Hình ảnh ấy cho thấy người chủ lam lũ của những cánh đồng không còn được yên thân với miếng cơm manh áo bé mọn của họ nữa.
Đồng ruộng của họ đang bị thu hẹp, nghề nông của họ ngày càng ngơ ngác hơn giữa cơn lốc đô thị hóa.
Nhưng ngay cái khoảng không gian sinh tồn đang chật chội đi ấy, cũng bị những kẻ xăm trổ kia tìm cách cưỡng đoạt. (đọc tin chính)
Tôi rất muốn tin lời đại tá Tào Quang Chiến, Trưởng Công an huyện Quảng Xương, khi ông nói: "Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm minh, không để tình trạng này tái diễn trên địa bàn".
Nhưng tôi lại giật mình khi chính ông thừa nhận: Năm 2017 chính địa bàn này đã xảy ra tình trạng bảo kê, và công an đã "xử lý nghiêm". Xử nghiêm cỡ nào mà chỉ mấy tháng côn đồ đã tái xuất?
Tôi rất muốn tin quyết tâm bảo vệ sự yên bình của làng quê, nhưng tôi lại băn khoăn tự hỏi: Tại sao mấy năm nay, những cánh đồng nghèo khó và phận người nông dân ở một số vùng quê Thanh Hóa bị chao đảo nhiều thế?
3 năm trước, 12 con dê cấp cho hộ nghèo đã đi lạc vào trang trại Bí thư huyện ủy Thạch Thành. (đọc tin chính)
2 năm trước, những người dân ở xã Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) và xã Hưng Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã kêu khóc trước những mùa đóng góp hãi hùng. Ở đó, cây cũng phải đóng thuế, trẻ em phải lo chỗ chết sau này và gia đình liệt sĩ bị cắt nghiến hộ nghèo chỉ vì chưa chịu đóng hàng chục khoản thu vô lối. (đọc tin chính)
Hơn 1 tháng trước, người dân chăn bò khốn khổ ở xã Thiệu Dương (TP.Thanh Hóa) đã phải nộp hàng trăm ngàn để bò được phép… gặm cỏ. Có lẽ "phí cỏ" là thứ chưa từng có trong lịch sử. (đọc tin chính)
Mặc dù băn khoăn thế, nhưng nhiều người vẫn có thể tạm ứng niềm tin cho đại tá Tào Quang Chiến để hy vọng: Địa bàn của ông sẽ không còn xuất hiện những "kẻ ám sát cánh đồng" (như tên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều được chuyển thể thành phim truyền hình nổi tiếng "Chuyện làng Nhô").
Nếu không bảo vệ được thành lũy yên bình, vững chắc nhất là nông thôn, chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả khó đong đếm.
"Những người không tham nhũng mừng quá, thưa Bộ trưởng"
Sau những ồn ào về đề xuất thuế tài sản, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã có một khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Sẽ nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng; mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu". (đọc tin chính)
Nếu làm đúng tinh thần này, thì "những người không tham nhũng như chúng tôi mừng quá, thưa Bộ trưởng" – một sĩ quan quân đội về hưu đã nói như vậy.
Nếu mục tiêu thu ngân sách chỉ là thứ yếu, mục tiêu chống tham nhũng là quan trọng, thì bất kỳ một đề xuất nào đánh thuế tài sản ở mức 700, 800 triệu, thậm chí là 1- 1,5 tỉ, sẽ đều đi ngược tinh thần này.
Không ai có thể lý giải mục đích phòng chống tham nhũng bằng việc đánh thuế kiểu tận thu.
Tôi tin và mong rằng, Bộ trưởng sẽ kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng các quy định về thuế tài sản, để tăng thu ngân sách không trở thành mục tiêu chính, đè thêm gánh nặng lên lưng những người nghèo không tham nhũng.
Vụ án nóng và cái đầu lạnh của ông Chánh án
Phiên tòa xử vụ chạy thận gây chết người ở Hòa Bình đang rất nóng và tôi thích cái đầu lạnh của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.
Ông vừa có một phát ngôn khiến tôi và nhiều người muốn tin: "Với diễn biến của phiên tòa, tôi tin HĐXX sẽ có phán quyết đúng đắn, đúng quy định của pháp luật, chấp nhận ý kiến nhiều phía, trên cơ sở tranh tụng".
Ông Bình cho rằng đây là niềm tin của ông với tư cách cá nhân, chứ không với tư cách Chánh án. Đó chính là tư duy tôn trọng nguyên tắc độc lập xét xử, vì ông biết "việc bằng cách nọ, cách kia, trực tiếp hay gián tiếp tác động vào quá trình độc lập của HĐXX là không được phép". (đọc tin chính)
Tôi tin rằng, với tinh thần như vậy, người đứng đầu TANDTC sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ công lý nếu kết quả phiên tòa không đúng tinh thần "chấp nhận ý kiến nhiều phía, trên cơ sở tranh tụng", thượng tôn pháp luật.
Vụ chạy thận ở Hòa Bình, vụ người nông dân ở Thanh Hóa bị côn đồ hành hung đòi tiền bảo kê, và vụ đề xuất đánh thuế thu nhập, đều có một điểm chung rất đáng lưu ý: Đó là thân phận những người nghèo.
Chính người nghèo, mới là những người luôn chờ mong lời hứa của những người có trách nhiệm nhất!