnh v.v...

Từ các Phó Bí thư chuyên trách của 24 địa phương Trung Quốc hiện nay cho thấy họ có những đặc điểm sau: Các Phó Bí thư chuyên trách không còn chỉ phụ trách công tác đảng mà thường kiêm nhiệm thêm các công việc khác. Ví dụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Vương Vỹ Trung, kiêm nhiệm Bí thư Thành ủy Thâm Quyến; Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến Hồ Xương Thăng kiêm nhiệm Bí thi thành ủy Hạ Môn v.v...

Theo Minh Báo (Hồng Kông) hôm 20/10 phân tích, mặc dù còn hai năm nữa mới đến Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XX của đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng tốc độ điều chỉnh nhân sự trong chính quyền nước này đã tăng nhanh.

Phân tích chỉ ra, điều này cho thấy tuyến xây dựng đội ngũ nhân sự mới của Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình: Về lý lịch, các Phó Bí thư chủ yếu xuất thân từ cấp phó chính quyền địa phương (Phó Chủ tịch tỉnh), Trưởng ban tổ chức... Trong đó, xuất thân từ Trưởng ban tổ chức chiếm một tỷ lệ đáng kể, chứng minh sức mạnh của hệ thống tổ chức hiện tại trong ĐCSTQ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại