“Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá!"

T.Công |

Câu hỏi "nên giữ hay bỏ lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng?" được nhiều người đặt ra sau cái chết thương tâm của ông Đinh Xuân Hướng.

Bỏ một số tiền lớn tìm mua trâu chọi, chăm bẵm tỉ mẩn cho trâu khỏe mạnh, ông chủ trâu Đinh Xuân Hướng (47 tuổi, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) đã thiệt mạng thương tâm bởi chính con vật mà mình nâng niu.

Tờ Tuổi trẻ đã đặt vấn đề "Chọi châu: Giữ hay bỏ?". Còn báo Zing.vn thì đặt câu hỏi "Thông điệp gì khi trâu chọi thắng hay thua đều bị làm thịt?". Vấn đề "Ứng xử thế nào với lễ hội truyền thống?" cũng được báo Vietnamplus nêu ra.

"Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá. Các chủ trâu dẫn trâu đến tận nơi mới thả, lại loanh quanh trong sân. Hàng rào khá đơn sơ, trâu điên có thể bay qua mà lao vào khán giả. Sợ thật!", Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ như vậy.

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ với báo Tuổi trẻ, một số hội thi như đấu bò, đua xe, đấu võ, tai nạn còn nhiều hơn chọi trâu. Thả diều cũng có thể xảy ra tai nạn. Nhưng quan trọng nhất là ở cách làm. Nếu chưa chuẩn bị an toàn thì chưa cho chọi.

Theo báo Thanh niên, GS Lê Hồng Lý (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa) cho rằng, ở những lễ hội chọi trâu truyền thống ít xảy ra tai nạn vì quy mô nhỏ. Khi tổ chức ở "đấu trường" quá lớn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trâu.

GS - TS Trần Lâm Biền bày tỏ trên báo Vietnamplus, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn ngày nay đang bị hiểu sai, thực hành sai, từ đó dẫn đến biến tướng và thương mại hóa. Việc cần cấm theo GS Biền là những biến tướng sai lệch chứ không phải cấm toàn bộ lễ hội.

“Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá! - Ảnh 1.

Con trâu số 18 húc chết chủ. Ảnh: Vietnamnet

Lễ hội này gắn với tục thờ mặt trăng mà mặt trăng gắn với thủy triều. Cảnh tượng những con trâu chọi nhau là biểu trưng cho sự vận động của thủy triều, thể hiện ý thức hòa hợp với thiên nhiên của cư dân.

Ông Biền cho rằng, việc trâu chọi bị giết thịt và bán với giá cao thể hiện tính thương mại hóa. Theo truyền thống thì "con trâu thắng trận sẽ được được đưa ra khơi xa, dùng làm vật tế thần biển với ước mong về việc ra khơi được thuận buồm xuôi gió".

Đồng quan điểm, GS - TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nói với báo Thể thao & văn hóa rằng, cái cần cấm là hành vi lệch lạc, xa rời truyền thống chứ không phải cấm cả lễ hội.

“Tôi xem sân chọi trâu Đồ Sơn thấy hãi quá! - Ảnh 2.

Ảnh: VTC news

"Chuyện người ta đổ xô về để cảm thán sự thượng võ hay tệ hơn là cổ súy bạo lực là một sự lệch lạc hoàn toàn so với lễ hội chọi trâu trước đây, gần như làm mất đi cái bản chất nhất của lễ hội", báo Thể thao & Văn hóa dẫn lời GS Ngọc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền bày tỏ trên báo Kinh tế đô thị, không phải vì lễ hội chọi trâu được công nhận là di sản văn hóa cấp Quốc gia nên không thể cấm, mà lễ hội này mang ý nghĩa về tâm linh và những nghi thức truyền thống.

Tại buổi làm việc với UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) về lễ hội chọi trâu, bà Trịnh Thị Thủy (Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) đã đề nghị Sở VH&TT thành phố Hải Phòng tham mưu cho UBND TP và quận có cách tổ chức khác phù hợp hơn.

Ông Trần Kim Hậu, đại diện Thanh tra Bộ VH-TT&DL cho rằng phải có chuyên gia giám sát khâu tuyển trâu đầu vào để đảm bảo an toàn.

Trong một diễn biến khác, phía UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu tạm dừng lễ hội, nhưng địa phương vẫn muốn tiếp tục. Về điều này, bà Ninh Thị Thu Hương (Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL) bày tỏ trên báo Tiền phong: "Nếu tiềm ẩn nguy cơ thì không nên khuyến khích. Nếu quyết tâm tổ chức tiếp, Hải Phòng phải có cam kết, biện pháp cụ thể".

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại