Hé lộ văn bản đề xuất dịch chuyển vị trí BOT Cai Lậy

Nhật Huy |

Lẽ ra BOT Cai Lậy (Tiền Giang) nằm cách vị trí hiện nay 600m. Sự dịch chuyển này bắt nguồn từ một văn bản đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang.

Như Tiền Phong đã nêu đáng lẽ BOT Cai Lậy nằm cách vị trí hiện nay 600m. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn tới sự dịch chuyển này? "Trong quá trình triển khai dự án, do một số khó khăn liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng tại vị trí đặt trạm dự kiến nên đã có sự thay đổi", một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Theo đó, trên cơ sở biên bản thống nhất giữa nhà đầu tư với UBND huyện Cai Lậy, Sở GTVT Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang (văn bản số 4717 ngày 2/10/2015) đề nghị thay đổi vị trí đặt trạm thu phí dự án đến vị trí mới (tại Km1999+300 trên QL1).

Theo thông tin mà Tiền Phong có được, văn bản số 4717 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa kí ngày 02/10/2015 gửi Bộ GTVT về việc thay đổi vị trí xây dựng Trạm thu phí thuộc công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh TX. Cai Lậy.

Nội dung văn bản nêu: "Được sự hỗ trợ của Bộ GTVT về việc đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh TX. Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn km 1987 + 560 đến km 2014+000. Đến nay dự án đang khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng.

Theo Quyết định số 4173 của Bộ GTVT kí ngày 19/12/2013 thì hạng mục Trạm thu phí được xây dựng tại ví trí Km 1999 + 900.

Tuy nhiên, tại ví trí này đang gặp khó khăn về vấn đề giải phóng mặt bằng (vướng các hộ dân chưa đồng thuận, vẫn tiếp tục khiếu nại về giải phóng mặt bằng từ dự án mở rộng QL1 trước đây, tổng số hộ bị giải toả là 32 hộ, diện tích thổ cư nhiều) nên việc giải quyết đền bù cho dân để giao mặt bằng thi công Trạm thi phí sẽ kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ dự án.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành Dự án theo kế hoạch, địa phương đã phối hợp với Nhà đầu tư BOT QL1 khảo sát hiện trường và thống nhất di dời Trạm thu phí đến vị trí mới tại Km 1999+300.

Tại ví trí này, tổng số hộ bị ảnh hưởng, giải toả là 24 hộ, diện tích đất nông nghiệp nhiều, số lượng nhà kiên cố ít. Do đó, việc giải phóng mặt bằng thuận lợi hơn".

Cũng theo văn bản số 4717, phương án dịch chuyển này đã được UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất.

"Lãnh đạo quyết rồi đưa xuống"

Ngày 28/10/2013, Bộ GTVT đã có công văn số 11547 gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, công văn số 11548 gửi Hội đồng nhân dân và công văn số 11549 gửi UBND tỉnh Tiền Giang về việc thống nhất vị trí Trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng QL1 đoạn tránh TX. Cai Lậy theo hình thức BOT.

Phương án trạm thu phí đặt trên tuyến QL1 (km 1999+900, xã Phú An, huyện Cai Lậy); đồng thời với việc xây dựng tuyến tránh sẽ kết hợp tăng cường mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước dọc QL1 đoạn qua TX Cai Lậy.

Với phương án này, sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án. Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí trên tuyến QL1 cần phải có sự ủng hộ của Hội đồng nhân dân, UBND và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang.

Sau đó, HĐND, UBND và đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có công văn phúc đáp là thống nhất với ý kiến của Bộ GTVT về vị trí đặt trạm thu phí dự kiến sẽ đặt trên QL1.

Việc di chuyển trạm BOT Cai Lậy tới vị trí hiện tại (Km 1999+300, thuộc xã Bình Phú) theo đề xuất của UBND tỉnh Tiền Giang, đã được Bộ GTVT chấp thuận.

Sáng 8/12, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Khen – Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận xã Bình Phú cho biết: "Trạm thu phí được đặt tại vị trí đó là do có sự thống nhất từ cấp trên đưa xuống. Không biết là UBND xã có nắm được hay không chứ bên Mặt trận của xã không biết gì hết về việc đặt trạm tại đây. Nhiều khi lãnh đạo huyện hay tỉnh người ta quyết rồi thống nhất".

Khi hỏi về góc độ của Uỷ ban Mặt trận xã đánh giá như thế nào việc đặt trạm phu phí BOT tại tuyến QL1, ông Khen nói rằng "chủ yếu do cấp trên quyết định" và "tôi không dám nhận xét gì".

Liên hệ với ông Nguyễn Văn Lành – Chủ tịch UBND xã Bình Phú, ông cho biết bận họp. Còn ông Nguyễn Văn Bằng – Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy thì yêu cầu đăng kí lịch công tác cụ thể tại văn phòng "rồi sẽ làm việc sau".

Chủ tịch Tiền Giang nói gì BOT Cai Lậy?

Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15/8, chủ đầu tư cho xả trạm.

Sáng 30/11, trạm thu phí trở lại. Giá vé mỗi lượt của các loại xe đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000, cao nhất 140.000 đồng. Tuy nhiên, liên tiếp những ngày sau đó, đã có 24 lần trạm thu rồi lại xả do sự phản ứng từ tài xế. Họ đưa tiền lẻ, đòi thối 100 đồng hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để trả phí.

Ngày 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy trong 1 tháng để Bộ GTVT, cùng địa phương, doanh nghiệp đánh giá toàn diện dự án trước khi có quyết định trở lại.

Trả lời chất vấn tại kì họp thứ 5 khoá IX Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Tiền Giang vào sáng 8/12, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã nêu một số thông tin về BOT Cai Lậy.

Cụ thể, ông Hưởng cho biết, thực hiện chủ trương về đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã đề nghị thường trực Chính phủ cho chủ trương và Bộ GTVT cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường QL1 đoạn từ km1987 +560 đến km 2014 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT.

Dự án này nhằm giảm ùn tắc giao thông vào những lúc cao điểm qua thị xã Cai Lậy, góp phần giảm tai nạn giao thông.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.398,2 tỉ đồng, dự án thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang nên UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ GTVT để thực hiện trách nhiệm theo quy định là giải phóng mặt bằng và bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.

Tuyến tránh được đưa vào sử dụng ngày 31/12/2016, theo thống kê ban đầu cho thấy tình hình tai nạn giao thông trên toàn tuyến này có chuyển biến tích cực. Lấy số liệu so sánh giữa tháng 11/2017 so với tháng 11/2016 thì số vụ tai nạn giao thông giảm 13 vụ, giảm tương đương hơn 41% so với cùng kỳ, số người chết giảm 7 người, giảm 36%.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy được Bộ GTVT chấp thuận cho thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ kể từ 0 giờ ngày 1/8/2017. Sau khi trạm đi vào hoạt động, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến ngày càng phức tạp.

Đến ngày 15/8/2017, nhà đầu tư đã ngừng thu. Đến 9h ngày 30/11/2017, trạm thu phí trở lại đến ngày 4/12 thì đã dừng thu cho đến nay do vấp phải nhiều sự phản ứng của người dân.

Trước tình hình đó, vào chiều ngày 4/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang để tìm giải pháp cho trạm thu phí BOT Cai Lậy.

"Trên tinh thần đó, Bộ GTVT hoàn thiện phương án cuối cùng trình thường trực Chính phủ quyết định. Sau khi thường trực Chính phủ quyết định phương án đối với dự án tuyến tránh Cai Lậy, Bộ GTVT cùng Bộ TTTT sẽ tổ chức họp báo để công bố công khai minh bạch phương án này để triển khai thực hiện", ông Hưởng nói.

Ông Hưởng cũng yêu cầu, trong thời gian Bộ GTVT triển khai phương án trình Chính phủ quyết định, đề nghị cử tri và nhân dân theo dõi thông từ cổng thông tin của Chính phủ và Bộ GTVT để chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng, tập trung chăm lo sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại