Hàng trăm ý kiến trên mạng Twitter tỏ ra hoài nghi việc ông Trump nhiễm SARS-CoV-2 dù không đưa ra được bằng chứng. Trong số này có ông Jelani Cobb, cây bút của tờ The New Yorker, và ông Anand Giridharadas, tổng biên tập của tờ Time và cộng tác viên của The New York Times.
Một số người cho rằng thông báo từ tổng thống có thể là cái cớ để trì hoãn cuộc bầu cử và hủy bỏ các cuộc tranh luận tổng thống sắp tới. Một số người nghi ngờ nói rằng họ không thể tin ông Trump vì tổng thống Mỹ đã lan truyền nhiều thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về dịch Covid-19 trong quá khứ.
Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Cornell đã công bố một nghiên cứu trong tuần này cho thấy ông Trump là tác nhân lớn nhất gây ra thông tin sai lệch và gây hiểu lầm về dịch Covid-19. Các nhà nghiên cứu cho biết tỉ lệ đề cập về ông Trump chiếm gần 38% trong tổng số "thông tin sai lệch".
Ông Trump cũng từng tuyên bố ít nhất 34 lần tính từ tháng 2 rằng dịch Covid-19 sẽ biến mất.
Bà Melissa Ryan, giám đốc điều hành của Card Strategies, một công ty tư vấn nghiên cứu thông tin sai lệch, cho biết: "Chúng ta đang ở trong một môi trường mà các thuyết âm mưu đang phát triển mạnh, một phần là do chúng được khuyến khích. Hoạt động thông tin liên lạc của Nhà Trắng liên tục cung cấp cho báo giới và công chúng thông tin chưa chuẩn".
Bên cạnh người dân Mỹ, nhiều quan chức cũng tỏ ra nghi ngờ về thông tin tổng thống nhiễm SARS-CoV-2. "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biết rằng đây chỉ là chiêu trò chính trị nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi thông tin về hồ sơ thuế và nhóm da trắng thượng đẳng" - nghị sĩ Dân chủ Don Beyer ở bang Virginia cho hay.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3-10 đã thông báo về tình hình của mình trên mạng Twitter: "Mọi việc vẫn ổn, tôi nghĩ vậy. Cảm ơn tất cả mọi người. Yêu tất cả".
Thông tin trên được đưa ra vài giờ sau khi ông được đưa tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland để điều trị.