Theo đó, phương án 1 là giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ.
Phương án 2 xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên QL1 hiện hữu.
Phương án 3, di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên QL1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông.
Trường hợp, phương án tài chính không hiệu quả, tính toán kinh phí cần thiết Nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.
Các phương án báo cáo cần thu thập đủ số liệu phương tiện các loại (xe tải, xe khách) dự kiến phân luồng xe đi trên tuyến tránh và xe đi trên QL1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy, có ý kiến thống nhất của địa phương; thực hiện đàm phán, thống nhất sơ bộ với Nhà đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp xuất hiện phương án khác, chủ động nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang, Ban Quản lý dự án 8 chỉ đạo, phối hợp các đơn vị tư vấn (Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625) tổng hợp số liệu lưu lượng xe, tính toán, dự báo lưu lượng xe qua trạm, kinh phí xây dựng trạm tại vị trí mới và phương án tài chính dự án báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Vụ đối tác công-tư phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình nghiên cứu phương án, đồng thời tổ chức đàm phán, thống nhất với Nhà nước đầu tư, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT.
Về tiến độ thực hiện, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đặt ra mốc thời gian, trước ngày 12-12-2017, Công ty TNHH Đầu tư QL1 Tiền Giang và Ban Quản lý dự án 8 báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trước ngày 17-12-2017, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo, đề xuất Bộ GTVT phương án xử lý. Trước ngày 22-12-2017, vụ đối tác công-tư báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT.
Chiều 9-12, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ 12h ngày 8-12, Tổng cục đã tiến hành đếm phương tiện qua trạm Cai Lậy. Việc kiểm đếm này sẽ được thực hiện trong 4 ngày. Sau đó, Tổng cục sẽ phân loại phương tiện theo giờ để tính toán, rồi mới đưa ra kết quả để lựa chọn phương án hợp lý trình Bộ GTVT.
Thừa Thiên - Huế đề xuất miễn giảm mức phí qua trạm BOT Phú Bài Ngày 9-12, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Sở vừa gửi công văn đến UBND huyện Phú Lộc để yêu cầu huyện này có văn bản thông báo đến UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức thống kê phương tiện vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân thường xuyên qua trạm thu phí BOT Phú Bài phải nộp phí nhằm đề xuất hỗ trợ miễn, giảm giá sử dụng đường bộ khi qua trạm này. Theo đó, dựa trên cơ sở tình hình thực tế, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ làm việc với nhà đầu tư và đề xuất việc miễn, giảm giá sử dụng đường bộ qua trạm thu phí BOT Phú Bài cho người dân. Từ đó, nhà đầu tư sẽ xin ý kiến của Bộ GTVT để triển khai thực hiện. Ngoài huyện Phú Lộc, UBND thị xã Hương Thủy cũng được yêu cầu thống kê các phương tiện thường xuyên qua trạm thu phí BOT Phú Bài phải nộp phí để thực hiện đề xuất miễn, giảm phí A. Khoa |