Ảnh minh họa lũ lụt kinh hoàng tại New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 7/2020.
Nằm ở khu vực Đông Nam của Mỹ, Florida là bang duy nhất cùng lúc giáp cả Vịnh Mexico và Đại Tây Dương, do đó nó sở hữu đường bờ biển dài tổng 13.500km. Với diện tích 170.311 km vuông, Florida là tiểu bang có diện tích lớn thứ 22 của Mỹ.
Tiểu bang miền Đông Nam nước Mỹ này có một đặc điểm địa hình rất khác biệt: Đó là nó rất bằng phẳng, thậm chí là địa hình thấp - Điểm thấp nhất thấp hơn mực nước biển 8 mét. Điểm cao nhất là gần biên giới Alabama ở hạt Walton, chỉ cao 105 mét so với mực nước biển.
Trong mắt các nhà khoa học, tất cả các đặc điểm địa lý này đều rất đáng lo lắng. Vì sao?
Trong một thế giới đang ngày càng nóng lên vì biến đổi khí hậu, băng tuyết đang ngày càng tan rã ồ ạt. Với một tiểu bang có đường bờ biển gần 14.000km cộng với địa hình thấp đã khiến cho Florida 'rất dễ tổn thương' trước mực nước biển dâng cao (do băng tan).
Thống kê của các nhà khoa học cho thấy, Greenland đã trải qua một sự kiện băng tan lớn trong một đợt nắng nóng ở Bắc Cực, lượng băng nước có thể bao phủ toàn bộ bang Florida trong 5cm nước.
KHỐI BĂNG LỚN THỨ 2 THẾ GIỚI GẶP NẠN
Cụ thể, theo Viện Khí tượng Đan Mạch, đây là một trong những sự kiện băng tan chảy nghiêm trọng nhất trong năm 2021 - tảng băng ở Greenland đã trải qua một đợt tan chảy lớn do một đợt nắng nóng xảy ra ở vùng Bắc Cực.
Đợt nắng nóng ở phía bắc Greenland đã chứng kiến nhiệt độ tăng hơn 20 độ C so với mức trung bình so với các năm trước cùng thời kỳ.
Chỉ riêng trong ngày 27/7/201, một khối lượng băng khổng lồ nặng đến 8,5 tỷ tấn đã sụp đổ và tan chảy ra đại dương. Lượng băng bị mất vào ngày 27/7 đó được cho là đủ để làm ngập toàn bộ bang Florida của Mỹ trong 5cm nước!
Đây không phải hình ảnh ước lệ. Bởi nếu băng cứ tiếp tục tan như thế này thì các thành phố, quốc gia ven biển sẽ hứng chịu thảm họa kinh hoàng này.
Khối băng của Greenland là khối băng nước ngọt lớn thứ hai thế giới, có diện tích lên tới 1,8 triệu km vuông. May mắn, tảng băng lớn nhất hành tinh vẫn còn ở Nam Cực.
Hiện tượng băng tan khiến mực nước biển tăng vĩnh viễn. Ảnh: Earth.org
Trong một tuần cuối tháng 7/2021, tổng lượng băng tại Greenland đã mất lên đến 18,4 tỷ tấn. Mặc dù tổng lượng băng mất đi trong tuần đó không vượt qua tổng lượng băng mất trong 1 tuần của năm 2019, nhưng phần diện tích băng tan đó lớn hơn sự kiện 2 năm trước.
Các nhà nghiên cứu Đan Mạch cũng đã báo cáo rằng tốc độ băng tan hiện nay cao gấp 2 lần tốc độ bình thường trong các mùa hè trước đó nhiều năm.
Các sự kiện tan chảy đã được ghi lại vào năm 1990 nhưng đã tăng nhanh hơn kể từ năm 2000. Sự mất băng tan ở khối lượng lớn trong những năm gần đây cao diễn ra nhanh hơn 4 lần so với trước năm 2000.
Riêng năm 2019 đã chứng kiến 532 tỷ tấn băng sụp đổ rồi xâm nhập vào các đại dương, do đó dẫn đến mực nước biển toàn cầu tăng vĩnh viễn 1,5 mm.
Sự kiện băng tan ở Greenland xảy ra vài ngày sau khi chính phủ Greenland thông báo rằng họ sẽ tạm dừng mọi hoạt động thăm dò dầu khí và các kế hoạch trong tương lai do lo ngại về môi trường và biến đổi khí hậu.
'CHAO ĐẢO' VÌ LŨ LỤT
Đợt nắng nóng ở Bắc Cực (gây băng tan) chỉ là một trong nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan/khắc nghiệt xảy ra trên toàn cầu chỉ trong mùa hè 2021 này, khi nhiệt độ lên đến đỉnh cao mới ở bờ biển phía tây của Canada và Mỹ vào tháng 7/2021, cũng như ở Siberia, nơi xảy ra hàng trăm vụ cháy rừng trong khu vực.
Nhiều khu vực khác trên thế giới còn đối mặt với lũ lụt kinh hoàng. Đại nạn này đã, đang và sẽ ảnh hưởng trên diện rộng.
Đây là dẫn chứng của các nhà khoa học.
1. Hàng trăm triệu người có thể bị lũ lụt hoành hành
Tại một thời điểm vào năm 2020, một phần ba diện tích Bangladesh ở dưới nước. Mặc dù lũ lụt theo mùa không phải là điều khác thường ở Bangladesh, một quốc gia đồng bằng, nhưng trong những năm gần đây, tần suất và cường độ của các trận lũ bất thường đã gia tăng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng con người.
Cũng giống như Bangladesh, các quốc gia ở Đông, Đông Nam và Nam Á đã có hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng do lượng mưa lớn và lũ lụt. Các mô hình dự đoán một cách nhất quán rằng biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ biểu hiện thành lũ lụt và mùa mưa dữ dội hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Nature Portfolio Journal, trong 20 năm qua, ít nhất 86 triệu người đã di dời hoặc tái định cư đến các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao (vùng lũ) - làm tăng nguy cơ khiến 20% dân số thế giới dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt [cao gấp 10 lần so với ước tính trước đó].
Bangladesh hứng chịu nhiều trận lụt lớn hơn, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ảnh: Reuters)
Như vậy, khoảng 290 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các trận lũ lớn và nếu quỹ đạo này tiếp tục, sẽ có thêm nhiều người mất nhà cửa, sinh kế và chết vì lũ lụt.
Sử dụng các mô hình khí hậu từ Viện Tài nguyên Thế giới, nghiên cứu cũng dự báo từ năm 2010 đến năm 2030 có khả năng thêm 179 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi tác động của lũ lụt.
Một số trận lũ lụt tồi tệ nhất đã từng xảy ra với các quốc gia ở phía nam toàn cầu, bao gồm cả châu Phi cận Sahara, Nam Á và Đông Nam Á. Lũ lụt ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất kỳ nguy cơ môi trường nào khác. Lũ lụt cản trở sự phát triển bền vững, các nhà khoa học cho biết.
2. Nam và Đông Nam Á 'dễ tổn thương' nhất
Các thành phố thấp và đông đúc ở nhiều quốc gia Nam và Đông Nam Á có nguy cơ cao nhất, và hàng triệu người sống ở đó đặc biệt dễ bị tổn thương. Đây đặc biệt là một trong những khu vực dễ bị lũ lụt nhất trên thế giới. Lũ lụt thường xuyên xảy ra do gió mùa lớn gây ra thiệt hại to lớn về tính mạng, tài sản, hoa màu và cơ sở hạ tầng của người dân.
Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học từ Đại học Arizona (Mỹ), sau khi sử dụng hàng nghìn hình ảnh vệ tinh chụp trong gần 2 thập kỷ, ghi lại 913 trận lũ lụt lớn trên toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2018.
Nhiều khu vực phía bắc Philippines hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn 4 thập kỷ. Ảnh chụp năm 2020 khi siêu bão Vamco đổ bộ quốc gia này tháng 11/2020. Nguồn: VCG
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra một kịch bản: Biến đổi khí hậu có thể làm giảm 11% GDP của khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch, đánh bắt cá, y tế và năng suất lao động. Nếu không có tiến bộ công nghệ, năng suất lúa ở Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể giảm gần 50% vào năm 2100 so với mức của năm 1990.
Các tác động tương tự đối với các ngành kinh tế chính có thể xảy ra ở Nam Á. Ví dụ, trong một năm trung bình, chi phí liên quan đến lũ lụt ở Bangladesh là khoảng 175 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong những trường hợp cực đoan, những chi phí này có thể vượt quá 2 tỷ USD - Đây là kết quả có được từ trận lụt năm 1998 khi hơn 70% diện tích đất nước Bangladesh nằm dưới nước.
Cùng với hạn hán ở nhiều nơi trên thế giới (đặc biệt là ở châu Phi), thì lũ lụt, băng tan đều khiến nhiều nơi trên thế giới ngập trong nước - trong một thế giới ngày một nóng lên và biến đổi khí hậu khó lường.
Bài viết sử dụng nguồn: Earth.org, Britannica.com