Theo hãng tin AP, trước khi ông Vladimir Putin lên nắm quyền tại Nga vào năm 2000, thế giới bên ngoài coi những người Nga được mệnh danh "tài phiệt" (oligarch) là những tỷ phú với khối tài sản khổng lồ, gần như trở thành những người thao túng chính trị trong bóng tối.
Thuật ngữ oligarch tiếp tục tồn tại trong thời kỳ lãnh đạo của ông Putin, được sử dụng rộng rãi để chỉ hầu hết những người Nga có khối tài sản đáng kể.
Tuy nhiên, vẫn còn nghi ngờ về việc những người siêu giàu hiện nắm giữ bao nhiêu quyền lực chính trị ở Nga.
Vào ngày 2/12/2010, sau khi có thông báo tại Zurich, Thụy Sĩ, rằng Nga sẽ được quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2018, Thủ tướng Nga lúc bấy giờ Vladimir Putin chúc mừng các thành viên trong phái đoàn Nga, từ trái sang: nhạc trưởng Valery Gergiyev, doanh nhân Roman Abramovich và Thống đốc Nizhny Novgorod Valery Shantsev. Ảnh: AP
Các tài phiệt đầu tiên
Theo AP, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết vào năm 1991, các doanh nhân biết nắm bắt cơ hội đã bắt đầu tăng cường hoạt động khi sự kiểm soát của chính phủ được nới lỏng theo chính sách cải cách "perestroika" của Tổng thống Mikhail Gorbachev. Các doanh nhân này đã lợi dụng việc tư hữu hóa các ngành công nghiệp nhà nước để nhanh chóng sở hữu lượng cổ phần khổng lồ.
Nhà toán học Boris Berezovsky là một ví dụ điển hình. Ông ta trở thành đại lý lớn nhất cho Lada - nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Nga - và tìm cách mua những chiếc xe này với mức giá gây lỗ cho nhà sản xuất. Ông ta cũng nắm quyền quản lý công ty dầu mỏ Sibneft, hãng hàng không quốc gia Aeroflot và giành quyền kiểm soát kênh truyền hình ORT lớn nhất nước Nga.
Ít màu sắc hơn Berezovsky nhưng vẫn là những nhân vật nổi bật trong thời đại đó bao gồm ông trùm truyền thông Vladimir Gusinsky - người có ảnh hưởng lớn nhờ sở hữu kênh NTV, và các ông trùm dầu mỏ Mikhail Khodorkovsky và Roman Abramovich.
Thỏa thuận mới của Tổng thống Putin
Theo AP, khi mới nhậm chức tổng thống, ông Putin ý thức rõ sự phẫn nộ lan rộng của người dân Nga bình thường đối với những người cực kỳ giàu có đang ngày càng giàu hơn trong khi hàng triệu người phải vật lộn với những thay đổi kinh tế.
Mùa hè năm 2000, Tổng thống Putin gặp mặt khoảng hai chục người được coi là những nhà tài phiệt hàng đầu tại Điện Kremlin. Các báo cáo sau buổi gặp mặt cho biết, ông Putin đã đưa ra một thỏa thuận rõ ràng với các nhà tài phiệt: "Tránh xa chính trị và tài sản của bạn sẽ không bị động đến."
Nhà phân tích Alexandra Prokopenko của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (có trụ sở tại Washington, D.C., Mỹ) đã viết trong một bài bình luận vào năm nay rằng, tất cả tài sản được tích lũy trước nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin vẫn sẽ thuộc về các tài phiệt và điều này không bao giờ thay đổi... "Lòng trung thành là điều ông Putin coi trọng hơn tất cả".
Tương lai của các tài phiệt
Theo AP, bất chấp những thiệt hại về tài sản do cuộc chiến tại Ukraine gây ra, hầu hết những người siêu giàu ở Nga đều giữ im lặng về cuộc xung đột hoặc chỉ đưa ra những quan điểm nhẹ nhàng, mang tính hình thức.
Oleg Tinkov - doanh nhân ngân hàng và sản xuất bia - là một ngoại lệ hiếm hoi khi lên án chiến sự và gọi những người ủng hộ chiến tranh là "những kẻ ngu ngốc". Tinkov đã rời đất nước vào cuối năm 2022 và sau đó từ bỏ quốc tịch Nga.
Mikhail Fridman - người đồng sáng lập ngân hàng tư nhân lớn nhất Nga Alfa-Bank - gọi cuộc xung đột là một thảm kịch và mong muốn "đổ máu" phải chấm dứt. Ông ta có quốc tịch Israel và từng sống ở Anh, nhưng được cho là đã quay trở lại Moscow sau khi giao tranh giữa Israel và Hamas bắt đầu.
Nhà phân tích Prokopenko viết: "Ngay cả khi giới tinh hoa càu nhàu, họ vẫn tiếp tục thể hiện lòng trung thành."
Tuy nhiên, bà Prokopenko và các nhà phân tích khác cho rằng lòng trung thành là chưa đủ.
Theo bà, Kremlin kỳ vọng tạo dựng một đội ngũ tinh hoa mới gồm những nhân vật giàu có, sẵn sàng nhận phân phối tài sản mà Moscow đã tịch thu từ các công ty nước ngoài rời khỏi Nga và thông qua việc vô hiệu hóa các hợp đồng tư nhân hóa từ những năm 1990.
Nhà phân tích Nikolai Petrov của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia Anh viết rằng: "Một nhóm mới gồm những nhà tài phiệt gần như được sở hữu bởi nhà nước đang được thành lập, với sự giàu có và quyền kiểm soát được phân phối lại từ ‘quý tộc cũ’ sang ‘quý tộc mới’."