Tội cướp tài sản có khung hình phạt cao nhất là tù "chung thân" (ảnh minh họa)
Công an TP Hải Phòng vừa phát đi thông tin về việc khởi tố Thượng úy Phan Ánh Dương (SN 1988, nguyên cán bộ Công an phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng) về tội " Cướp tài sản " theo Điều 168 (Bộ luật Hình sự 2015). Trước đó, Giám đốc Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định tước quân tịch đối với thượng úy Dương.
Theo tài liệu điều tra, ngày 17/7/2020, tại quán The Coffee House 1102 (số 1+3 đường Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) xảy ra vụ cướp tài sản.
Ngày 20/11/2020, Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 3 đối tượng Trần Ngọc Hùng (1982, trú tại số 201, đường Nguyễn Văn Linh, quận Lê Chân); Nguyễn Văn Vinh (SN 1983, ở số 61/143, đường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân) và Trương Trọng Linh (SN 1988, ở quận Kiến An) về tội "Cướp tài sản".
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng, ngày 23/6/2021, Cơ quan CSĐT Công an quận Lê Chân ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Ánh Dương về tội danh trên.
Phân tích về vụ án này, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Theo quy định của điều luật này, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3-10 năm.
Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18-20 năm hoặc tù chung thân", luật sư Thắng chia sẻ.
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.