Carsten Breuer – sĩ quan có quân hàm cao nhất trong quân đội Đức, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - nói với truyền thông Đức hôm 9/12 rằng, ông lo ngại Nga có thể hành động quân sự nhằm vào Đức và Berlin buộc phải bắt đầu một cuộc chiến "phòng thủ".
Theo trang Newsweek (Mỹ), đã gần hai năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Trong vài tuần qua, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào thị trấn Avdiivka ở vùng Donetsk phía đông Ukraine.
Động thái này diễn ra sau một chiến dịch phản công lớn của Ukraine trong mùa hè và mùa thu vừa qua. Kiev đã giành lại được một số vùng lãnh thổ, nhưng thất bại trong mục tiêu lớn hơn là tiến tới Biển Đen, cắt đứt cây cầu nối liền Nga với bán đảo Crimea.
Theo Newsweek, Đức là một trong những đồng minh tích cực nhất của Ukraine trong cuộc chiến đang diễn ra với Nga. Vào tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố gói viện trợ mới cho Kiev trị giá khoảng 1,1 tỷ USD để mua vũ khí, xe cơ giới và trang thiết bị phòng không.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (Đức), Carsten Breuer - người có chức danh chính là Tổng Thanh tra Lực lượng vũ trang Đức, Tư lệnh quân đội nước này - cho biết, ông lo ngại về việc Nga đang "tái trang bị vũ khí vào thời điểm hiện tại".
Carsten Breuer - Tổng Thanh tra Lực lượng vũ trang Đức - lo ngại Nga có thể xâm lược Đức và bắt đầu một cuộc chiến tranh "phòng thủ". Ảnh: AFP
Ông Breuer nói thêm rằng, Đức sẽ phải làm quen với khả năng "một ngày nào đó chúng ta có thể phải đối đầu với một cuộc chiến tranh phòng thủ".
Tổng Thanh tra Lực lượng vũ trang Đức cũng được hỏi liệu quân đội Đức có thể thực hiện một cuộc tấn công nếu Nga tấn công NATO, mà Đức là một thành viên, sau khi xung đột Nga -Ukraine kết thúc hay không. Ông Breuer nói: "Đúng. Theo từng giai đoạn. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi có thể tự bảo vệ mình và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình."
Tuy nhiên, ông Breuer cũng thừa nhận rằng, quân đội Đức có những thiếu sót trong việc phòng thủ quốc gia và liên minh sau khi tập trung vào quản lý khủng hoảng quốc tế trong nhiều năm.
Ông nói: "Bây giờ chúng ta thấy Bundeswehr [Lực lượng vũ trang Đức] vẫn chưa được trang bị đầy đủ cho việc này", đồng thời cho biết thêm rằng "có những quyết định được đưa ra nhanh chóng và có những mục tiêu gần như không thể thực hiện được".
Theo Newsweek, vào tháng 10, người dẫn chương trình truyền hình của Nga Vladimir Solovyov từng đe dọa trên chương trình của mình rằng nước Đức cuối cùng sẽ tồn tại "dưới lá cờ Nga".
Solovyov chỉ trích Đức vì đã tăng số lượng vật tư gửi đến Ukraine và nói rằng: "Vì vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi sẽ hoàn thành, chúng tôi sẽ chiếm Berlin một lần nữa, và lần này chúng tôi sẽ không rời đi."
Theo Newsweek, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Solovyov đã phát tán thông tin sai lệch, đồng thời đăng trên trang web của Bộ này vào năm ngoái một danh sách những nhân vật nổi tiếng liên quan đến hoạt động tuyên truyền của Nga, trong đó viết rằng Solovyov "có thể là nhà tuyên truyền tích cực nhất của Điện Kremlin hiện nay".
Hiện NATO có 31 thành viên, trong đó có 29 nước châu Âu, Mỹ và Canada. Ukraine đã nỗ lực thúc đẩy quá trình gia nhập liên minh quân sự này từ trước khi xung đột với Nga bùng nổ.
NATO cho biết, họ phản đối các "các chính sách và hành động thù địch" của Nga, đồng thời "hoàn toàn ủng hộ" quyền tự vệ của Ukraine.
Ngay từ cuộc xung đột tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói rằng, việc mở rộng về phía đông của NATO là lý do khiến Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.