Tổng thống Trump được mời tới Điện Capitol để đọc Thông điệp Liên bang, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Chủ tịch Thượng viện, Phó Tổng thống Mike Pence.
Thông điệp Liên bang 2018 là bản tổng kết những thành tựu, chính sách nổi bật trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Trump, với nhiều dấu ấn để lại như việc rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), siết chặt các quy định nhập cư, hay thúc đẩy mạnh mẽ chính sách "Nước Mỹ trên hết"...
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả nội dung bản Thông điệp Liên bang đầu tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump.
---
---
Kính thưa ngài Chủ tịch Hạ viện, ngài Phó Tổng thống, các nghị sĩ Quốc hội, Đệ nhất Phu nhân Mỹ và toàn thể người dân Mỹ.
Một năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên tôi đứng trên bục này, giữa căn phòng tuyệt vời này, để thay mặt người dân Mỹ, nói lên những vấn đề cần giải quyết, ước mơ và nguyện vọng của đất nước chúng ta.
Đêm hôm đó, chính quyền mới của chúng ta đã hành động rất nhanh. Một làn sóng lạc quan mới đã quét qua đất nước ta. Từ đó, mỗi ngày chúng ta đều tiến về phía trước với một tầm nhìn rõ ràng và một sứ mệnh đúng đắn, để khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại cho tất cả người Mỹ.
Trong một năm vừa qua, chúng ta đã có bước tiến thần kỳ và đạt được nhiều thành công đáng kinh ngạc. Chúng ta phải đối mặt với các thử thách hiện hữu và những thách thức không ngờ. Chúng ta cùng nhau trải qua giây phút vinh quang và những giai đoạn khó khăn gian khổ. Chúng ta chịu thiệt hại lớn từ những trận lũ lụt, hỏa hoạn và các đợt siêu bão. Nhưng sau tất cả, chúng ta đã chứng kiến vẻ đẹp của linh hồn Mỹ và sự quả cảm trong cốt tủy người Mỹ.
Mỗi phép thử lại tôi rèn được những anh hùng Mỹ mới, để nhắc cho chúng ta nhớ ta là ai, và cho ta thấy ta có thể trở thành thế nào. Chúng ta đã thấy những tình nguyện viên của Cajun Navy nhanh chóng đưa thuyền đánh cá của mình tới cứu người sau cơn bão kinh hoàng. Chúng ta đã thấy những người xa lạ che chở cho nhau dưới làn mưa đạn ở Las Vegas. Chúng ta đã nghe câu chuyện của nhiều người Mỹ, như Hạ sĩ Hải quân của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ashlee Leppert, người có mặt ở đây tối nay, cùng với [Đệ nhất phu nhân] Melania.
Ashlee là người điều khiển một trong những chiếc trực thăng đầu tiên tới Houston trong cơn bão Harvey. Trong 18 giờ đồng hồ giữa mưa lũ, Ashlee đã băng qua dòng nước sâu, đường dây điện nguy hiểm để cứu 40 mạng người. Ashlee, xin được cảm ơn cô. Cảm ơn cô rất nhiều.
Chúng ta cũng đã nghe nhiều về những người Mỹ anh hùng như lính cứu hỏa David Dahlberg. Hôm nay anh ấy cũng có mặt tại đây. David đã vượt qua tường lửa để cứu gần 60 trẻ nhỏ bị kẹt tại một trại hè ở California trong trận hỏa hoạn kinh hoàng. Với những người đang khắc phục hậu quả thiên tai từ Texas, Florida, Louisiana, Puerto Rico cho tới Virgin Islands và mọi nơi trên đất Mỹ, chúng tôi luôn bên cạnh các bạn, chúng tôi yêu các bạn, và chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua những khó khăn này, luôn luôn là như vậy.
Xin được cảm ơn David và những người dân California quả cảm. Cảm ơn David rất nhiều. Anh làm tốt lắm!
Trong năm qua, một số thử thách đã chạm tới căn phòng này theo một cách rất riêng. Có mặt với chúng ta tại đây tối nay là một trong những người cứng rắn nhất từng phục vụ trong Quốc hội Mỹ, người đã bị trúng đạn, suýt nữa phải từ giã cõi đời, nhưng chỉ 3 tháng rưỡi đã quay lại làm việc. Đó là huyền thoại đến từ Louisiana, Nghị sĩ Steve Scalise.
Tôi nghĩ họ rất mến anh Steve. Chúng tôi rất biết ơn những nỗ lực anh dũng của các nhân viên cảnh sát Capitol (cơ quan hành pháp liên bang có nhiệm vụ bảo vệ Quốc hội Mỹ tại thủ đô Washington, D.C, trên khắp đất nước và các vùng lãnh thổ Mỹ - ND), cảnh sát thành phố Alexandria, các y bác sĩ, những người đã cứu sống ông ấy, cũng như rất nhiều người khác trong căn phòng này.
Sau vụ xả súng kinh hoàng đó, chúng ta đã sát cánh bên nhau, không phải với tư cách Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, mà là những đại biểu đại diện cho người dân. Nhưng chỉ sát cánh bên nhau trong những thời đoạn bi kịch thì chưa đủ. Tối nay, tôi kêu gọi tất cả chúng ta dẹp khác biệt sang một bên để tìm kiếm những điểm chung, để triệu hồi tình đoàn kết mà ta cần truyền tải tới người dân. Điều này là cốt lõi. Đây là những người mà chúng ta được bầu để phục vụ.
Một năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến và không thể phủ nhận rằng trên Trái Đất này, không dân tộc nào kiên cường, dũng cảm và có ý chí mạnh mẽ như người Mỹ. Có núi, chúng ta vượt núi. Có chướng ngại vật, chúng ta băng qua nó. Có thử thách, chúng ta thuần phục nó. Có cơ hội, chúng ta giữ chặt nó. Vậy hãy bắt đầu buổi tối nay bằng việc công nhận rằng nước Mỹ rất vững mạnh, bởi người dân của chúng ta rất mạnh mẽ.
Và cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng một nước Mỹ an toàn, hùng mạnh và đáng tự hào. Từ cuộc bầu cử, chúng ta đã tạo ra 2.4 triệu việc làm mới, bao gồm 200.000 việc làm chỉ tính riêng trong ngành sản xuất. Rất tuyệt vời.
Sau nhiều năm bị chững lại, cuối cùng chúng ta đã thấy mức lương đang tăng trở lại.
Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 45 năm qua.
Và đặc biệt, tôi rất tự hào vì tỉ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi đã đạt mức thấp kỉ lục từng ghi nhận. Tỉ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Tây Ban Nha cũng đạt ngưỡng thấp nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Lòng tin vào hoạt động kinh doanh quy mô nhỏ đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thị trường chứng khoán phá vỡ từ kỉ lục này tới kỉ lục khác, thu về 8.000 tỷ USD chỉ trong một thời gian ngắn.
Đệ nhất phu nhân Melania tới nghe tổng thống Trump đọc Thông điệp Liên bang (Ảnh: AP)
Tin tốt cho người Mỹ là: Các quỹ 401k (chương trình hạn chế thuế cho người lao động. Theo phần 401, khoản k của Bộ luật về Ngân sách Liên bang Mỹ IRC, người lao động có thể trích một khoản lương cho quỹ này trước khi đóng thuế. Tiền lời sinh ra do đầu tư từ quỹ này sẽ không phải chịu thuế - ND), quỹ hưu trí và quỹ tiết kiệm đại học đã tăng cao. Và như tôi đã hứa với người dân Mỹ khi đứng trên bục này cách đây 11 tháng, chúng ta đã ban hành những quyết định cắt giảm và cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
Quyết định cắt giảm thuế khổng lồ của chúng ta đã giảm bớt gánh nặng cho tầng lớp trung lưu và các doanh nghiệp nhỏ, hạ mức thuế cho những người lao động Mỹ chăm chỉ. Chúng ta gần như đã tăng được gấp đôi khoản miễn trừ tiêu chuẩn cho tất cả mọi người.
Hiện giờ, 24.000 USD đầu tiên mà một cặp vợ chồng kiếm được sẽ không bị đánh thuế.
Chúng ta cũng tăng gấp đôi khoản tín thuế dành cho người nuôi con.
Một gia đình 4 thành viên điển hình, kiếm được 75.000 USD sẽ thấy mình được giảm 2.000 USD tiền thuế, giảm phân nửa.
Tháng 4 tới sẽ là lần cuối cùng các bạn phải khai thông tin dưới một hệ thống cũ kỹ, yếu kém. Và hàng triệu người Mỹ sẽ đem về nhiều tiền lương hơn, từ tháng sau. Nhiều hơn lắm đấy.
Chúng ta đã loại bỏ khoản thuế tàn nhẫn từng đánh vào cho những người Mỹ với mức thu nhập ít hơn 50.000 USD/năm, khiến họ phải trả khoản phạt khổng lồ, đơn thuần chỉ vì họ không thể chi trả cho chương trình sức khỏe do chính phủ yêu cầu. Chúng ta đã ngăn chặn được điểm cốt lõi của thảm họa có tên Obamacare. Các ràng buộc cá nhân giờ đã không còn. Thật may thay.
Chúng ta đã cắt giảm mức thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, và nhờ đó, các công ty Mỹ có thể cạnh tranh với bất kì đối thủ nào, ở bất kì đâu trên thế giới.
Chỉ riêng những thay đổi đó cũng đã tăng mức thu nhập bình quân của mỗi gia đình lên thêm 4.000 USD, một khoản tiền không nhỏ.
Thuế đối với doanh nghiệp nhỏ đã cắt giảm một khoản không nhỏ và chỉ còn 20%. Có mặt tại đây tối hôm nay là Steve Staub và Sandy Keplinger tới từ Doanh nghiệp Staub, một công ty nhỏ tại bang Ohio. Họ đã trải qua năm tuyệt vời nhất trong lịch sử 20 năm của mình.
Nhờ vào cải cách thuế, họ có nhiều tiền hơn để đầu tư, thuê được thêm 14 nhân công, và bắt đầu mở rộng quy mô xưởng sản xuất. Thật tuyệt vời.
Một trong những nhân viên của công ty Staub, Corey Adams, cũng có mặt với chúng ta ngày hôm nay. Corey là một công nhân Mỹ điển hình. Anh ấy tự trang trải để học hết phổ thông, mất việc trong giai đoạn suy thoái kinh tế hồi năm 2008, và sau đó đã được công ty Staub tuyển dụng và đào tạo trở thành thợ hàn. Giống như nhiều người Mỹ chăm chỉ khác, Corey có kế hoạch sử dụng khoản tiền tiết kiệm được nhờ cắt giảm thuế vào việc xây nhà mới, và đầu tư cho hai cô con gái ăn học. Corey, xin hãy đứng dậy.
Anh ấy là một thợ hàn tài năng. Tôi đã được giám đốc công ty Staub nói như vậy. Vậy nên, chúc mừng anh, Corey.
Sau đợt cắt giảm thuế, khoảng 3 triệu người lao động đã có thêm một khoản thu nhập không nhỏ. Hàng nghìn, hàng nghìn USD với mỗi người và khoản này tăng dần mỗi tháng, mỗi tuần. Công ty Apple thông báo sẽ đầu tư tổng cộng 350 tỷ USD vào nước Mỹ, và sẽ tuyển dụng thêm 20.000 nhân sự mới.
Và chỉ mới đây thôi, hãng Exxon Mobil thông báo sẽ đầu tư 50 tỷ USD cho nước Mỹ.
Thời điểm này chính là "thời điểm Mỹ mới" (new American moment) của chúng ta. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để bắt đầu giấc mơ Mỹ.
Vậy nên, đối với mọi người dân đang xem chương trình này tối nay, không quan trọng các bạn đang ở đâu, không quan trọng các bạn tới từ đâu, đây là thời điểm của các bạn. Nếu bạn làm việc chăm chỉ, nếu bạn tin vào nước Mỹ, bạn có thể mơ ước mọi thứ, và bạn có thể trở thành bất kì ai bạn muốn. Cùng nhau, không có gì chúng ta không thể đạt được.
Tối nay, tôi muốn nói tới tương lai mà chúng ta sẽ có, đất nước mà chúng ta sẽ trở thành. Tất cả chúng ta, cùng với nhau, như là một nhóm, một dân tộc, một gia đình Mỹ.
Tất cả chúng ta đều chung một mái nhà, chung một trái tim, chung một số phận và chung một ngọn cờ Mỹ vĩ đại.
Chúng ta cùng nhau tìm lại con đường của nước Mỹ.
Ở Mỹ, chúng ta biết rằng lòng tin và gia đình, chứ không phải chính phủ và bộ máy quan liêu, mới là trung tâm của đời sống Mỹ. Phương châm của chúng ta là "Chúng ta tin vào thượng đế".
Và chúng ta chúc mừng đội ngũ cảnh sát, quân nhân, cũng như các cựu binh tuyệt vời như những vị anh hùng, xứng đáng với sự ủng hộ toàn tâm, toàn ý của chúng ta.
Ở đây tối nay còn có Preston Sharp, một cậu bé 12 tuổi tới từ Redding, California. Cậu để ý rằng những ngôi mộ của cựu chiến binh không được treo cờ trong ngày Cựu Chiến binh. Cậu quyết định thay đổi chuyện đó, vận động chiến dịch thu hút mọi người cùng tham gia và hiện tại hơn 40.000 cờ đã được đặt trên nơi an nghỉ của những vị anh hùng nước Mỹ. Preston, cháu đã làm rất tốt!
Những người yêu nước trẻ tuổi như Preston đã dạy chúng ta về trách nhiệm công dân của người Mỹ. Lòng tôn kính của Preston với những người đã ngã xuống vì tổ quốc nhắc nhở chúng ta tại sao chúng ta tôn vinh lá cờ Mỹ, tại sao chúng ta đặt tay lên tim khi đọc lời tuyên thệ trung thành, và tại sao chúng ta đứng tự hào hiên ngang dưới nền nhạc quốc ca.
Người Mỹ yêu tổ quốc. Và họ xứng đáng có được một chính phủ đáp lại họ với tình cảm cùng lòng trung thành như vậy.
Trong năm vừa qua, chúng ta đã tìm cách khôi phục lại niềm tin giữa dân chúng và chính phủ Mỹ.
Với sự hỗ trợ của Thượng viện, chúng tôi đang bổ nhiệm các thẩm phán, những người sẽ diễn giải Hiến pháp đúng như vốn có, bao gồm một thẩm phán Tòa án Tối cao mới và nhiều thẩm phán hạt hơn bất cứ chính quyền mới nào trong lịch sử đất nước ta.
Chúng tôi đang bảo vệ Tu chính án thứ Hai (bảo vệ quyền mang vũ khí của dân thường và binh lính Mỹ-ND) và có những hành động mang tính lịch sử để bảo vệ tự do tín ngưỡng.
Và chúng tôi cũng đáp ứng nguyện vọng của các cựu binh dũng cảm, bao gồm cả việc cho họ lựa chọn chương trình chăm sóc sức khỏe. Năm ngoái, Quốc hội đã thông qua và tôi đã ký Bộ Luật Trách nhiệm Giải trình về các Vấn đề liên quan tới Cựu chiến binh. Kể từ khi luật này được thông qua, chính quyền của tôi đã loại hơn 1.500 nhân viên không đạt yêu cầu, không cho các cựu binh của chúng ta chế độ chăm sóc mà họ đáng được hưởng - và chúng tôi đang tuyển mộ những người tài năng, những người yêu mến các cựu binh như chúng ta.
Tôi sẽ không dừng lại cho tới khi các cựu binh của chúng ta được chăm sóc một cách hợp lý, như những gì tôi đã hứa với họ từ đầu chặng hành trình tuyệt vời này.
Tất cả người Mỹ xứng đáng nhận được quyền lợi và sự tôn trọng - đó là những gì chúng ta sẽ làm ngày hôm nay. Tôi kêu gọi Quốc hội cấp quyền cho các Bộ trưởng nội các, cho phép họ thưởng những cá nhân xuất sắc - và sa thải những nhân viên Liên bang không có niềm tin vào dân chúng hay làm thất vọng người dân Mỹ.
Trong quá trình ấy, trong năm đầu tôi cầm quyền, Washington đã loại bỏ nhiều quy định hơn bất kì chính quyền nào trước đây trong lịch sử.
Chúng ta đã kết thúc mâu thuẫn xoay quanh vấn đề năng lượng - và chúng ta đã kết thúc tranh cãi về nhiên liệu sạch. Hiện tại, chúng ta là nhà xuất khẩu năng lượng cho thế giới.
Tại Detroit, tôi đã chấm dứt các ràng buộc của chính phủ từng khiến các cơ sở sản xuất ô tô của nước Mỹ phải lao đao. Nhờ đó, các xưởng sản xuất ô tô lại một lần nữa đi vào hoạt động.
Nhiều công ty ô tô hiện nay đang xây dựng và mở rộng xưởng nhà máy tại Mỹ - điều mà chúng ta chưa từng thấy trong nhiều thập kỉ qua. Hãng Chrysler đang chuyển một nhà máy lớn từ Mexico tới Michigan; Toyota và Mazda đang mở các công xưởng tại Alabama. Trong tương lai gần, các nhà máy sẽ vận hành trên khắp đất nước. Đây là điều làm nhiều người Mỹ cảm thấy lạ lẫm bởi trong nhiều năm qua, chúng ta chỉ nghe được rằng các doanh nghiệp và việc làm rời bỏ đất Mỹ. Nhưng vào thời điểm hiện tại, chúng đang quay trở lại.
Tổng thống Trump nhận được rất nhiều tràng pháo tay khi đọc Thông điệp Liên bang
Mỗi ngày đều có những tiến triển thú vị.
Để nhanh chóng tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh đột phá và các loại thuốc generic vừa tiền (Thuốc generic là loại thuốc tương đương sinh học với thuốc phát minh, có tính chất dược động học, dược lực học tương tự như biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu của biệt dược đã hết hạn nên giá thành rẻ hơn - ND), năm ngoái Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông qua nhiều loại thuốc generic, cũng như nhiều thiết bị y tế mới hơn hẳn trước kia.
Chúng tôi cũng tin rằng các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ở vào giao đoạn cuối nên được tiếp cận những phương pháp thử nghiệm, có khả năng cứu sống họ.
Các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không cần phải đi hết nước này tới nước kia để tìm cách trị bệnh - Tôi muốn cho họ một cơ hội ở ngay đây, ngay tại quê nhà. Đã tới lúc Quốc hội Mỹ trao cho những người dân tuyệt vời ấy "quyền được thử".
Một trong những ưu tiên hàng đầu của tôi là giảm giá thuốc kê theo đơn. Ở nhiều nước, các loại thuốc này có giá thành thấp hơn nhiều so với ở Mỹ. Đó là lý do vì sao tôi chỉ đạo chính quyền của mình đưa nhiệm vụ điều chỉnh sự bất công về giá thuốc cao lên làm một trong những ưu tiên hàng đầu. Giá thuốc sẽ giảm.
Nước Mỹ cuối cùng đã sang trang mới trong các thỏa thuận bất công kéo dài hàng thập kỉ, gây tổn hại sự thịnh vượng của chúng ta và đem các doanh nghiệp, việc làm và của cải của nước Mỹ rơi vào tay các nước khác.
Thời đại ấy đã kết thúc.
Từ bây giờ, chúng ta sẽ kì vọng vào những trao đổi thương mại công bằng và “có qua có lại”.
Chúng ta sẽ đàm phán lại những thỏa thuận tồi tệ và thỏa thuận thêm những cam kết mới.
Và chúng ta sẽ bảo vệ người lao động Mỹ, sở hữu trí tuệ Mỹ thông qua việc xiết chặt các quy định trong thỏa thuận thương mại.
Khi chúng ta tái thiết nền công nghiệp, chúng ta cũng xây dựng lại hệ thống cơ sở hạ tầng đang xuống cấp.
Mỹ là quốc gia của những người kiến tạo. Chúng ta chỉ mất 1 năm để xây tòa nhà Empire State. Nếu bây giờ chúng ta phải tốn 10 năm để xin cấp phép làm một con đường đơn giản thì chẳng phải là điều đáng hổ thẹn hay sao?
Tôi đề nghị cả hai đảng cùng hợp sức để có được một hạ tầng an toàn, nhanh chóng, đáng tin cậy và hiện đại mà nền kinh tế của chúng ta cần và người dân của chúng ta đáng được hưởng.
Tối nay, tôi kêu gọi Quốc hội Mỹ ra một dự thảo để cấp ít nhất 1.500 tỷ USD cho công tác đầu tư hạ tầng mới mà ta cần.
Mỗi đồng đô la trong ngân sách liên bang nên được tận dụng bằng cách kết hợp với chính quyền địa phương và nhà nước, những nơi thích hợp, rót vào đầu tư cho khu vực tư - để giải quyết tình trạng thâm hụt hạ tầng vĩnh viễn.
Bất kỳ dự luật nào cũng nên hợp lý hóa quá trình cấp phép và phê duyệt - giảm bớt xuống còn không quá 2 năm, thậm chí là 1 năm.
Cùng với nhau, chúng ta có thể cải tạo di sản của mình. Chúng ta sẽ xây nên những con đường sáng bóng, những cây cầu, những cao tốc, những đường ray và đường thủy mới trên khắp đất nước. Và chúng ta sẽ làm điều đó với trái tim, đôi tay và lòng quả cảm của người Mỹ.
Chúng tôi muốn mọi người dân Mỹ hiểu được giá trị của một ngày làm việc chăm chỉ. Chúng tôi muốn mọi đứa trẻ được an toàn khi đêm xuống. Và chúng tôi muốn mọi công dân tự hào về mảnh đất mà chúng ta đều yêu quý.
Chúng ta có thể đưa người dân từ tình trạng phải hưởng trợ cấp tới có việc làm, từ phụ thuộc tới độc lập tài chính, và từ đói nghèo thành giàu có.
Bởi cắt giảm thuế tạo thêm nhiều việc làm mới, hãy để chính phủ đầu tư vào phát triển nhân sự và đào tạo nghề. Hãy mở các trường dạy nghề tuyệt vời để những người lao động tương lai được đào tạo và khám phá tiềm năng của họ. Và hãy giúp đỡ các gia đình lao động bằng việc cấp hỗ trợ nghỉ phép.
Khi người Mỹ hồi phục được sức mạnh vốn có, cơ hội này phải công bằng với mọi công dân. Đó là lý do tại sao trong năm nay chúng ta sẽ cải cách nhà tù, giúp các công dân đang thụ án tù giam có cơ hội thứ hai.
Các nhóm cộng đồng đang phải đối mặt với khó khăn, đặc biệt là cộng đồng nhập cư, cũng sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách nhập cư tập trung vào quyền lợi tốt nhất cho người lao động và các gia đình Mỹ.
Trong nhiều thập kỉ qua, việc mở cửa các vùng biên giới đã tạo điều kiện cho ma túy và các băng nhóm tội phạm tràn vào các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất của nước Mỹ. Chúng khiến hàng triệu người với mức thu nhập thấp phải tranh đua vì việc làm. Bi kịch hơn cả, chúng đã cướp đi sinh mạng của vô số người vô tội.
Có mặt ở đây tối nay là 2 người cha và 2 người mẹ: Evelyn Rodriguez, Freddy Cuevas, Elizabeth Alvarado, và Robert Mickens. Hai con gái đang ở tuổi thiếu niên của họ - Kayla Cuevas và Nisa Mickens - là bạn thân ở Long Island. Thế nhưng, tháng 9/2016, vào sinh nhật 16 tuổi của Nisa, hai em đã không thể trở về nhà. Hai cô bé đáng quý này đã bị giết hại dã man khi đang cùng nhau dạo bộ ở thị trấn quê nhà. Sáu thành viên của băng đảng dã man MS-13 (MS-13 còn gọi là Mara Salvatrucha là một băng đảng tội phạm quốc tế có nguồn gốc từ Los Angeles, California. Băng đảng này gây ra hàng loạt vụ giết người man rợ - ND) đã bị kết tội sát hại Kayla và Nisa. Nhiều thành viên trong băng này đã tận dụng những lỗ hổng luật pháp để nhập cảnh vào đất nước như những phần tử nước ngoài đơn lẻ - và gây hoang mang cho trường của Kayla, Nisa.
Evelyn, Elizabeth, Freddy, và Robert: Tối nay, mọi người trong khán phòng này đều sẽ cầu nguyện cho các anh chị. Mọi người dân Mỹ sẽ chia sẻ với anh chị. Và 320 triệu trái tim đều xót thương cho các anh chị. Chúng tôi không thể tưởng tượng nổi mức độ đau xót mà các anh chị phải chịu đựng, nhưng chúng tôi có thể đảm bảo rằng các gia đình khác sẽ không bao giờ phải trải qua nỗi đau này.
Tối nay, tôi kêu gọi Quốc hội Mỹ khép lại những lỗ hổng chết người, những lỗ hổng đã tạo điều kiện cho MS-13, cũng như các tội phạm khác, xâm nhập vào đất nước ta. Chúng tôi đã đề xuất một luật mới nhằm sửa đổi luật nhập cư của chúng ta và hỗ trợ cho Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), Cục Tuần tra Biên giới để chuyện này không tái diễn thêm một lần nữa.
Ông Trump cho biết đã đề xuất dự luật mới về vấn đề nhập cư tới Quốc hội Mỹ (Ảnh: AP)
Mỹ là một quốc gia giàu lòng cảm thông. Chúng ta tự hào vì chúng ta làm được nhiều hơn bất kì quốc gia nào khác trong việc giúp đỡ những người trong hoạn nạn, những người khốn khổ và người yếu thế trên toàn thế giới. Nhưng với cương vị là Tổng thống Mỹ, lòng thành của tôi, sự cảm thông của tôi, cùng mối quan tâm thường trực trong tôi luôn dành cho trẻ em Mỹ, những người lao động nghèo ở Mỹ và những cộng đồng bị quên lãng của Mỹ. Tôi muốn thế hệ trẻ lớn lên và đạt được những thành tựu vĩ đại. Tôi muốn những người nghèo có cơ hội đổi đời.
Vậy nên tối nay, tôi muốn bắt tay với lưỡng đảng - đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa - trong việc bảo vệ công dân của chúng ta, bất kể lai lịch, màu da, vùng miền và tín ngưỡng. Trách nhiệm của tôi, và của trách nhiệm tối cao của mọi quan chức được bầu chọn trong căn phòng này, là bảo vệ người dân Mỹ - bảo vệ sự an toàn, gia đình của họ, cộng đồng của họ, và quyền lợi của họ trong Giấc mơ Mỹ. Bởi vì người Mỹ luôn ước mơ.
Tối nay, một trong những người đi đầu trong lĩnh vực bảo đảm an ninh đất nước cũng có mặt: Đặc vụ điều tra Celestino Martinez - hay còn được gọi là CJ - tới từ Bộ an ninh nội địa. Ông CJ đã phục vụ 15 năm trong Không quân Mỹ trước khi trở thành đặc vụ ICE và dành 15 năm tiếp theo để ngăn chặn các băng đảng và xóa sổ tội phạm khỏi đường phố. Có lúc, những kẻ cầm đầu MS-13 từng phát lệnh mưu sát CJ. Nhưng ông không hề sợ hãi hay do dự. Tháng 5 vừa qua, ông đã chỉ huy một chiến dịch truy lùng các thành viên băng nhóm tại Long Island. Nhóm của ông đã bắt được gần 400 người, bao gồm hơn 220 tên tội phạm thuộc MS-13.
CJ, ông rất tuyệt vời. Quốc hội sẽ gửi thêm viện trợ cho ông.
Trong vài tuần tới, Thượng viện và Hạ viện sẽ bỏ phiếu về một gói cải cách chính sách nhập cư.
Trong những tháng gần đây, chính phủ Mỹ đã nhiều lần gặp mặt đảng viên của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa để đi tới một giải pháp được lưỡng đảng thống nhất trong việc cải cách nhập cư. Sau các buổi thảo luận, chúng tôi đã gửi tới Quốc hội một đề xuất chi tiết sẽ được ủng hộ bởi cả hai đảng, như một sự thỏa hiệp công bằng - đề xuất mà không phải ai cũng đạt được mọi điều họ muốn, nhưng đất nước chúng ta sẽ có được những cải cách trọng yếu cần thiết.
Sau đây là bốn "trụ cột" trong kế hoạch của chúng tôi:
Trụ cột thứ nhất trong khuôn khổ của chúng ta cung cấp một cách hào phóng lộ trình để có quyền công dân Mỹ cho 1.8 triệu người nhập cư bất hợp pháp, những người được cha mẹ đưa tới đây khi còn nhỏ - con số này lớn gấp gần 3 lần so với chính quyền trước làm được. Theo kế hoạch của chúng tôi, những người đáp ứng yêu cầu về giáo dục và việc làm, thể hiện tư cách đạo đức tốt, sẽ có thể trở thành công dân toàn diện của nước Mỹ.
Trụ cột thứ hai là kiểm soát toàn diện biên giới. Điều này có nghĩa là xây dựng một bức tường ở biên giới phía Nam, cũng như tuyển dụng thêm những người anh hùng như CJ để giúp cộng đồng của chúng ta được an toàn. Quan trọng hơn, kế hoạch của chúng tôi sẽ đóng lại những lỗ hổng tệ hại mà tội phạm và những kẻ khủng bố lợi dụng để xâm nhập vào nước ta - và cuối cùng sẽ chấm dứt được thực tế nguy hiểm của việc "bắt rồi thả".
Cột trụ thứ ba là chấm dứt "Xổ số visa" - chương trình cấp thẻ xanh ngẫu nhiên cho người muốn nhập tịch Mỹ mà không đòi hỏi gì về kỹ năng, thành tích, hay sự an toàn của người dân của chúng ta. Đã đến lúc hướng tới một hệ thống nhập cư dựa trên đánh giá thành tích - chỉ chấp nhận những người có kỹ năng, những người muốn làm việc, cống hiến cho xã hội chúng ta, và những người yêu mến, tôn trọng đất nước ta.
Trụ cột thứ tư, cũng là cuối cùng, là bảo vệ gia đình hạt nhân bằng cách chấm dứt tình trạng "di cư dây chuyền" (tức những người có quyền công dân bảo trợ họ hàng không trực hệ từ nước ngoài vào Mỹ và trở thành công dân Mỹ-ND). Dưới hệ thống thiếu sót hiện nay, một người nhập cư đơn lẻ có thể đưa [vào Mỹ] số lượng không giới hạn những người họ hàng xa. Với kế hoạch của mình, chúng tôi tập trung vào quan hệ gia đình trực hệ, bằng cách giới hạn quyền bảo trợ [của một công dân] chỉ dành cho phối ngẫu của họ cùng trẻ vị thành niên. Cải cách quan trọng này là rất cần thiết, không chỉ đối với nền kinh tế của chúng ta, mà còn vì an ninh và tương lai của chúng ta.
Vài tuần qua, hai vụ tấn công khủng bố tại New York xảy ra một phần do chính sách xổ số visa và di cư theo chuỗi. Trong thời đại khủng bố, những chương trình này tồn tại những rủi ro chúng ta không thể dung thứ.
Đã tới lúc cải cách những luật lệ nhập cư lỗi thời, và đưa hệ thống nhập cư của chúng ta vào thế kỉ 21.
Bốn trụ cột đại diện cho một cam kết gồm 2 phần, một trong số đó là tạo ra hệ thống nhập cư an toàn, hiện đại, và hợp pháp.
Trong hơn 30 năm qua, Washington đã cố gắng và thất bại trong việc giải quyết vấn đề này. Quốc hội dường như là bên duy nhất có thể biến việc cải cách thành hiện thực.
Quan trọng hơn cả, bốn trụ cột sẽ tạo ra môi trường luật pháp giúp tôi hoàn thành lời hứa sắt đá là đặt nước Mỹ lên trước hết (America First). Chúng ta hãy đoàn kết, đặt chính trị sang một bên, và hoàn thành công việc này.
Các cải cách cũng sẽ giúp chúng ta đối mặt với thảm kịch gây ra bởi ma túy và opioid (nhóm thuốc giảm đau và cũng bao gồm các loại thuốc phiện - ND).
Năm 2016, 64.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì dùng quá liều chất gây nghiện: tương đương 174 người chết mỗi ngày, 7 người mỗi giờ đồng hồ trôi qua. Nếu muốn ngăn chặn vấn nạn này, chúng ta phải mạnh tay hơn với những kẻ buôn bán và phân phối ma túy.
Chính quyền của tôi cam kết chiến đấu chống lại ma túy và giúp các nạn nhân điều trị cai nghiện. Đây là thách thức lâu dài và gian khổ - nhưng, như tinh thần của người Mỹ từ trước tới nay, chúng ta sẽ thành công.
Như chúng ta đã được chứng kiến, trước thử thách khó khăn nhất, người Mỹ lại vươn lên mạnh mẽ nhất.
Chúng ta thấy được ví dụ điển hình qua câu chuyện của nhà Holets ở New Mexico. Ryan Holets 27 tuổi, là một sĩ quan tại Sở Cảnh sát Albuquerque. Anh ấy có mặt tại đây tối nay với người vợ Rebecca.
Năm ngoái, khi thực hiện nhiệm vụ, sĩ quan Ryan nhìn thấy một thai phụ vô gia cư đang chuẩn bị tiêm heroin vào người. Khi Ryan nói rằng việc này sẽ làm hại đứa bé trong bụng, người thai phụ này bật khóc. Cô gái nói rằng cô không biết phải đi tới đâu, nhưng cô rất khao khát có một mái ấm cho đứa bé.
Trong khoảnh khắc ấy, Ryan như thấy Chúa nói anh: “Con sẽ làm được - bởi vì con có thể.”
Ryan lấy ra bức ảnh chụp người vợ và 4 đứa con của họ. Sau đó, anh trở về nhà, nói với vợ Rebecca và ngay lập tức, người vợ đồng ý nhận nuôi đứa bé. Gia đình Holets đặt tên cô con gái nuôi là Hope - “niềm hi vọng”.
Ryan và Rebecca, hai bạn là minh chứng cho những điều tốt đẹp ở đất nước này. Xin cảm ơn, và chúc mừng các bạn.
Khi chúng ta xây dựng sức mạnh và lòng tin trên đất Mỹ, chúng ta cũng khôi phục sức mạnh và vị thế Mỹ ở nước ngoài.
Trên khắp thế giới, chúng ta đối mặt với những chính phủ bất hảo, các nhóm khủng bố, và những đối thủ như Trung Quốc và Nga - những quốc gia thách thức quyền lợi, kinh tế và giá trị của chúng ta. Khi đối mặt với những mối nguy này, chúng ta biết rằng yếu đuối là con đường chắc chắn nhất dẫn đến mâu thuẫn, và sức mạnh tuyệt đối là cách thức phòng thủ chắc chắn nhất của chúng ta.
Vì lý do này, tôi yêu cầu Quốc hội chấm dứt việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và đầu tư triệt để cho quân đội tuyệt vời của chúng ta.
Chúng ta phải hiện đại hóa và xây dựng lại kho vũ khí hạt nhân của mình - mà ta hi vọng rằng sẽ không bao giờ phải sử dụng tới chúng - đủ mạnh để ngăn chặn bất kì động thái gây hấn nào. Có thể một ngày nào đó trong tương lai, trong một giai đoạn diệu kì, các quốc gia trên thế giới sẽ cùng nhau loại trừ vũ khí hạt nhân. Không may thay, chúng ta vẫn chưa tới được được giai đoạn ấy.
Cuối năm ngoái, tôi đã cam kết rằng chúng ta sẽ cùng với các đồng minh quét sạch nhóm khủng bố IS khỏi bề mặt Trái Đất. Một năm sau, tôi rất tự hào khi liên minh diệt IS của Mỹ đã giải phóng gần như 100% vùng lãnh thổ bị IS chiếm đóng tại Iraq và Syria. Nhưng chiến dịch không thể dừng lại tại đây. Chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi IS bị xóa sổ hoàn toàn.
Hạ sĩ Lục quân Justin Peck có mặt ở đây hôm nay. Hồi cuối tháng 11 năm ngoái tại gần Raqqa, Justin và cộng sự của mình, Thượng sĩ Kenton Stacy, làm nhiệm vụ dọn dẹp những tòa nhà mà IS đã đặt thuốc nổ, để người dân có thể quay trở lại thành phố.
Kenton Stacy bị thương nặng do bom nổ khi đang rà phá tầng hai của một bệnh viện. Justin ngay lập tức lao vào tòa nhà nguy hiểm ấy và thấy Kenton ở trong tình trạng rất tệ. Anh đã ấn chặt vết thương và luồn ống để mở đường thở. Sau đó anh thực hiện thủ thuật hồi sức tim phổi (CPR) liên tục 20 phút trong suốt thời gian vận chuyển Kenton và duy trì hô hấp nhân tạo trong 2 giờ phẫu thuật cấp cứu.
Kenton Stacy chắc hẳn sẽ không thể sống nếu thiếu tình yêu thương quên mình mà Justin dành cho người đồng đội. Tối nay, Kenton đang hồi phục ở Texas. Raqqa đã được giải phóng. Còn Justin đang đeo huy chương Sao Đồng, với chữ "V" nghĩa là "Valor" (Lòng dũng cảm).
Hạ sĩ Peck: Toàn thể nước Mỹ xin được cúi chào anh.
Những tên khủng bố đặt bom tại bệnh viện là những kẻ xấu xa. Khi có thể, chúng ta tiêu diệt chúng. Khi cần thiết, chúng ta bắt giữ và thẩm vấn chúng. Nhưng chúng ta cần làm rõ: Khủng bố không phải tội phạm thông thường. Chúng là những chiến binh thù địch nằm ngoài vòng pháp luật. Khi bị bắt giữ ở nước ngoài, những tên khủng bố cần phải bị đối xử thích đáng.
Trong quá khứ, chúng ta đã sai lầm khi phóng thích hàng trăm tên khủng bố nguy hiểm, và phải chạm trán chúng một lần nữa trên chiến trường - bao gồm tên thủ lĩnh IS, al-Baghdadi.
Vậy nên ngày hôm nay, tôi giữ một lời hứa khác. Tôi vừa kí sắc lệnh yêu cầu Bộ trưởng [Quốc phòng] James Mattis kiểm tra lại chính sách quân sự của Mỹ và mở cửa lại các trại giam tại Vịnh Guantanamo.
Tôi cũng yêu cầu Quốc hội đảm bảo rằng chúng ta luôn có mọi sức mạnh cần thiết để chống lại khủng bố trong trận chiến với IS và al-Qaeda - bất kì khi nào chúng ta lần ra dấu vết của chúng.
Các chiến binh của chúng ta tại Afghanistan cũng có những nguyên tắc hoạt động mới. Cùng với những cộng sự Afghanistan anh dũng, quân đội của ta không còn bị tổn hại bởi những lộ trình tự tạo, và chúng ta không còn tiết lộ cho đối thủ kế hoạch của mình.
Tháng trước, tôi cũng đã làm một việc mà Thượng viện đã nhất trí thông qua được nhiều tháng: Tôi đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Ngay sau đó, hàng chục quốc gia đã bỏ phiếu chống lại quyền chủ quyền, quyền được đưa ra quyết định này của nước Mỹ tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Những người đóng thuế ở Mỹ đã hào phóng chuyển cho chính những đất nước này hàng tỉ USD viện trợ hàng năm.
Đó là lý do vì sao, tối nay, tôi đề nghị Quốc hội thông qua điều luật để giúp đảm bảo tiền viện trợ nước ngoài của Mỹ luôn phục vụ cho lợi ích của Mỹ và chỉ về tay bè bạn của Mỹ.
Khi chúng ta củng cố tình bằng hữu trên khắp thế giới, chúng ta cũng khôi phục sự trong sạch về đối thủ của mình.
Khi người dân Iran đứng lên chống lại tội ác của chế độ độc tài tham nhũng, tôi không im lặng. Nước Mỹ sát cánh cùng nhân dân Iran trong cuộc đấu tranh vì tự do đầy can đảm của họ.
Tôi đề nghị Quốc hội chỉ ra những sai sót cơ bản trong thỏa thuận hạt nhân tồi tệ với Iran.
Chính quyền của tôi đã siết chặt nhiều cấm vận hơn lên Cuba và Venezuela.
Nhưng không chính quyền nào chèn ép dân chúng của họ toàn diện và cay nghiệt như Triều Tiên.
Rất sớm thôi, chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên sẽ đủ khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ.
Chúng ta đang dùng mọi sức ép để ngăn chuyện đó xảy ra.
Kinh nghiệm trong quá khứ đã cho thấy rằng sự tự mãn và nhượng bộ chỉ tạo điều kiện cho sự hiếu chiến và khiêu khích. Tôi sẽ không nhắc lại sai lầm của những chính quyền tiền nhiệm đã đưa chúng ta vào tình thế nguy hiểm như ngày hôm nay.
Chỉ cần nhìn vào đặc điểm suy đồi của Triều Tiên là hiểu được bản chất của mối đe dọa hạt nhân mà nước này có thể gây ra cho Mỹ và đồng minh.
Otto Warmbier là một sinh viên chăm chỉ của đại học Virginia. Khi tới châu Á du học, Otto đã tham gia vào một tour du lịch Triều Tiên. Và kết quả là chàng trai trẻ tuổi tuyệt vời này đã bị bắt giữ, bị gán cho tội danh chống lại nhà nước [Triều Tiên]. Sau một phiên xử đáng xấu hổ, nhà cầm quyền tuyên phạt Otto 15 năm lao động khổ sai, trước khi trả cậu về Mỹ vào tháng 6 vừa qua - trong tình trạng bị thương nặng, ngay bên bờ sinh tử. Otto đã ra đi chỉ vài ngày sau khi trở về nhà.
Cha mẹ của Otto, Fred và Cindy Warmbier, có mặt tại đây cùng chúng ta tối nay - cùng em trai và em gái của Otto, Austin và Greta. Các bạn là những nhân chứng mạnh mẽ nhất cho mối họa đang đe dọa thế giới của chúng ta và sức mạnh của các bạn đã truyền lửa cho tất cả chúng tôi. Tối nay, chúng tôi nguyện tưởng nhớ Otto bằng ý chí của người Mỹ.
Cuối cùng, chúng ta có một nhân chứng khác từng chứng kiến sự xấu xa của Triều Tiên. Đó là Ji Seong-ho.
Năm 1996, cậu bé Seong-ho không đủ ăn, phải đi trộm than đá từ toa tàu hỏa để đổi lấy thực phẩm. Một ngày, cậu ngất đi vì đói trên đường ray và bị tàu hỏa cán qua. Khi tỉnh dậy, cậu trả qua hàng loạt phẫu thuật đoạn chi mà không có thuốc giảm đau. Các anh chị em của cậu dành những phần ăn ít ỏi để giúp cậu bình phục trong khi cơ thể của bản thân họ không thể phát triển đầy đủ vì thiếu ăn. Sau đó, Seong-ho bị chính quyền Triều Tiên tra tấn sau khi trở về từ chuyến đi ngắn ngày tới Trung Quốc. Những kẻ tra tấn muốn biết liệu cậu đã gặp người Công giáo nào hay chưa. Cậu thực sự đã gặp - và cậu mong muốn được tự do.
Seong-ho đã chống nạng, vượt hàng nghìn dặm đường qua Trung Quốc và Đông Nam Á để đến với tự do. Hầu hết các thành viên của gia đình cậu đều đi theo. Cha của cậu bị bắt khi đang cố chạy trốn và bị tra tấn cho tới chết.
Hiện nay Seong-ho sống tại Seoul, nơi anh giải cứu những người đào tẩu khác và tìm cách phát sóng ở Triều Tiên điều mà chính quyền sợ nhất -- sự thật.
Hiện nay anh đã có chân mới, nhưng Seong-ho này, tôi tin là anh sẽ giữ những chiếc nạng như một kỷ vật để nhắc nhở bản thân mình đã đi được bao xa. Hi sinh lớn lao của anh là cảm hứng cho tất cả chúng tôi.
Quang cảnh buổi phát biểu Thông điệp Liên bang 2018 của ông Trump (Ảnh: AP)
Câu chuyện của Seung-ho là chứng tích cho khao khát được sống tự do của mọi tâm hồn con người.
Đó cũng chính là khao khát tự do mà cách đây gần 250 năm đã cho ra đời một nơi đặc biệt, mang tên nước Mỹ. Đó là một nhóm dân cư nhỏ mắc kẹt giữa đại dương rộng lớn và chốn hoang vu mênh mông. Nhưng đó là nhà đối với một dân tộc lạ thường với một tư tưởng cách mạng: Rằng họ có thể tự mình cai quản. Rằng họ có thể vẽ nên vận mệnh của chính mình. Và rằng, cùng với nhau, họ có thể khiến thế giới tỏa sáng.
Đó là điều làm nên đất nước của chúng ta. Đó là điều mà người Mỹ luôn đứng lên bảo vệ, luôn đấu tranh và luôn thực hiện.
Ngay trên mái vòm của Điện Capitol là Tượng Tự do (Statue of Freedom). Nữ thần đứng cao và trang nghiêm giữa những tượng đài của tổ tiên chúng ta, những người đã sống, chiến đấu, và hi sinh khi bảo vệ nữ thần.
Từ đài tưởng niệm Washington, Jefferson cho tới Lincoln và [Martin Luther] King.
Các đài tưởng niệm tới những người anh hùng của Yorktown và Saratoga - những người Mỹ trẻ đã đổ máu trên bờ biển Normandy, và những nơi khác nữa. Hãy nhớ tới những người hi sinh ở những vùng biển Thái Bình Dương và trên bầu trời châu Á.
Và sự tự do đứng kiêu hãnh trên một tượng đài khác: Nơi này. Điện Capitol. Tượng đài sống với toàn thể người dân Mỹ, của những người anh hùng không chỉ trong quá khứ, mà ngay xung quanh chúng ta - bảo vệ niềm hi vọng, kiêu hãnh, và văn hóa Mỹ.
Họ làm việc trong mọi ngành nghề. Họ hy sinh để gây dựng gia đình. Họ chăm sóc cho con trẻ ở nhà. Họ bảo vệ màu cờ của ta ở nước ngoài. Họ là những bà mẹ mạnh mẽ và những đứa trẻ dũng cảm. Họ là những người lính cứu hỏa, những nhân viên cảnh sát, những đặc vụ biên giới, những bác sĩ và những người lính thủy quân lục chiến.
Nhưng trên hết, họ là người dân Mỹ. Và Tòa nhà Quốc hội này, thành phố này, đất nước này đều thuộc về họ.
Nhiệm vụ của chúng ta là tôn trọng họ, lắng nghe họ, phục vụ họ, bảo vệ họ và luôn xứng đáng với họ.
Người Mỹ đã khiến thế giới tràn ngập nghệ thuật và âm nhạc. Họ đẩy lùi những giới hạn của khoa học và khám phá. Và họ luôn nhắc cho ta nhớ điều ta không bao giờ được quên: Những người mơ về đất nước này. Những người xây dựng nên đất nước này. Và đó là những người đang khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại.
Miễn là chúng ta tự hào về chính bản thân mình, về những gì mình đang chiến đấu, thì chẳng có gì ta không đạt được.
Miễn là chúng ta có lòng tin vào giá trị của mình, đặt niềm tin nơi công dân của mình và tin tưởng vào Chúa, thì chúng ta sẽ không bao giờ thất bại.
Gia đình chúng ta sẽ sung túc.
Dân tộc chúng ta sẽ phồn vinh.
Và đất nước chúng ta sẽ mãi mãi an toàn, mạnh mẽ, kiêu hãnh, hùng mạnh và tự do.
Xin cảm ơn, và Chúa phù hộ nước Mỹ.