Nước Mỹ định phế truất ông Trump?
Ở nước Mỹ càng ngày càng có thêm những diễn biến mới khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bị lún sâu hơn vào tình trạng khó khăn và khó xử. Vẫn là chuyện quan hệ tình ái riêng tư của ông Trump ở thời đã qua, và tiến triển của quá trình điều tra về những cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Mỹ hồi đầu tháng 11/2016.
Chuyện càng rắc rối và thêm những tình tiết mới thì cuộc tranh luận ở Mỹ về khả năng ông Trump bị phế truất lại càng thêm sôi động.
Hiện tại, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về những cáo buộc phía Nga đã can thiệp vào bầu cử ở Mỹ giúp ông Trump đắc cử Tổng thống tuy vẫn tiến triển, nhưng trong thực tế chưa đến mức trở thành mối đe dọa thực sự đối với quyền lực của ông Trump.
Ông Trump hiện vẫn còn thời gian và không thiếu phương cách để đối phó, kể cả biện pháp sa thải Bộ trưởng Tư pháp hiện tại Jeff Sessions để thay thế bằng nhân sự mới, và người mới ấy sẽ buộc ông Mueller chấm dứt công việc điều tra.
Đáng ngại hơn đối với ông Trump ở thời điểm hiện tại là liên tục có những tiết lộ mới về việc ông đã dùng tiền để mua sự im lặng của một vài người phụ nữ mà ông này từng có quan hệ tình ái trong quá khứ.
Những chuyện ngoại tình như thế vốn luôn bị coi là chuyện tồi tệ lớn về đạo đức chính trị ở Mỹ, nhưng không phải là hành vi bị coi là phạm pháp. Năm xưa, ông Bill Clinton bị tiến hành quy trình phế truất không phải vì chuyện quan hệ tình ái với cô thực tập sinh Monica Levinsky, mà vì bị cáo buộc đã nói dối cơ quan điều tra.
Liên quan đến những chuyện tai tiếng hiện tại của Tổng thống Trump, điều được thiên hạ quan tâm là vì sao ông này lại phải bỏ ra nhiều tiền đến như vậy để mua chuộc sự im lặng của người khác.
Logic trong tư duy khiến thiên hạ nghĩ nhiều đến khả năng ông Trump ở đây có chuyện gì đó cần giấu giếm, vì khuất tất nên phải che đậy, mà trên hết lại có nhiều khả năng liên quan đến cuộc vận động tranh cử Tổng thống của ông Trump, tức là gây tác động tới diễn biến và kết quả của cuộc bầu cử.
Nếu đúng như thế thì những hành vi của ông Trump sẽ bị coi là phạm pháp, và chúng sẽ trở thành lí do để có thể khởi động quá trình phế truất ông Trump trong Quốc hội Mỹ.
Ông Trump vẫn còn thời gian và phương cách để đối phó với loạt bê bối gần đây, kể cả việc gián tiếp sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ảnh: Washington Examiner.
Mới khó, chưa nguy
Đúng là ông Trump hiện gặp khó khăn và khó xử hơn trước bởi những diễn biến mới này. Nhưng sẽ quá vội vàng và chủ quan nếu cho rằng ông Trump hiện vì thế mà nguy hiểm trên cương vị Tổng thống Mỹ bởi những lý do sau đây:
Thứ nhất, Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả Lưỡng viện lập pháp, và đảng này vẫn ủng hộ ông Trump. Hay có thể nói theo cách khác là ông Trump vẫn kiểm soát được Đảng Cộng hòa.
Từ phía đảng này không thấy có chủ ý và trong đảng này không có bộ phận lực lượng nào chống đối ông Trump và muốn tận dụng cơ hội để phế truất ông Trump.
Thứ hai, Đảng Dân chủ hiện vừa rệu rã trong nội bộ, lại vừa có lợi ích thiết thực với việc không thúc đẩy chuyện phế truất ông Trump trong thời gian cho tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới.
Chỉ cần phía Đảng Dân chủ bây giờ thúc đẩy việc phế truất ông Trump, thì phía ông Trump và Đảng Cộng hòa lập tức có ngay được con át chủ bài vận động bầu cử mới để khích lệ và thôi thúc các cử tri của họ đi bỏ phiếu, nhằm ngăn cản khả năng Đảng Dân chủ có được đa số trong Quốc hội mới với đủ số ghế để tiến hành phế truất ông Trump.
Do đó, việc thúc đẩy chuyện phế truất ông Trump bây giờ chỉ lợi bất cập hại và phản tác dụng đối với Đảng Dân chủ.
Thứ ba, những chỉ số mới nhất về tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp nói chung đều khiến dân Mỹ hài lòng chứ không thất vọng. Kết quả ấy không phải hoàn toàn là thành tựu cầm quyền của Tổng thống Trump, nhưng cũng không phải ông này không có đóng góp đáng kể gì.
Kết quả ấy đóng vai trò rất quyết định đối với tâm lý của người dân và sự lựa chọn của cử tri Mỹ khi đi bỏ phiếu, và thường có lợi hơn cho Tổng thống đương nhiệm và phe đảng cầm quyền.
Thứ tư, lịch sử chính trường nước Mỹ từ trước đến nay cho thấy chuyện phế truất Tổng thống thường là quyết định chính trị của chính trị gia, chứ không phải là phán quyết của phía tòa án.
Tình thế hiện tại của ông Trump có phần giống nhưng chưa đến mức như tình thế của ông Clinton năm 1999, và lại càng khác biệt so với tình thế của ông Richard Nixon năm 1973.
Cho nên, trong thời gian tới, ông Trump sẽ còn khó khăn và khó xử nữa, nhưng sẽ không bị nguy hiểm. Đoạn kết chuyện này liệu sẽ ra sao thì phải đợi sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tới ở Mỹ mới phần nào rõ nét hơn.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.