Một phần sông Mekong chảy qua tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Ảnh: Reuters
Hôm 6/1, Ủy ban sông Mekong (MRC) cho biết mực nước trên sông Mekong có khả năng giảm khoảng 1,2 mét, sau thông báo một ngày trước đó của Trung Quốc rằng nước này sẽ hạn chế dòng chảy của con sông. Thông báo này được đưa ra gần một tuần sau khi các chuyên gia lần đầu tiên cảnh báo về việc hạn chế dòng chảy ở thượng nguồn.
Thông báo của Bộ Thủy lợi Trung Quốc nêu rõ, lưu lượng nước ở thủy điện Cảnh Hồng (Jinghong) sẽ giảm 1.000 m³/s từ ngày 5/1 đến ngày 24/1, do "việc bảo trì các đường dây tải điện của lưới điện".
Theo MRC, Bắc Kinh cho biết mực nước sẽ dần dần tăng đến mức bình thường vào ngày 25/1, mà không nêu rõ khối lượng nước được khôi phục là bao nhiêu.
Thông báo từ phía Trung Quốc được đưa ra sau khi đối tác của MRC, sử dụng công nghệ mới của Mỹ, phát hiện lưu lượng nước ở thủy điện Cảnh Hồng giảm 50% lưu lượng nước vào ngày 31/12. Trung Quốc đã không thông báo cho các nước láng giềng ở hạ lưu sông Mekong về việc này.
Cơ quan giám sát đập trên sông Mekong hôm 4/1 cho biết, việc hạn chế dòng chảy đột ngột có thể "gây hại cho việc phục hồi số lượng cá" trên sông Mekong và chỉ trích việc Bắc Kinh không thông báo sớm cho các nước ở hạ lưu sông.
Sông Mekong, chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Theo tổ chức phi chính phủ World Wildlife Fund, đánh bắt cá trên sông Mekong chiếm tới 1/4 sản lượng đánh bắt cá nước ngọt trên thế giới và là nguồn sống của khoảng 60 triệu người ở khu vực Đông Nam Á.
Bắc Kinh đã xây dựng 11 con đập dọc phần sông Mekong thuộc lãnh thổ nước này kể từ năm 1995.
Hồi tháng 12/2020, Mỹ đã tài trợ một dự án sử dụng vệ tinh để theo dõi và công bố mực nước theo thời gian thực tại các đập thủy điện của Trung Quốc, dọc sông Mekong. Đây được xem là động thái làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.