Bán hàng trên mạng cũng bị lừa
Một phụ nữ đã mất hơn 72.500 USD (gần 1,8 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng chỉ sau 15 phút tải xuống ứng dụng của bên thứ ba để bán đồ trên mạng.
Thứ mà nạn nhân 68 tuổi tải xuống hóa ra là phần mềm độc hại cho phép kẻ lừa đảo kiểm soát điện thoại Android và rút tiền từ tài khoản tiết kiệm.
Vào ngày 23/9, Madam Abdul tình cờ thấy quảng cáo trên Facebook của một công ty tái chế có tên là E-Recycle muốn mua đồ nội thất và đồ điện tử đã qua sử dụng.
Bà ngay lập tức bị cuốn hút bởi mức giá thu mua từ 30 đến 100 USD cho mỗi món đồ và sẽ có người đến lấy hàng miễn phí.
Với hy vọng bán được một số thiết bị nhà bếp, bao gồm bộ nồi hấp và vỉ nướng, bà liên hệ với người mua thông qua Facebook Messenger.
Không quen thuộc với nền tảng thương mại điện tử Carousell phổ biến ở Singapore và không muốn bán đồ điện tử cho karung guni (những người sưu tập đồ cũ) với giá thấp, Abdul cảm thấy nhà quảng cáo trên Facebook đưa ra sự tiện lợi và mức giá hấp dẫn hơn.
Người mua nhắn tin cho bà trên WhatsApp và họ trò chuyện đến tận đêm khuya.
Ngày hôm sau, bà nói chuyện với người mua qua điện thoại và hỏi liệu anh ta có muốn mua một chiếc vali da không.
Khi nói chuyện điện thoại, anh ta cho biết đã chuyển 50 USD thông qua nền tảng PayNow và sẽ thanh toán số tiền còn lại sau khi thu thập và định giá các món đồ.
Anh ta yêu cầu Abdul mở ứng dụng ngân hàng để kiểm tra xem đã nhận được khoản thanh toán chưa. Bà làm theo yêu cầu nhưng không thấy tiền được chuyển.
Abdul nghĩ rằng việc chuyển khoản đôi khi sẽ cần đợi thời gian tiền về nên không để tâm nhiều về việc đó.
Sau đó, người kia hướng dẫn bà tải xuống ứng dụng của bên thứ ba có tên I-Recovery để liệt kê các vật phẩm để nhân viên thu thập.
Khi đang nói chuyện điện thoại, bà nhận được một cuộc gọi khác và muốn cúp máy để trả lời.
Màn hình điện thoại bắt đầu nhấp nháy nên Abdul cố gắng từ chối cuộc gọi nhưng tất cả các nút trên màn hình cảm ứng đều không phản hồi. Bà tìm mọi cách để gỡ cài đặt ứng dụng nhưng không thể thực hiện được.
Thủ đoạn không ngờ
Hoảng hốt, Abdul nói với người mua về điều đó. Đáp lại, anh ta quả quyết rằng điện thoại của bà bị lỗi. Abdul cảm thấy nghi ngờ vì điện thoại không hề gặp vấn đề gì trước khi cả hai gọi điện cho nhau.
"Tôi hỏi anh ấy: Anh có phải là kẻ lừa đảo không đấy? Anh ta nói mình không phải và đề nghị tôi không xúc phạm bằng cách so sánh với những kẻ lừa đảo bán bánh trung thu", Abdul kể lại.
Nhận thấy có điều gì đó không ổn, bà kể lại sự việc với người bạn cùng phòng. Người đó khuyên Abdul nên tắt điện thoại ngay và gọi cho ngân hàng.
Nhân viên ngân hàng nói với Abdul rằng những kẻ lừa đảo đã tăng hạn mức giao dịch, vốn ban đầu được đặt ở mức 3.000 USD. Chúng đã chuyển khoảng 68.500 USD từ tài khoản tiết kiệm và 4.000 USD khác ngay sau đó.
Bà Abdul, người làm việc tại một trường đào tạo, cho biết đã dành số tiền đó để chi trả cho việc nghỉ hưu, bảo hiểm và y tế.
"Khi biết tin tiền tiết kiệm của mình bị mất gần 90%, tôi muốn khóc nhưng không chảy được nước mắt. Đó là số tiền tôi tiết kiệm được trong hơn bốn thập kỷ. Tôi đã biết về những trường hợp lừa đảo nhưng vẫn bị lừa. Tôi cảm thấy thất vọng và thấy mình thật ngu ngốc", bà Abdul, người có một con trai, nói.
Người con trai Hakim cho biết dù rất đau lòng khi biết tin mẹ mình bị lừa nhưng anh hiểu rằng bất kỳ ai cũng có thể rơi vào bẫy.
"Chúng tôi đã đọc tin tức về những trò lừa đảo như vậy nhưng không nhận ra mối đe dọa đang ở rất gần. Mẹ tôi nghĩ những kẻ lừa đảo sẽ đóng vai người bán chứ không phải người mua. Đây có lẽ là một chiến thuật mới và bà không thể lường trước", nhà giáo dục 43 tuổi nói thêm.
Hai mẹ con cho biết, họ hy vọng có thể gác lại lo lắng để tập trung thu hồi số tiền. Bà Abdul kể từ đó đã đổi điện thoại di động và thay thẻ ATM.
"Tôi đã học được cách cẩn thận hơn trên mạng. Tôi quá háo hức muốn bán các mặt hàng một cách nhanh chóng", bà nói.