Chuyện diễn viên bị quỵt cát xê không phải là hiếm trong giới showbiz. Thỉnh thoảng, trong nghề lại ồn ào một vụ nhà sản xuất thiếu, quỵt cát xê diễn viên.
Vấn đề này gần như đã trở thành câu chuyện "thường ngày" của nghề và hầu hết các diễn viên đều từng trải qua. Tuy nhiên có người nói, có người im lặng chịu thiệt về mình, không muốn làm lớn chuyện.
Với 15 năm trong nghề, dĩ nhiên Hứa Minh Đạt cũng đã nếm trải đủ chuyện liên quan tới vấn đề cát xê... nhưng đây là lần đầu tiên anh chia sẻ về chuyện "khó nói" sau một hồi cười gượng trước chủ đề mà tôi đưa ra!
Diễn viên Hứa Minh Đạt
Cát xê 20 triệu bị nhà sản xuất đòi bồi thường hơn 70 triệu
Chuyện cát xê luôn là vấn đề nhạy cảm và đau đầu đối với diễn viên. Tôi biết anh không mấy hứng khởi khi đề cập tới vấn đề này. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng anh sẽ không né tránh câu hỏi của mình. Anh đã bao giờ bị thiếu hoặc bị quỵt cát xê chưa?
Quỵt thì không đến nỗi nhưng người ta không có điều kiện để trả mình... Ngày xưa, tôi cũng đi làm show với anh Hữu Lộc nên biết nỗi khổ của họ thế nào.
Có lần tôi đi show mà khán giả lèo tèo, bầu show bị lỗ nhiều quá nên mình không nỡ đòi lương. Họ đã lo hết tiền ăn uống, đi lại, khách sạn cho mình rồi.
Chương trình bán được có 200, 300 vé, còn chưa tính tiền băng rôn quảng cáo, xin giấy phép, thuê sân khấu, thức đêm thức hôm mấy ngày... nên tôi chủ động cho luôn. Coi như mình đi du lịch.
Vậy còn đi phim thì sao?
Cũng có. Có công ty kia muốn kiếm chuyện với tôi nhưng tôi dĩ hoà vi quý, vì nói cho cùng thì bên nào cũng có áp lực.
Hôm đó quay, tôi đã báo lịch là 4 giờ chiều phải đi. Tôi đến đúng giờ nhưng đạo diễn không quay, cứ lo giỡn với mấy cô diễn viên xinh xinh nên chỉ quay được chút xíu.
Trong khi tôi kẹt thời gian và đã nói trước với trợ lý đoàn phim rồi. Tới 4 giờ thì tôi phải đi nhưng đạo diễn không cho đi. Tôi nói mình đã làm việc với trợ lý từ trước về giờ giấc nhưng họ đòi làm biên bản phạt.
Hứa Minh Đạt bị nhà sản xuất chơi xấu lại còn dọa kiện ra tòa
Họ bảo chi phí một ngày quay tốn hơn 70 triệu rồi bắt tôi ký vào biên bản đền cho công ty hơn 70 triệu đó.
Tôi bảo "Mấy anh giỡn chơi hoài. Cát xê của tôi cái phim này có 20 triệu mà giờ các anh kêu tôi ký đền 70 triệu thì tôi lấy tiền đâu ra. Các anh làm mấy chuyện mắc cười quá. Tôi ở đây cả ngày, các anh không quay. Đến giờ tôi phải đi thì các anh kiếm chuyện".
Dĩ nhiên là tôi không ký. Sau đó bên công ty đòi kiện. Sau đó có số điện thoại lạ gọi cho tôi nói là luật sư của nhà sản xuất. Họ bảo tôi vi phạm hợp đồng và sẽ đưa tôi ra toà.
Hẳn là vụ việc đó đã được cho chìm xuồng vì nếu ra tòa thì báo chí đã thông tin về câu chuyện này?
Dĩ nhiên, vì họ sai mà. Khi ký hợp đồng, họ ứng trước cho tôi 6,7 triệu gì đó. Luật sư làm ầm ĩ lên. Tôi bảo "bộ phim này mà có chừng 10 người bị như tôi thì công ty lời quá. Tiền cát xê có 20 triệu mà đòi lập biên bản bồi thường 70 triệu, vậy là các anh lời 50 triệu. Chỉ cần 4 người như tôi là các anh thu về cho công ty 200 triệu rồi. Dễ ăn quá".
Khi sự việc xảy ra, anh em trong nghề có ai biết không?
Quay phim đó còn có anh Chí Tài nữa. Anh Tài biết chuyện này. Lúc đó tôi bực lắm. Anh Chí Tài khuyên tôi đừng có làm căng. Bên công ty cuối cùng gọi cho tôi nói "Vai anh đã có người khác làm rồi, giờ huỷ hợp đồng. Anh cho xin lại 7 triệu tiền lương ứng trước".
Tôi bảo "Tôi đem lên trả liền nè. Tôi cầm mấy đồng tiền đó làm chi, hôi tay tôi nữa", rồi tôi đem trả.
Dù ký hay không ký hợp đồng thì khi bị thiếu hoặc quỵt cát xê, diễn viên thường ít khi lên tiếng đòi công bằng mà âm thầm chịu thiệt.
Diễn viên chỉ là người làm công
Tôi thấy diễn viên khi đóng phim hay tham gia chương trình nào đó thường không ký hợp đồng nên khi xảy ra chuyện, họ là người chịu thiệt thòi. Kể cả ký hợp đồng thì họ cũng ít khi lên tiếng vì ngại ồn ào... Anh nghĩ thế nào về điều này?
Cùng làm trong nghề với nhau nên mọi người thường "dĩ hoà vi quý", không làm lớn chuyện. Nhưng khi đã bị nhà sản xuất quỵt tiền một lần là cạch mặt và sẽ không bao giờ có lần thứ hai.
Còn chuyện diễn viên không ký hợp đồng là vì anh em trong nghề thường tin tưởng nhau.
Anh có gặp tình huống nào tương tự về chuyện ký hợp đồng rồi phải ngậm ngùi cho qua?
Dĩ nhiên là có rồi. Tôi nhận làm một bộ phim sitcom. Hợp đồng ký là 7 ngày với cái giá khá nhẹ nhàng vì làm sitcom không vất vả như phim truyền hình hay điện ảnh. Nhưng khi ra tới hiện trường thì quay tới gần tháng trời mới xong.
Người mời tôi là anh phó đạo diễn. Anh ấy bị kẹt ở giữa. Bên công ty báo lịch cho anh ấy như vậy và anh báo lại tôi. Lúc ký hợp đồng, tôi ký theo vai chứ không ký theo phân đoạn.
Vai của tôi nếu gom vào thì đúng 7 ngày thật nhưng phim lấy bối cảnh văn phòng. Tôi có thoại hay không có thoại thì cũng phải ngồi cho có mặt ở những cảnh toàn.
Câu chuyện xảy ra sau lưng thì mình cũng phải ngồi đó cho có mặt. Cuối cùng quay thành gần một tháng mới xong.
Tôi không làm lớn chuyện vì thấy tội anh phó đạo diễn. Anh ấy xin lỗi mình rối rít. Mình mà làm lớn chuyện thì áy náy, thôi thì đôi bên nhường qua nhường lại, cho ra sản phẩm êm xuôi, chứ giờ căng thẳng thì mệt lắm.
Làm nghệ thuật sợ nhất là căng thẳng. Chỉ cần cãi lộn thôi là mặt mày cau có, quay không được rồi.
Hầu như diễn viên nào trong đời làm nghề cũng một vài lần dính tới chuyện cát xê không minh bạch.
Có khá nhiều diễn viên phàn nàn về chuyện ký hợp đồng theo vai, theo tập chứ không theo phân đoạn như ngày xưa. Bởi vì khi họ ngồi nhẩm lại thì thấy mình bị lỗ, còn nhà sản xuất giảm được tới phân nửa chi phí mời diễn viên. Quan điểm của anh thế nào?
Cái này cũng khó vì xác suất phim thắng rất ít. Không chỉ kịch bản hay, diễn viên giỏi là được mà còn có yếu tố may rủi rất nhiều.
Còn chuyện ký theo vai hay theo tập, theo phân đoạn là do thoả thuận giữa diễn viên với nhà sản xuất.
Nếu vai chỉ có 2, 3 phân đoạn thì ký hợp đồng theo phân đoạn là đúng. Nhưng với vai chính, xuất hiện xuyên suốt phim mà ký phân đoạn thì nhà sản xuất nào trả nổi, buộc lòng họ phải ký theo tập, theo vai.
Vấn đề chính là có trả tiền hay không thôi, còn ký kiểu nào cũng được.
Ngay như tôi, đến giờ vẫn chưa lấy được tiền. Phim đó, họ nhiệt huyết thật nhưng vốn không mạnh nên chạy từng bữa. Ông chủ nhiệm đoàn phim ngày nào cũng chạy chỗ này chạy chỗ kia vay tiền làm bối cảnh. Mình đòi thì ngại.
Mỗi lần gọi điện thì ông ấy bảo "ngày mai, tuần sau" nhưng cứ ngày mai với tuần sau miết. Mình không làm căng được, căng thì đứt, chẳng giải quyết được gì. Anh em đang cố gắng để phim kịp tiến độ nên mình cũng dĩ hoà vi quý.
Nhưng phải có lịch hẹn đàng hoàng chứ cứ nói xạo hoài không được. Sợ nhất là cứ ngày mai ngày mai hoài, dễ mất lòng tin vào nhau. Mai mốt họ có mời, mình cũng né không dám làm.
Tôi nghĩ, chắc họ cũng bị vào thế rồi nên mới phải làm vậy. Nếu họ có tiền thì đưa mình chứ nói xạo làm chi, có mấy chục triệu.
Quỵt thì tôi nghĩ không quỵt đâu vì còn làm chung nghề, gặp nhau hàng ngày, còn nhìn mặt nhau. Chắc có lý do gì nữa...
Hứa Minh Đạt và đàn anh Cao Minh Đạt trên phim trường.
Mọi người thường thần thánh hoá nghề này nhưng có tiếp xúc hoặc ở trong nghề mới biết, diễn viên không hề sướng?
Làm phim, nhà sản xuất lời ăn lỗ chịu, còn diễn viên chỉ là người làm công thôi. Trong vấn đề cát xê, diễn viên còn bị khó một chuyện nữa, nếu làm dữ thì thế nào mọi người cũng đi rao khắp nơi. Khi diễn viên bị nhà sản xuất khác, bị đạo diễn, ê-kíp khác ác cảm thì đâu ai muốn mời nữa.
Diễn viên còn đỡ, những cô chú anh chị em đóng quần chúng mới khổ. Họ đi xa, mấy chục km, lên ngồi cả ngày trời, quay chút xíu rồi đợi tới 1, 2 giờ đêm mà chỉ 200, 300.000 đồng một ngày.
Than thì than mà có phim gọi là đi, không bỏ. Mê phim và máu lửa lắm. Rất là tội!
Cảm ơn anh đã chia sẻ!