TQ muốn tận dụng cơ hội "vượt mặt" phương Tây nhưng vô tình biến lợi ích thành gánh nặng

Minh Khôi |

Năm 2012, khi phương Tây vẫn đang chật vật thoát ra khỏi hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh cho rằng đây là cơ hội có thể tận dụng để vươn lên.

Từ quyết định tận dụng cơ hội vươn lên

Hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với 4 vấn đề lớn: hành xử hiếu chiến ở Biển Đông; Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI); Tân Cương; và Hồng Kông. Chính các chính sách trong các vấn đề này đã đẩy Bắc Kinh vào thế đối mặt với một liên minh các quốc gia phương Tây ngày càng đoàn kết.

Hiện tại, cả Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như Biển Đông là những ví dụ điển hình cho sự thất bại mang tính chiến lược, GS Minxin Pei, trường Claremont McKenna bình luận trên tờ Nikkei Asia Review.

Cuối năm 2012, phương Tây vẫn đang chật vật thoát ra khỏi hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, Bắc Kinh cho rằng đây là cơ hội có thể tận dụng để vươn lên nhờ sức mạnh kinh tế.

Từ thời điểm này, Bắc Kinh không chỉ đã áp dụng các chiến lược mang tính đối đầu - ví dụ như quân sự hóa trái phép một loạt các đảo nhân tạo trên Biển Đông - mà còn đẩy mạnh nỗ lực thiết lập một trật tự mới với Trung Quốc đứng ở trung tâm nhằm cạnh tranh với trật tự hiện tại dưới sự dẫn dắt của Mỹ.

Thực tế sau đó cho thấy, việc quân sự hóa phi pháp một loạt các đảo nhân tạo trên Biển Đông và BRI đều đã trở thành các gánh nặng chiến lược, thay vì lợi ích. Việc Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ từ Washington.

Đây cũng là yếu tố giúp Mỹ kêu gọi sự hưởng ứng từ các đồng minh cũng như đối tác quan trọng như Úc, Anh, Nhật Bản, và Ấn Độ, nhằm ngăn chặn kế hoạch bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Dường như Bắc Kinh đã đánh giá thấp phản ứng của Mỹ khi nhưng rõ ràng thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Vành đai - Con đường: Tham vọng không khả thi

Trong khi đó, theo ông Minxin Pei, BRI không chỉ là một sai lầm chiến lược mà còn là tham vọng không khả thi. Được thai nghén từ 2013 khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh và nguồn dự trự ngoại hối lên tới hơn 4.000 tỷ USD, BRI được kì vọng sẽ là chương trình phát triển hạ tầng sẽ giúp Trung Quốc thúc đẩy tầm ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị.

Về mặt ý tưởng, BRI có vẻ như một bước đi sáng suốt, tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã đặt dấu hỏi về tính khả thi ngay từ đầu khi nguồn vốn đầu tư trên thực tế dự kiến sẽ vượt hơn nhiều con số cam kết 1.000 tỷ USD ban đầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không dự báo được việc nền kinh tế nội địa nhanh chóng mất đà tăng trưởng, hoặc các phản ứng của Mỹ đã biến thành các biện pháp kinh tế nhằm kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc.

Ngoài ra, Tân Cương và Hồng Kông cũng là các thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt. Nhưng phản ứng của Trung Quốc đã khiến 2 vấn đề vốn hoàn toàn có thể nằm trong tầm kiểm soát trở thành các thảm hoạ về mặt hình ảnh và sẽ là những trở ngại đáng kể nếu Bắc Kinh muốn cải thiện mối quan hệ với phương Tây.

Với các cuộc biểu tình tại Hồng Kông về đạo luật dẫn độ gây tranh cãi, Bắc Kinh có thể kiên nhẫn chờ đợi các cuộc biểu tình từ từ giảm nhiệt. Nhưng quyết định áp dụng luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã khiến mối quan hệ với phương Tây ngày càng xuống dốc.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng tống Mỹ đang chìm trong khủng hoảng về chính trị, điều này cũng không làm giảm bớt áp lực với Bắc Kinh. Đảng Dân chủ và Cộng hoà có thể là các đối thủ không nhìn mặt nhau trên chính trường nội địa, nhưng họ là một thể đoàn kết khi đối mặt với Trung Quốc - và sẵn sàng khiến Bắc Kinh trả giá đối với bất cứ bước đi sai lầm nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại