Đừng bạo hành tinh thần những bé gái bị xâm hại tình dục một lần nữa

Hoàng Xuân |

Sau khi gánh chịu sự tàn ác của thủ phạm, cháu bé lại tiếp tục chịu đựng cuộc bạo hành tinh thần của những người núp dưới cái nhãn mỹ miều như "làm rõ sự thực", "thương quá", "muốn giúp gia đình"...

Hôm qua tôi đọc một bài báo và cảm thấy máu xông thẳng lên đỉnh đầu mình. Nội dung nêu một vụ xâm hại tình dục trẻ em man rợ nhưng bài báo đó viết thẳng tuột ra cả địa chỉ ấp, xã, huyện, tỉnh.

Tên thủ phạm viết ra rành mạch, bất cứ người nào cũng có thể theo bài báo đó tìm phát một đến tận nhà cháu bé.

Họ chụp ảnh cháu bé nạn nhân từ góc chính diện, cho thấy một pha dàn dựng công phu để chụp ảnh thật rõ nét.

Hãy hình dung đến những gì đã xảy ra trước đó: Công an hỏi tới hỏi lui về các tình tiết của vụ hiếp dâm, cha và ông nội bị công an đến nhà còng tay giải đi, hàng xóm kinh khủng xôn xao bàn tán và tò mò dắt nhau đến nhà coi hai thằng đó là thằng nào, con nhỏ nạn nhân đó là con nhỏ nào, tội nghiệp quá, à con vợ nữa chứ, vợ gì mà không biết đường bảo vệ con, qua coi cái mặt nó ra sao mà khờ quá vậy...

Rồi câu chuyện được lặp lại một lần nữa với những người viết báo này, trong khi cháu chỉ cần kể với những người đang chịu trách nhiệm điều tra (và lẽ ra phải có chuyên viên tâm lý đi kèm nữa). Rồi, nạn nhân được mời ngồi thật chĩnh chện để "được chụp ảnh".

Nghĩa là sau khi gánh chịu sự tàn ác của các thủ phạm, cháu bé lại tiếp tục chịu đựng cuộc bạo hành tinh thần của những người núp dưới cái nhãn mỹ miều như "làm rõ sự thực", "thương quá", "muốn giúp gia đình vượt qua nghịch cảnh"...

Đừng bạo hành tinh thần những bé gái bị xâm hại tình dục một lần nữa - Ảnh 1.

Ảnh: Kul.vn.

Tôi đã chứng kiến một cuộc bạo hành như thế vào cuối năm ngoái, khi chúng tôi đi tìm các cháu bé có hoàn cảnh tương tự tại một vùng núi Tây nguyên.

Khi chiếc xe vừa lăn vào con đường nhỏ giữa vùng đồi mênh mông hoang vắng, những con mắt tò mò đã xuất hiện khắp nơi.

Chẳng rào đón gì hết, những người đàn bà hỏi ngay chúng tôi đi đâu, tìm ai vậy, có chuyện gì. Rồi khi chúng tôi leo lên con đường mòn dẫn lên đồi thì đã có vài người nhanh chân đi theo xa xa, và lúc đến nơi thì đã có sẵn ba bốn người đàn bà trong ngôi nhà chúng tôi cần đến.

Rồi kìn kìn, họ xuất hiện từ bốn phía, cứ chốc chốc lại có một hai người bước vào. Những người đàn bà ấy đều đang làm việc: trên đầu bịt chiếc khăn giữ tóc, chân còn xỏ nguyên trong ủng, mồ hôi còn ướt đẫm lưng áo, chắc là vừa được rủ thì bỏ cái cuốc xuống đi ngay.

Họ sẵn sàng bỏ ngang công việc chỉ để chạy đến đây, chứng kiến cái chuyện không phải ngày nào cũng có này. Trong số ấy có những người chẳng quen biết gì với gia đình.

Họ xì xào với nhau:

- Nó đó hả?

- Ờ nó đó.

- Ốm nhom nhỏ xíu ha bà?

- Nó cũng dễ thương ghê chớ! Mà sao cái mắt nó buồn quá!

- Nó mập lên xíu nữa là đẹp lắm đó bà.

- Thằng cha kia có vợ hông vậy?

- Có, vợ nó cũng còn trẻ mà cũng đẹp gái nữa.

- Con nhỏ nhỏ xíu vậy mà sao nó làm được hả trời?

Có những người mới tới. Những câu hỏi được lặp lại từ đầu.

....

Tôi đã quát lên đòi họ ngưng lại. Tôi rất cáu giận, vừa cáu giận vừa thương xót. Không thể phủ nhận vai trò tối lửa tắt đèn của những người hàng xóm, nhất là những nơi xa xôi hẻo lánh như vùng đồi núi ở đây.

Khi cháu bé bị hại, chính họ là những người đầu tiên chạy sang an ủi, giúp đỡ và trông chừng bé giúp gia đình, đưa đi công an, giám định, động viên tinh thần...

Nhưng sau đó cũng chính sự quá gần gũi đến nỗi hầu như mọi người đều tự thấy mình như người thân này quay ngược lại gây hại cho bé.

Hầu như ai cũng có thể túm bé lại hỏi tỉ mỉ xem ngày hôm ấy chuyện đã xảy ra như thế nào, và bây giờ con có còn đau không.

Họ cũng sẽ hỏi vợ của thủ phạm (thường thường hắn có vợ) mày có chịu "chiều" chồng mày không mà để nó đi làm bậy vậy, trước giờ nó có vậy không, bây giờ mày tính sao, ly dị hay là thôi, mà nếu ly dị thì mình mày nuôi con nổi không...

Họ không biết mỗi câu hỏi, mỗi sự quan tâm tọc mạch như thế đều một lần nữa nhắc lại cho cháu bé điều mà cháu cần phải quên.

Đừng bạo hành tinh thần những bé gái bị xâm hại tình dục một lần nữa - Ảnh 2.

Ảnh trích từ bộ phim Hope nổi tiếng về đề tài ấu dâm của điện ảnh Hàn Quốc.

Cách đây ít ngày, có một em bé bị xâm hại tình dục ở một tỉnh miền Trung. Bạn tôi - chuyên viên tâm lý chăm sóc cho cháu từ khoảng hai tuần trước đó - giật mình thảng thốt khi thấy có hẳn video clip cháu bé kể lại chuyện bị xâm hại tường tận trên một tờ báo khá lớn.

Thảng thốt và lo sợ, vì trước đó cô đã liên lạc với gia đình để tham vấn tâm lý và khuyên nên tạm thời đưa cháu ra khỏi môi trường đang sống, thế nhưng mẹ cháu cứ hẹn lần lữa mãi mà không đưa cháu đến địa chỉ tạm lánh đã được cung cấp.

Thế rồi đùng một cái, có bài báo và video clip này. Chao ôi, cháu bé bao nhiêu lần rồi phải ôn lại từng tình tiết cái câu chuyện khiến cho cháu sợ hãi trước những người xa lạ? Cô ngay lập tức tìm mọi cách để một lần nữa thúc giục mẹ cháu bé "đưa con đi trốn".

Tôi gặp cháu sau khi hai mẹ con đã được các chuyên viên tâm lý trực tiếp tham vấn, với rất nhiều thương yêu và hiểu biết. Nhưng, ai cũng lo lắng vì truyền thông đã tiết lộ quá nhiều nhận dạng của con.

Và quả thật, cháu bé e ngại đến nỗi trong căn phòng mát rượi và chỉ có rất ít người, con vẫn khăng khăng bịt nguyên khẩu trang, giữ chiếc mũ vải sùm sụp trên đầu cùng chiếc áo khoác che kín thân, từ đầu chí cuối kiên quyết không bỏ ra.

Đấy là hành vi vô thức của con nhằm cố gắng che chắn bản thân trước những người lạ.

Sau khi bị xâm hại - hành vi xâm hại thường luôn luôn kèm với bạo lực - có những đứa trẻ sinh ra những thói quen mới trước đó chúng không hề có. Ở những trường hợp tôi biết, có đứa liên tục đái dầm.

Có đứa trong giấc ngủ thì chồm lên cơ thể chị gái, lặp lại trong vô thức những hành động mang màu sắc tính dục. Có đứa chỉ đòi xem phim sex và uống rượu trong bữa cơm. Có đứa suốt ngày ngồi trên ghế lắc lư đầu qua lại không chán, thấy đàn ông đi xa xa thì ra vẫy...

Theo các chuyên viên tâm lý và các bác sĩ trực tiếp chăm sóc, những hành vi bất thường của chúng xuất phát từ bản năng tính dục đã bị đánh thức quá sớm, và đánh thức một cách lệch lạc bệnh hoạn - bọn trẻ tội nghiệp hầu hết đều mới chỉ dưới 8 tuổi.

Ở những đứa lớn hơn, ký ức nặng nề hơn, có những đứa đã phát điên. Thậm chí, có đứa đã tự tử.

Luật Trẻ em quy định mọi hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên.

Còn khoản 4 điều 15 của Thông tư liên tịch (hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, số 01/2011 ban hành ngày 12/7/2011) nói rõ "Việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai người bị hại là người chưa thành niên, bao gồm cả việc kiểm tra dấu vết trên người, chụp ảnh thương tích, ghi âm, ghi hình phải theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và phải bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tâm lý cũng như quyền bí mật thông tin cá nhân và danh dự, nhân phẩm của họ".

Khoản 3 điều 16 của thông tư này nói, để làm giảm cảm giác sợ hãi của người bị hại là người chưa thành niên, Tòa án cần xem xét xử kín, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tình dục hay mua bán trẻ em.

Đừng bạo hành tinh thần những bé gái bị xâm hại tình dục một lần nữa - Ảnh 3.

Tất cả những quy định đó nhằm giữ cho càng ít người biết về nhân dạng, thông tin của các nạn nhân càng tốt, để bảo vệ sự phát triển tâm lý bình thường của chúng. Mục đích của công an, tòa án là bắt kẻ thủ ác đền tội chứ không phải phơi trần những nạn nhân thơ dại ra trước xã hội.

Một diễn viên chuyển giới khoảng 40 tuổi trong đoàn lô tô nói với đồng nghiệp tôi, chị chẳng muốn tiếp xúc với ai ngoài những thành viên trong đoàn, vì "nhìn thấy mình, có những người mắt họ bình thường, có những người cặp mắt... kỳ lắm!"

Thế đấy! Chỉ vài đôi mắt săm soi đã đủ khiến những người trưởng thành co rúm lại trong mặc cảm, thế mà có những nhà báo đang lên tiếng cho quyền trẻ em lại nỡ tung hình ảnh của bé gái ra trước cặp mắt của hàng triệu người.

Hãy đặt mình vào vị trí cha mẹ của đứa bé bị đánh đập và hãm hiếp khi bạn đưa tin.

Bạn không có tư cách nào nói về quyền trẻ em hay sự bất hạnh của những bé gái bị xâm hại tình dục nữa, nếu như những câu chữ, tấm ảnh, đoạn phim của bạn không nhằm để cảnh báo xã hội hoặc xóa nhòa ký ức cho các nạn nhân mà chỉ để chứng minh một cách máy móc bạn đã đến tận nơi, tận tay sờ thấy sự việc. Như một cỗ robot không biết đau xót và cảm thông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại