Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga

Tuấn Sơn |

Với truyền thống lâu đời, lực lượng pháo binh luôn được Quân đội Nga "trọng dụng". Khác biệt với Mỹ và phương Tây sử dụng không quân là lực lượng cung cấp hỏa lực hỗ trợ chính cho lực lượng trên bộ, thì Nga lại sử dụng pháo binh làm nhiệm vụ này.

Điều này cũng dễ hiểu tại sao Quân đội Nga lại có lực lượng pháo binh hùng hậu, đa dạng về chủng loại. Căn cứ vào uy lực và nhiệm vụ, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã xác định 5 dòng vũ khí pháo binh uy lực hàng đầu của Quân đội Nga.

Tổ hợp pháo bắn đầu đạn hạt nhân Pion và Malka

Đứng đầu danh sách Top 5 dòng pháo binh uy lực của Nga chính là tổ hợp pháo tự hành Pion (tên mã NATO: M-1975). Đây là tổ hợp pháo binh cỡ nòng lớn, uy lực hàng đầu thế giới được phát triển trong thời Chiến tranh Lạnh.

Dòng vũ khí này được phát triển phù hợp với học thuyết tác chiến của Mỹ và Liên Xô trong giai đoạn những năm 1970 và 1980 về việc sử dụng đầu đạn hạt nhân chiến thuật bắn qua nòng pháo để tiêu diệt diện rộng các mục tiêu trên mặt đất.

Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga - Ảnh 1.

2S7 Pion.

Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga - Ảnh 2.

2S7M Malka.

"Ở nước Nga, chỉ có dòng pháo binh duy nhất có cỡ nòng 203mm là pháo tự hành 2S7 Pion và sau đó là phiên bản nâng cấp 2S7M Malka", chuyên gia quân sự Andrey Kotz nhận định.

Tổ hợp pháo Pion ngoài khả năng bắn đầu đạn hạt nhân, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cũng chế tạo nhiều loại đạn thông thường uy lực dành cho chúng như: Đạn nổ cháy mạnh ZFO35 110kg với tầm bắn 50km. Pháo 2S7 Pion giống như pháo chính trên các thiết giáp hạm thời Thế chiến II.

"Tuy nhiên, uy lực và phạm vi của tổ hợp pháo 2S7 Pion dù mang lại nhiều lợi thế, nhưng dòng vũ khí này cũng có một số nhược điểm. Theo đánh giá của Quân đội Nga, tốc độ bắn và số lượng đạn mang theo cũng là một yếu tố để đánh giá.

Về mặt này, pháo 2S7 Pion và 2S7M Malka lại yếu thế khi chỉ mang được 4 và 8 đạn trong các hộp chứa đạn tiêu chuẩn. Quân đội Nga hiện vẫn niêm cất khoảng 300 tổ hợp pháo hạng nặng này", RIA Novosti nhận định.

Súng cối hạng nặng Tyulpan

Được biết tới là một trong những tổ hợp cối cỡ nòng lớn nhất thế giới, 2S4 Tyulpan được biên chế cho Quân đội Liên Xô từ những năm 1970. Đến thời điểm hiện tại, Quân đội Nga vẫn duy trì một số đơn vị tổ hợp cối hạng nặng này.

Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga - Ảnh 3.

Tổ hợp súng cối tự hành 2S4 Tyulpan.

"Uy lực của cối 2S4 Tyulpan là đạn cỡ 240mm được trang bị. 2S4 Tyulpan được trang bị rất nhiều loại đạn, gồm: Đạn nổ định tầm, nổ phá mạnh, đạn chùm và đạn tự dẫn. Dưới thời Liên Xô, dòng cối hạng nặng này thậm chí được trang bị cả đầu đạn hạt nhân.

Nhờ quỹ đạo đạn bắn cầu vồng, cối 2S4 Tyulpan có thể tiêu diệt các mục tiêu bị che khuất, nằm sâu trong các tuyến phòng thủ", RIA Novosti đánh giá.

Trong cuộc chiến ở Afghanistan, cối tự hành 2S4 Tyulpan còn được trang bị đạn nối tầm sử dụng động cơ tên lửa. "Đặt trên khung gầm xe tự hành, tổ hợp cối 2S4 Tyulpan có khả năng cơ động trên các địa hình đồi núi và khai hỏa tấn công các mục tiêu nằm ở bên kia triền núi.

Đạn 240mm đặc biệt hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu ẩn nấp trong hang động và vị trí hiểm trở khó tiếp cận", chuyên gia A. Kotz cho biết.

Cối tự hành Vena

Tổ hợp cối tự hành 120mm 2S31 Vena (Vein) là dòng vũ khí mới nhất trong bảng xếp hạng; được biên chế cho Quân đội Nga từ năm 2010.

2S31 Vena được phát triển dựa trên kinh nghiệm chiến đấu tại Afghanistan khi cối tự hành S29 Nona tỏ ra cực kỳ uy lực với phiến quân trang bị nhẹ, cơ động cao.

Dựa trên cơ sở cối Nona, Quân đội Nga đã phát triển thế hệ cối tự hành mới sử dụng khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Điểm mạnh của 2S31 Vena chính là tốc độ bắn cao và khả năng tự hành tốt trên mọi địa hình.

Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga - Ảnh 4.

2S31 Vena.

"Mỗi tổ hợp 2S31 Vena đều có máy tính đạn đạo trên khoang và hệ thống liên kết thông tin cho phép tiếp nhận và truyền thông tin về phần tử bắn cho toàn bộ khẩu đội. Thông tin về mục tiêu, chế độ bắn được hiển thị trên màn hình của trưởng xe.

Với thông tin của 30 mục tiêu, trưởng xe chỉ việc chọn ra mục tiêu cần tiêu diệt và hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ tự động tính toán phần tử bắn để khai hỏa. Trong các tình huống đột kích, 2S31 Vena chỉ mất khoảng 20 giây để tính toán khai hỏa vào các mục tiêu ưu tiên", RIA Novosti nhận xét.

Sự kết hợp của tổ hợp cối 120mm có thể bắn bất kỳ loại đạn nào trên khung gầm xe bọc thép hạng nhẹ đã giúp 2S31 Vena có sức hút lớn trên thị trường vũ khí quốc tế.

Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch

BM-30 Smerch (tạm dịch: Tố lốc) là một trong những tổ hợp pháo phản lực uy lực nhất trên thế giới hiện nay. Được giới thiệu lần đầu tiên năm 1987, BM-30 Smerch trang bị 12 đạn phản lực 300mm với 250kg đạn chùm, nổ phá mảnh và nhiệt áp.

Top 5 tổ hợp pháo binh uy lực của Quân đội Nga - Ảnh 5.

Tổ hợp BM-30 Smerch.

"Sức mạnh hủy diệt của BM-30 Smerch nằm ở khả năng tấn công diện rộng tới 70 héc-ta ở khoảng cách 20-70km. Giới chuyên gia từng đánh giá, nếu 6 giàn phóng BM-30 Smerch khai hỏa cùng lúc, mục tiêu sẽ chịu sự công phá không khác gì đầu đạn hạt nhân chiến thuật", chuyên gia A. Kotz đánh giá.

Hiện tại, Nga đang phát triển biến thể nâng cấp của BM-30 Smerch với tên mã Smerch-S. Điểm mạnh của Smerch-S là việc được trang bị đạn rocket tự cơ động quỹ đạo trong các pha phóng. Việc trang bị đạn rocket tự dẫn chính xác cao kết hợp với khả năng hủy diệt diện của Smerch-S đã tạo ra dòng vũ khí tấn công uy lực mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại