Tôi lạnh người trước "điều bình thường" của ông phó bến phà khi biện hộ cho kẻ ấu dâm

Hoàng Anh Tú |

Đoạn clip quay được một nhân viên kỹ thuật bến phà sờ vùng kín của cậu bé bán vé số 10 tuổi đã thực sự gây phẫn nộ hầu khắp trên mạng xã hội trong mấy ngày qua.

Người ta càng phẫn nộ hơn khi nghe ông Ngô Thanh Tùng- Phó trưởng bến phà Đình Khao- nơi xảy ra vụ việc - nói: "Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường".

Một chuyện "bình thường cay đắng" nhưng có thật và đã hiện hữu ở đây đó. Câu chuyện: "Cho ông sờ ch... ông cho con cái kẹo" xảy ra từ đời nảo đời nào đến nay vẫn còn.

"Mày có chắc là đàn ông không? Đưa ch... ra đây ông xem nào? Hay mày cũng lại là đàn bà" một cách đầy phân biệt và kỳ thị về giới tính.

Rồi thì là: "Đẹp trai hơn bố- ch... to hơn bố rồi" với những bình phẩm "hồn nhiên một cách đáng sợ" trên mạng khi cha mẹ đưa ảnh con không mặc quần lên.

Người ta coi chuyện một gã đàn ông nói chuyện dung tục kia với một gã đàn ông khác là chuyện rất đỗi bình thường.

Thậm chí, với nhiều người, nó là chuyện vui tếu táo "chẳng có gì để ầm ĩ" vì sờ để trêu đùa chứ có làm gì đâu? Đàn ông thì mất gì đâu?

Thế nên, khi ông Ngô Thanh Tùng- Phó trưởng bến phà Đình Khao nói thế, là bởi ông ta thấy điều đó bình thường thật.

Tôi lạnh người trước điều bình thường của ông phó bến phà khi biện hộ cho kẻ ấu dâm - Ảnh 1.

Bộ ảnh The pain lasts a lifetime.

Hôm rồi, tôi với chị Thanh Nga- chuyên viên tư vấn giáo dục của Unicef và chị Trần Mai Anh- mẹ bé Thiện Nhân cùng ngồi với nhau trong một cuộc trò chuyện- chia sẻ về chủ đề: Những nguyên tắc vàng giúp cha mẹ phòng chống xâm hại tình dục.

Chúng tôi cũng nhận được cơ man những câu hỏi như thế. Về một bác hàng xóm lúc nào cũng đùa bằng cách sờ "của quý" con trai họ. Đến cả những bậc cha mẹ cũng đều lúng túng trước những bác hàng xóm lớn tuổi hay đùa kiểu đó.

Có cha mẹ còn lúng túng hơn khi người hay đùa lại là ông nội- ông ngoại hoặc các bác- các chú trong cùng gia đình.

Cả 3 chúng tôi mỗi người đều đưa ra một giải pháp. Với tôi thì là cho phép con mình được quyền phản ứng hết cỡ và sẽ không bị cha mẹ truy cứu đánh giá gì hết.

Con được quyền phẫn nộ- phản ứng- thậm chí hét lên- cấu- cắn và không loại trừ cả nói gay gắt. Bởi tôi cần con tôi biết cách tự bảo vệ mình ngay cả khi không có mặt tôi.

Với chị Thanh Nga thì là thẳng thắn yêu cầu bác hàng xóm. Không phải là cầu xin bác ấy đừng làm thế với con mình nữa. Mà là lên án hành vi đó của bác hàng xóm.

Và với chị Trần Mai Anh, mọi thứ "lạnh lùng" hơn: Con phải nắm vững luật- hiểu luật một cách đơn giản nhất về quyền và nghĩa vụ của mình. Cứ chiểu theo đó mà triển. Còn nếu con chưa được trang bị, chưa kịp trang bị thì cha mẹ phải sẵn có. Google đơn giản.

Dạy con thượng tôn pháp luật- sử dụng pháp luật ngay từ bé. Và người hàng xóm kia sẽ phải biết những hình phạt mà luật pháp dành cho ông ta nếu ông ta lặp lại hành vi đó.

Tôi lạnh người trước điều bình thường của ông phó bến phà khi biện hộ cho kẻ ấu dâm - Ảnh 2.

Tác giả (bìa phải) cùng các khách mời trong chương trình.

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với cách của chị Mai Anh vì đó là cách mà chúng ta giải quyết mọi việc đến tận gốc rễ vấn đề.

Để đứa trẻ biết chúng có thể làm gì, có những quyền gì chứ không phải ù ù cạc cạc bị doạ "Công an đến bắt" là sợ són ra quần. Để gã hàng xóm biết rằng nếu gã còn có những hành vi tương tự với không chỉ đứa trẻ này, bất cứ đứa trẻ nào khác, gã sẽ bị trừng phạt.

Trở lại chuyện xảy ra ở bến phà Đình Khao, tôi nghĩ, ông phó trưởng bến phà kia vốn chẳng biết gì về luật. Hoặc ông chẳng quan tâm đến luật.

Họ vẫn cho mình quyền được làm những gì mình thích với những đứa trẻ và nghĩ là bình thường. Họ mới chính là những người không thượng tôn pháp luật hoặc tự nhận mình là pháp luật.

Và cũng chính họ đã khiến nhiều người dân không tự tin khi sử dụng pháp luật để bảo vệ chính bản thân mình. Những kẻ phá hoại luôn bám vào điều đó để thúc đẩy rối ren.

Tôi lạnh người trước điều bình thường của ông phó bến phà khi biện hộ cho kẻ ấu dâm - Ảnh 3.

Câu chuyện xâm hại tình dục trẻ em vốn từ rất lâu nay chỉ xoay quanh bé gái. Thậm chí chỉ được dư luận quan tâm nếu như bé gái đó bị xâm hại thực sự, gây ra những tổn thương thấy được về cơ thể.

Còn những hành vi như vỗ mông, sờ bộ phận nhạy cảm, kể cả cọ râu vào mặt đứa trẻ khi đứa trẻ không thích thì chỉ bị coi là chuyện bình thường.

Có khi cha mẹ chỉ bực lúc đó rồi lại thôi. Mà biết đâu, như một vòng tròn ám ảnh- đứa trẻ sẽ lớn lên và cũng trở thành những kẻ xâm hại hoặc tổn thương suốt đời. Cha mẹ liệu có biết điều đó???

Chuyện ở bến phà, mấy hôm nữa khi có những chuyện ầm ĩ hơn, nó sẽ lại trôi tuột đi.

Người ta, các bậc làm cha làm mẹ sẽ lại phẫn nộ, bức xúc với những câu chuyện "to tát" hơn. Chỉ có những đứa trẻ lại tiếp tục cô độc trong cuộc chiến tự bảo vệ bản thân mình.

Mà ở đó, hoặc chúng thoả hiệp với việc bị xâm hại vì nghĩ đó cũng chắc là một chuyện bình thường thôi, như người lớn vẫn hay nói, hoặc giữ mãi những tổn thương trong lòng, cho đến khi buộc phải tự tử như cô bé ở Lạng Sơn. Nghĩ đến thôi cũng đã thấy thắt lòng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại