Quan tòa ngồi nhầm chỗ và cụ ông 71 tuổi bị "chuyển giới" nhầm

Bùi Hải |

Hôm qua, vừa có một cụ ông 71 tuổi được bác sĩ siêu âm chẩn đoán "kinh nguyệt nhiều và hay xuất hiện với một chu kỳ đều".

Rất may, sự nhầm lẫn tắc trách trong trường hợp này chỉ gây buồn cười, chứ không gây hại. Tuy nhiên, đã có rất nhiều y bác sĩ phải trả giá đau đớn trước dư luận và pháp luật nếu mắc phải các nhầm lẫn, sai sót y khoa.

Nhưng các quan tòa ngồi nhầm chỗ thì phải trả giá như thế nào?

Những câu hỏi lớn cho quan tòa

Vụ án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương đã đi đến những hồi gay cấn nhất. Gay cấn không phải vì tình tiết vụ án quá phức tạp, mà vì sự phức tạp của thái độ quan tòa.

Trong bài viết này, tôi không bàn về việc Hoàng Công Lương vô tội hay có tội. Việc luận tội là của các cơ quan tố tụng. Nhưng nhìn thái độ khó hiểu của VKS và các quan tòa, người ta lại nhớ đến nỗi ám ảnh của một loại án bỏ túi.

Có thể đại đa số người Việt vẫn tồn tại nhận thức cũ: Đã phải ra tòa là có tội. Nhưng những thẩm phán, kiểm sát viên thì phải rõ hơn ai hết tinh thần cải cách tư pháp, tinh thần mà các nước văn minh đều đã áp dụng từ lâu: Tòa án không phải là cơ quan buộc tội.

Quan tòa ngồi nhầm chỗ và cụ ông 71 tuổi bị chuyển giới nhầm - Ảnh 1.

Cụ ông 71 tuổi bị nhầm thành thiếu nữ

Tòa án là trung gian, là cơ quan phán xử giữa bên buộc tội (công an, viện kiểm sát) và bên gỡ tội (luật sư, bị can, bị cáo).

Nguyên tắc tối quan trọng trong điều hành phiên tòa là suy đoán vô tội. Sự chính trực và sáng suốt của quan tòa góp phần chống lại sự lạm quyền, oan sai của các cơ quan trong hành trình tố tụng trước xét xử.

Vì vậy, Hội đồng xét xử buộc phải trân trọng, lắng nghe và xem xét tất cả những lý lẽ, chứng cứ, tình tiết cũ mới được bất cứ ai đưa ra trong phiên tòa.

Nếu mặc nhiên coi kết luận của công an, viện kiểm sát như chân lý, còn ý kiến luật sư, bị cáo như nói cho vui, thì phiên tòa sẽ chỉ còn là show diễn của những con bù nhìn.

Phim Âu – Mỹ có nhiều thứ cường điệu, giả tưởng, nhưng có một chuyện phản ánh rất thật đời sống tư pháp: Thông thường quan tòa sẽ chấp nhận việc luật sư đưa ra những bằng chứng mới, nhất là bằng chứng đó được khẳng định sẽ tạo nên bước ngoặt của phiên xét xử.

Tòa án sinh ra là để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Nhưng công lý để làm gì? Chính là để bảo vệ nhân dân. Công lý không thể được bảo vệ nếu những người dân không có tội bị kết tội.

Có rất nhiều câu hỏi đặt ra với HĐXX trong phiên tòa xét xử bác sĩ Lương, nhưng thật khó có câu trả lời nào thuyết phục.

Tại sao HĐXX không dám cho luật sư công bố video mà bà cho rằng sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện của vụ án?

Tại sao HĐXX không dám cho bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh, một chuyên gia về nước RO trình bày tại phiên tòa?

Tại sao luật sư Nguyễn Văn Chiến (cũng là một ĐBQH) phải kêu lên: "Tôi liên tục bị chủ toạ phiên toà bác bỏ quyền được hỏi đối với người cơ quan chức năng"?

Tại sao nhân vật được đánh giá là cộm cán nhất trong vụ án là cựu GĐ bệnh viện Trương Quý Dương, lại đang rong chơi tại nước ngoài, đăng ảnh tự sướng trong khi gia đình các nạn nhân phẫn nộ?

Tại sao người nhà nạn nhân phải kêu lên: Quan tòa xét hỏi họ với thái độ như xét hỏi tội phạm?

Tại sao khi nhân chứng đồng loạt thay đổi lời khai có lợi cho bị cáo, vẫn bị VKS cho rằng không có cơ sở?

Tại sao một người bị các cơ quan tố tụng coi là "tội đồ chính" lại đều được người nhà nạn nhân chết vì chạy thận, kiến nghị xử vô tội?

Thỏ biến thành gấu và cải cách não trạng

Nguyên nhân khiến ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén bị tù oan, một phần là vì sự khép kín, độc đoán của quy trình điều tra – truy tố - xét xử. Những con thỏ buộc phải biến thành gấu dưới những ngón nghề ghê gớm của điều tra viên.

Các quan tòa, hoặc trình độ kém, hoặc vô trách nhiệm, hoặc độc đoán, hoặc thiếu độc lập, hoặc không được cung cấp nhiều lý lẽ, chứng cứ từ rất nhiều người trong xã hội, nên đã xử oan từ những bản kết luận điều tra, truy tố rất có vấn đề đó.

Quan tòa ngồi nhầm chỗ và cụ ông 71 tuổi bị chuyển giới nhầm - Ảnh 2.

Trong các phiên tòa mà HĐXX chỉ nhăm nhe buộc tội, nếu bị cáo sử dụng quyền im lặng, thì sẽ bị coi là ngoan cố. Nếu bị cáo trình bày lý lẽ bảo vệ mình thì bị coi là giảo hoạt, quanh co chối tội.

Thế nên, những người tù như ông Chấn, ông Nén, Hàn Đức Long được giải oan chỉ nhờ vào may mắn rất lớn, nhờ vào hành trình bền bỉ phi thường của chính họ, của người thân và cả yếu tố tâm linh không lý giải được (như họ nghĩ).

Trong một xã hội cũng gần như khép kín, nhiều thông tin một chiều ấy, cộng đồng xã hội không thể giúp được gì họ.

Thời 4.0 hoàn toàn khác. Mọi thứ đều được soi chiếu kỹ lưỡng bởi rất nhiều bộ óc trong xã hội. Quan tòa trình độ kém, sẽ phải cúi mặt. Thẩm phán dính mùi tiêu cực sẽ phải trả giá. Chủ tọa có tai như điếc, không chịu nghe chứng cứ mới, tranh biện mới, sẽ bị dội bom tấn dư luận.

Từ một người xử án oai phong, quan tòa có vấn đề rất nhanh chóng trở thành người bị kết án, ít nhất là bởi dư luận, bởi những người có lương tri và bởi những người phải dính vòng lao lý một cách oan khuất.

ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã lên tiếng cảnh báo các ĐBQH khác không nên gây áp lực lên HĐXX vụ bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tôi tôn trọng ý kiến của đại biểu này, cũng như ý kiến của các ĐBQH khác nhận định Lương không có tội. Hơn ai hết, ĐBQH có quyền nói điều mà họ cho là đúng, tất nhiên phải dựa trên am hiểu chuyên môn và chứng cứ họ có.

Nhưng tôi cũng đặt câu hỏi: Khi cáo buộc các ĐBQH khác lên tiếng "một cách không bình thường", ĐBQH ở Hòa Bình kia có nhìn thấy những dấu hiệu không bình thường của HĐXX trong một phiên tòa mà ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn đến tính hiện thực của tiến trình của cải cách tư pháp – lĩnh vực rất quan trọng mà quốc hội phải kiểm tra, giám sát?

Ông là đại biểu của dân, ông sẽ phải bảo vệ ai?

Với tinh thần cải cách tư pháp, trong các phiên tòa, bị cáo đã không phải mặc áo kẻ sọc, không còn phải đứng trước vành móng ngựa – biểu trưng cho cửa sổ nhà tù.

Thế nhưng, cải cách tư pháp không thành công và công lý sẽ đi vắng, nếu não trạng của quan tòa không cải cách.

PGS. TS, Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên phó chánh án TAND tối cao, nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương đã khẳng định: "Để bảo đảm tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người thì Tòa án không thể vừa là cơ quan xét xử vừa là cơ quan buộc tội".

Tòa án xem xét chứng cứ bên buộc tội và gỡ tội, bên nào xác đáng hơn thì xử theo chứng cứ đó hoặc trả lại hồ sơ. Nếu tòa án nghiêng về bất kể phía nào, cán cân công lý sẽ bị lệch lạc.

Dù vụ xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương chưa có phán quyết cuối cùng, nhưng xét về mặt thái độ của các quan tòa, người ta đã đặt ra quá nhiều câu hỏi: Liệu quan toà có đứng lệch về lực lượng hùng hậu của bên buộc tội?

Trước tòa, điều dưỡng trưởng Đinh Tiến Công đã được xem là "dũng cảm" khi thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho Hoàng Công Lương.

Dù "tôi lo cho sự an toàn của gia đình tôi" thì Công vẫn chọn đứng về phía sự thật, như cách nói của anh, chứ không chọn phía… hùng hậu.

Một cụ ông 71 tuổi bị nhầm thành thiếu nữ, chỉ có thể gây bực và gây cười. Một quan tòa ngồi nhầm chỗ, chọn nhầm chỗ đứng, có thể đe dọa công lý và nhiều số phận.

Mong rằng, kết thúc phiên tòa ở Hòa Bình, cả bác sĩ Lương, cả chủ tọa, không có ai phải ngồi nhầm ghế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại