"Tôi cũng bị lừa mà" - Kẻ gian diễn vai nạn nhân quá xuất sắc: Cô gái nghe xong đành chấp nhận mất 2 tỷ

Mạnh Kiên |

Lee phàn nàn với Ivy, người sau đó cũng tự nhận là bị lừa không rút được tiền và nói rằng đã trình báo cảnh sát về việc này. Nhưng có vẻ chính Ivy là thành viên trong vở kịch.

Kiếm việc làm, mất liền 2 tỷ

Với hy vọng độc lập về tài chính, Lee (nhân vật giấu tên) - một bà mẹ đơn thân người Singapore đã nhận công việc marketing thông qua quảng cáo trên Facebook.

Thế nhưng, người phụ nữ 31 tuổi đã mất khoảng 89.000 USD (2,1 tỷ đồng) - số tiền tiết kiệm trong 10 năm - vào tay những kẻ lừa đảo chỉ sau một tuần.

Suy sụp khi kể lại câu chuyện của mình với The Sunday Times, cô Lee nói: "Tôi không biết tại sao trước khi nhận việc mình không chịu suy nghĩ kỹ hơn. Giờ đây, số tiền vất vả kiếm được qua nhiều năm gần như đã mất sạch".

Cô là bà mẹ nội trợ kể từ khi sinh con gái đầu lòng cách đây 5 năm. Con gái thứ hai của cô mới được bốn tháng tuổi. Sau khi ly hôn ba năm trước, cô chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của bố mẹ và tiền cấp dưỡng của chồng cũ để trang trải cuộc sống.

Lee bắt đầu tìm việc vào tháng 7/2023 và nhìn thấy quảng cáo trên Facebook tự xưng là của công ty Singsale, cung cấp việc làm marketing ở Singapore.

Tôi cũng bị lừa mà - Kẻ gian diễn vai nạn nhân quá xuất sắc: Cô gái nghe xong đành chấp nhận mất 2 tỷ - Ảnh 1.

"Bài viết trên Facebook trông có vẻ uy tín vì có hơn một trăm bình luận. Tôi tìm kiếm tên công ty trên mạng và thấy có cả trang web", bà mẹ kể lại.

Sau đó, Lee nói chuyện qua WhatsApp với người phụ nữ tên "Ivy", người này cho biết công việc chỉ đơn giản là đặt hàng trực tuyến các sản phẩm, bao gồm quần áo và đồ gia dụng, để tăng doanh số bán hàng.

Lee được thông báo rằng cô sẽ lấy lại toàn bộ số tiền sau khi hoàn thành 60 đơn đặt hàng, với mức hoa hồng 20%.

Singsale là trang web thương mại điện tử thuộc sở hữu của MySale Group, công ty con của tập đoàn bán lẻ Frasers Group của Anh. Tuy nhiên, các giao dịch mà Lee thực hiện lại diễn ra trên một nền tảng riêng biệt.

Ivy cho Lee sử dụng tài khoản của chính mình trước để trải nghiệm hệ thống. Trong hai ngày, cô dùng 1.000 USD trong tài khoản của Ivy để đặt hàng và nhận được 1.200 USD.

Hài lòng với khoản thanh toán, Lee tiếp tục đặt hàng đợt thứ hai, lần này bằng tài khoản của chính mình.

Một người tự xưng là nhân viên của hệ thống đã hướng dẫn cô về các đơn đặt hàng và tài khoản ngân hàng để chuyển khoản thanh toán.

Giá của mỗi đơn hàng dao động từ khoảng 200 USD đến 5.000 USD. Sau 40 đơn đặt hàng, cô đã đặt cọc 89.796 USD và gần như hết tiền.

Màn kịch nhiều diễn viên

Nghĩ rằng mình có thể nhận lại khoảng 107.700 USD - khoản lãi gần 18.000 USD trong một tuần - Lee yêu cầu rút tiền và hoa hồng.

Tôi cũng bị lừa mà - Kẻ gian diễn vai nạn nhân quá xuất sắc: Cô gái nghe xong đành chấp nhận mất 2 tỷ - Ảnh 2.

Cô đã bị sốc khi biết mình phải trả một khoản phí khoảng 6.000 USD để rút tiền.

"Tôi nói với nhân viên rằng mình không còn tiền và cần phải nuôi hai đứa con. Nhưng họ khẳng định ngân hàng cần phí xác thực này vì tôi đang cố rút một số tiền lớn", bà mẹ đơn thân kể lại.

Cô phàn nàn với Ivy, người sau đó cũng tự nhận là bị lừa không rút được tiền và nói rằng đã trình báo cảnh sát về việc này. Nhưng có vẻ chính Ivy đang là thành viên trong vở kịch. Cô ta đang tạo cái cớ để nhân viên kia có lý do moi thêm tiền.

"Nhân viên vin vào cớ tài khoản ngân hàng bị đóng băng do có người đã báo cảnh sát và yêu cầu 8.000 USD để 'giải phóng' tài khoản nếu tôi muốn nhận được toàn bộ số tiền", Lee cho biết. "Tôi nhận ra Ivy có thể thuộc cùng tổ chức".

Lee đã nhờ đến trung tâm đòi nợ Fast Debt Recovery để giúp lấy lại số tiền của mình.

Người đồng sáng lập trung tâm Lyn Ling nói rằng cuộc điều tra cho thấy các tài khoản ngân hàng mà Lee đã chuyển tiền thuộc về nhiều cá nhân khác nhau. Các tài khoản được gắn với số điện thoại cũng không còn hoạt động.

Cô được cho biết đây là dấu hiệu của một vụ lừa đảo. Người đòi nợ nói với Lee rằng cơ hội lấy lại tiền của cô rất mong manh và khuyến khích trình báo cảnh sát.

Lee cho biết cô rất xấu hổ và đã không nói với bạn bè hay gia đình về câu chuyện của mình.

"Tôi không muốn nói với bố mẹ vì đây là hậu quả tôi phải gánh chịu. Tôi không muốn họ lo lắng", cô nói. "Tôi sẽ không bao giờ tìm việc qua mạng hay Facebook nữa".

Ông Scott Stiles, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng tại Seek Asia, nơi vận hành các nền tảng việc làm JobStreet và JobsDB, cho biết những kẻ lừa đảo đang trở nên tinh vi hơn.

Vì vậy, người tìm việc nên cảnh giác khi nhìn thấy một trang web công ty có giao diện hợp pháp và đánh giá mọi khía cạnh của lời mời làm việc.

Những công việc giả mạo thường đưa ra những điều kiện có vẻ quá tốt để có thể là sự thật, chẳng hạn như mức lương cao nhưng không tương xứng với công sức. Các dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm vai trò công việc mơ hồ và thông báo tuyển dụng không đề cập đến tên người nhận.

"Không có công ty hợp pháp nào yêu cầu nhân viên trả tiền để được làm việc", ông Stiles nói thêm.

Tiến sĩ Reuben Ng, nhà khoa học hành vi từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), cho biết các vụ lừa đảo việc làm đang gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng tồi tệ, lạm phát gia tăng và nhiều người mất việc làm.

Ông khuyến khích các nạn nhân lừa đảo lên tiếng: "Thực sự không có gì đáng xấu hổ khi chia sẻ về các vụ lừa đảo. Nếu bạn báo cáo, rất có thể chính quyền và những bên liên quan sẽ có thêm rất nhiều dữ liệu để giúp người khác không vấp phải sai lầm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại