NDTV đưa tin, nước Ý có lẽ sắp chứng kiến những ngày nóng nhất của châu Âu, khi khu vực Siracusa mới ghi nhận nền nhiệt cao nhất lịch sử vào hôm 11/8. Sang ngày 12/8, lính cứu hỏa tại Ý vẫn đang phải chống lại hàng trăm vụ cháy rừng trên khắp đất nước, một phần do ảnh hưởng bởi đợt sốc nhiệt khủng khiếp đang tràn vào Nam Âu.
Nền nhiệt đáng sợ này đang khiến châu Âu phải lo sợ, rằng có khả năng họ phải hứng chịu làn sóng nhiệt còn dữ dội hơn thế trong tương lai. Văn phòng Khí tượng Anh (MET Office) mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng nền nhiệt trong thời gian tới có thể lên tới 50 độ C.
"Biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến nắng nóng trở nên dữ dội hơn. Chúng tôi nghĩ rằng nhiệt độ có thể phá kỷ lục trong lịch sử, hoặc gần chạm đến mốc đó" - Giáo sư Peter Stott từ MET Office cho biết.
"Nhiệt độ kỷ lục ghi nhận vào tháng 6/2019 cho thấy Pháp lần đầu tiên vượt ngưỡng 45 độ C. Và giờ, phân tích của chúng tôi cho thấy rủi ro phá kỷ lục ít nhất là tăng gấp 5 lần vì biến đổi khí hậu. Thậm chí, những hiện tượng tương tự sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn".
Nhiệt độ trung bình trên bề mặt Trái đất đã tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900). Tuy nhiên, một số khu vực có nhiệt độ gia tăng ở mức lớn hơn rất nhiều, như tại Bắc Mỹ là 2 độ C.
Nền nhiệt tăng mạnh tại châu Âu trong thời gian qua, so sánh với thời điểm nóng kỷ lục vào tháng 7/2017
Tại Hy Lạp, làn sóng nhiệt dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ đã tạo điều kiện để cháy rừng lan rộng hơn, hủy diệt tới hơn 100.000ha rừng và đất nông nghiệp.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây xảy ra không bao lâu sau khi Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu IPCC của Liên hợp Quốc công bố báo động đỏ hôm 9/8m với lời cảnh báo thế giới đang nóng lên ở tốc độ nhanh hơn so với dự đoán rất nhiều. Trong đó, khu vực Địa Trung Hải đang trở thành "điểm nóng biến đổi khí hậu", với nền nhiệt tăng cùng thời điểm bước vào mùa cháy rừng.