Tổng thống Trump sẽ nói gì trong Thông điệp Liên bang đầu tiên?

Trần Khánh |

Tổng thống Mỹ Donald Trump được kỳ vọng sẽ truyền tải được tinh thần đoàn kết trong bản Thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Lựa chọn kỹ lưỡng về câu chữ

Washington Post dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho biết, trong bản Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình, ông Trump sẽ đề cập nhiều đến những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội, thương mại và an ninh quốc gia.

Cũng theo các quan chức Nhà Trắng, khác với giọng điệu mang đậm tính "dân tộc chủ nghĩa" trong bài diễn văn nhậm chức của mình, bản Thông điệp Liên bang của ông Trump chứa đựng "những yếu tố tích cực của giá trị Mỹ giúp gắn kết người dân Mỹ với tinh thần ái quốc".

Với chủ đề “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”, bản Thông điệp Liên bang được kỳ vọng sẽ tái hiện tầm nhìn về việc “cải cách tinh thần Mỹ” mà ông Trump từng đưa ra trong diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ hồi tháng 2/2017.

Một trợ lý của ông Trump tiết lộ, từ vài tháng qua, Tổng thống Donald Trump đã kỳ công chuẩn bị từng câu, từng chữa, từng đoạn văn mà ông cho rằng có thể truyền tải được tốt nhất thông điệp mà ông muốn gửi đến toàn thể người dân Mỹ.

Ông Trump cũng muốn thông qua bản Thông điệp Liên bang để chứng tỏ rằng, ông là một nhà lãnh đạo kiểu mới, dám gạt bỏ những chuẩn mực mà ông coi là lỗi thời để có thể đạt được những thành tựu lớn lao trong năm đầu cầm quyền và hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Nước Mỹ kỳ vọng gì sau một năm cầm quyền của Tổng thống Trump? VOV.VN - Ngày 20/1 đánh dấu tròn 1 năm ngày ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Vẫn còn những hoài nghi

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một câu hỏi lớn được đặt ra với Tổng thống Donald Trump là liệu ông có thể thuyết phục đa số người dân Mỹ - vốn dành cho ông mức tín nhiệm thấp kỷ lục- tin vào những gì ông tuyên bố hay không.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich nhận định: “Tôi hy vọng ông ấy sẽ có bài phát biểu xứng tầm ông chủ Nhà Trắng và sẽ đưa ra một loạt những đề xuất để người dân Mỹ xích lại gần nhau hơn. Tôi không cho rằng, trong bài phát biểu lần này, ông ấy muốn chia tách người dân Mỹ. Ông ấy cần đại diện cho một nước Mỹ đoàn kết”.

Cựu Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Judd Gregg lại khuyến nghị rằng, trong bản Thông điệp Liên bang lần này, ông Trump cần phải gạt bỏ xu hướng “cá nhân hóa” mọi vấn đề. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ cần phải biết nhìn rộng hơn: “Lạc quan sẽ là từ khóa quan trọng nhất, tuy nhiên, lạc quan không phải là tự kiêu”.

Bản Thông điệp Liên bang được ông Trump đưa ra trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đang chịu sức ép rất lớn trong cuộc đua tranh các ghế ở cả hai viện Quốc hội Mỹ từ Đảng Dân chủ. Điều này có thể khiến Đảng Cộng hòa khó có thể “toàn tâm toàn ý” dồn lực cho ông Trump dẫn đến vị thể Tổng thống của ông lung lay dữ dội.

Hơn thế nữa, Tổng thống Mỹ còn phải để tâm đến cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Trong tình huống xấu nhất, ông Trump có thể phải ra điều trần.

Tuy nhiên, ông Trump không phải là Tổng thống đầu tiên đối mặt với những thách thức lớn lao và phải đọc bản Thông điệp Liên bang trong giờ khắc “nước sôi lửa bỏng” nhất. Tổng thống Mỹ có thể học hỏi những người tiền nhiệm về cách hành xử của họ trong “cơn bão”.

Trong bản Thông điệp Liên bang năm 1974, Tổng thống Mỹ lúc đó Richard Nixon đã thể hiện xuất sắc nỗ lực của mình nhằm gạt bỏ vụ bê bối sắp nhấn chìm sự nghiệp của ông bằng cách đối diện trực tiếp với nó.

Tổng thống Nixon nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, giờ là lúc các cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối đó cần phải chấm dứt. Dành cả một năm trời cho vụ Watergate là quá đủ rồi”.

24 năm sau, Tổng thống Mỹ lúc đó Bill Clinton cũng đã đọc bản Thông điệp Liên bang chỉ chưa đầy một tuần sau vụ bê bối với cô thực tập sinh Monica Lewinsky. Đã có những đồn đoán rằng, ông sẽ phải từ chức.

Một ngày trước thời điểm đọc bản Thông điệp Liên bang, trợ ký của ông Clinton đã thu xếp một cuộc họp báo để các phóng viên có cơ hội phỏng vấn ông về vụ bê bối này. Lúc đó, ông Clinton vẫn khẳng định: “Tôi không có quan hệ bất chính với cô Lewinsky”.

Một năm sau, trong khi quá trình luận tội ông vẫn đang diễn ra ở Thượng viện Mỹ, ông Clinton lại đọc Thông điệp Liên bang tại Hạ viện, tại đây, ông dành toàn bộ thời gian để đề cập tới “sự phát triển kinh tế rộng mở nhất và kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ” và kế hoạch bảo vệ chế độ an sinh xã hội của mình.

Tuy nhiên, Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị hoài nghi về việc họ khó có được tầm nhìn và kế hoạch “đầy thuyết phục” khiến người dân Mỹ quên đi những vấn đề còn tồn tại trong nước như hai người tiền nhiệm Nixon và Clinton.

Những “quân át chủ bài” của ông Trump

Dù vậy, các quan chức Nhà Trắng khẳng định, ông Trump cũng có “rất nhiều điều cần chia sẻ” trong bản Thông điệp Liên bang đầu tiên này. Theo đó, vấn đề trong nước đáng quan tâm nhất chính là quy chế công dân dành cho những tị nạn trái phép vào Mỹ.

Nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ chấp nhận nhượng bộ để đổi lấy việc bức tường biên giới trị giá tới 25 tỷ USD của ông được thông qua và Đảng Dân chủ đồng ý xiết chặt luật nhập cư.

Trong khi đó, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ được đề cập. Ngoài ra, ông Trump cũng được cho là sẽ tái khẳng định thông điệp mà ông đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ: Mỹ luôn mở rộng cánh cửa thương mại với mọi quốc gia./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại