Trong một bài viết đăng trên tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 17/7, Chương Gia Đôn (Gordon Chang) - luật sư người Mỹ gốc Hoa - nhận định rằng, tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ phán quyết về vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) nhưng người Trung Quốc dường như đang khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Theo ông Chương, việc không thừa nhận phán quyết PCA sẽ khiến Bắc Kinh "chọc tức" các đối tác thương mại, từ đó biến bất lợi địa chính trị thành khó khăn kinh tế.
Ông này cho rằng, PCA phán quyết Trung Quốc không có "quyền lịch sử" đối với Biển Đông- và "đường lưỡi bò" do họ tự biên tự diễn không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) nên nước này đã coi kết quả của Tòa "không có giá trị pháp lý".
"Trung Quốc đang tự đặt mình vào thế khó khi đi ngược dư luận quốc tế", Chương Gia Đôn bình luận.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, hầu hết những chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đều thể hiện chiến lược "kêu gọi nhiều sự ủng hộ của xã hội quốc tế".
Bắc Kinh cần sự ủng hộ của quốc tế đối với cái gọi là "quyền lịch sử ở biển Đông", nhưng cần hơn nữa chính là sự mở cửa của thị trường thế giới đối với hàng hóa của nước này.
Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán những hiệp định thương mại và đầu tư khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là đàm phán liên quan đến việc công nhận nền kinh tế thị trường.
Theo điều khoản được bổ sung khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2011, Trung Quốc sẽ tự động trở thành nền kinh tế thị trường vào tháng 12/2016.
Việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Trung Quốc sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho các quốc gia khác khi áp đặt thuế bán phá giá đối với hàng hóa giá rẻ của quốc gia tỷ dân này.
Các quan chức thương mại châu Âu và châu Mỹ đặc biệt lo ngại những khoản trợ cấp hàng hóa xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc - một hình thức "can thiệp vĩ mô" theo cách gọi của Đại diện đàm phán thương mại Mỹ, Chris Wilson.
Wilson phân tích, các khoản trợ cấp sẽ giúp các nhà xưởng của Trung Quốc mọc lên như nấm, đặc biệt là ngành công nghiệp thép và nhôm. Điều này dẫn đến sản lượng hàng hóa toàn cầu dư thừa, gây nguy hiểm cho những đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc ở thị trường nước ngoài.
Ông này cũng cho rằng, cuộc cải cách thị trường của Trung Quốc hiện nay chưa đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu khi gia nhập WTO. Vì thế, nỗi lo của các đối tác trước việc Bắc Kinh thực hiện nghĩa vụ thương mại có thể đến bất cứ lúc nào.
Điều hiển nhiên, đại diện đàm phán thương mại của Trung Quốc sẽ không đồng ý tiến hành thảo luận công khai việc công nhận nền kinh tế thị trường nước này.
Nhưng trước tình thế Bắc Kinh đang vi phạm nghiêm trọng UNCLOS thì các đại diện thương mại Trung Quốc không thể thành công khi đi yêu cầu đối tác nước ngoài cần tuân thủ các điều khoản thỏa thuận của hai bên.
Nỗ lực được công nhận là một nền kinh tế thị trường của Trung Quốc có thể thất bại bởi phản ứng của chính phủ nước này sau phán quyết PCA ngày 12/7 (Ảnh minh họa: Greg Baker / AFP/Getty Images)
Trung Quốc đang "tự trao cơ hội cho nước khác"
Mối quan hệ thương mại với người bạn hàng lớn nhất là Mỹ cũng đang trên đà suy thoái do tác động bởi nhiều tranh chấp khác.
Chính Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải từng lên tiếng nhắc nhở: "Mỹ không nên dùng tranh chấp biển Đông để 'định nghĩa' mối quan hệ Trung - Mỹ".
Do đó, chính vào thời điểm cần sự ủng hộ của các đối tác quốc tế thì Bắc Kinh lại đi bác bỏ phán quyết của PCA, trái ngược với lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế mà các đối tác phương Tây ủng hộ.
Trên thực tế, trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã được hưởng lợi của trật tự quốc tế vốn có nhưng về lâu dài, lập trường hiện nay của nước này về phán quyết biển Đông đang phản tác dụng.
"Trung Quốc cử tàu cá đến vùng biển tranh chấp là một thách thức trắng trợn đối với trật tự quốc tế và việc phớt lờ những quy tắc ứng xử sẽ khiến họ tự trao cơ hội cho các nước khác mà thôi", luật sư Chương nhấn mạnh.