Tổ chức hội nghị trung ương 4 giữa bối cảnh khó khăn: Ông Tập đặt nền tảng để tái nhiệm vào năm 2022?

Thủy Thu |

Hội nghị trung ương 4 của ĐSCTQ được tổ chức - sau 20 tháng trì hoãn - trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tăng cường phòng thủ chính trị

Tăng trưởng kinh tế chững lại, chiến tranh thương mại, biểu tình ở Hồng Kông, dịch lợn tả châu Phi, giá thực phẩm tăng mạnh, đây là những yếu tố làm tăng gánh nặng cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng khi giới tinh hoa Bắc Kinh tập trung trong tuần này, điều họ phải nỗ lực giải quyết lại là rủi ro tiềm ẩn mà chính ông Tập đã từng nhắc tới: mất cân bằng, chia rẽ và đối đầu, The New York Times (Mỹ-NYT) nhận định.

Trong một bài phát biểu do tạp chí Cầu Thị - tạp chí lý luận hàng đầu của ĐCSTQ đăng tải gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc lại lịch sử suy tàn của các triều đại Trung Quốc và cho biết lý do xuất phát từ tham nhũng, buông lỏng kỷ luật, đấu đá. 

"Từ cổ chí kim, một nguyên nhân phổ biến của sự sụp đổ hoặc suy yếu của các cường quốc thế giới là do đánh mất quyền lực trung ương, quốc gia không thể tập trung thống nhất", ông Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu. Bài diễn văn này được Chủ tịch Trung Quốc phát biểu vào đầu năm ngoái nhưng phải đến tháng 10 năm nay nó mới được xuất bản trên ấn phẩm chính của ĐCSTQ.

"Tôi cho rằng, chỉ có bản thân chúng ta mới có thể đánh bại chúng ta, chứ không có người thứ hai", Chủ tịch Trung Quốc nói. "[Chúng ta] phải dám thực hiện cách mạng bản thân, dám hướng lưỡi dao vào trong, dám gọt xương trị thương, dám mạnh mẽ chặt bẻ gãy cổ tay, ngăn ngừa mối họa từ bên trong".

Tổ chức hội nghị trung ương 4 giữa bối cảnh khó khăn: Ông Tập đặt nền tảng để tái nhiệm vào năm 2022? - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế chững lại, chiến tranh thương mại, biểu tình ở Hồng Kông v.v... là những yếu tố làm tăng gánh nặng cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

Năm nay, ông Tập Cận Bình cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc phải chuẩn bị cho "đấu tranh", đây là một thuật ngữ phổ biến để mô tả các thách thức trong và ngoài nước. Theo NYT, hội nghị trong tuần này sẽ thúc đẩy các nỗ lực tăng cường phòng thủ chính trị của Trung Quốc, có thể bao gồm việc sử dụng công nghệ tiên tiến hơn để giám sát và quản lý các quan chức, công dân nước này.

Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất vào ngày đầu tiên của hội nghị nhưng hãng này không tiết lộ thông tin chi tiết.

"Ông ấy [Tập Cận Bình] đang nhìn vấn đề này từ quan điểm của 30 năm tới", ông Điền Phi Long, Giáo sư luật tại Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, nói. "Hệ thống này không đủ mạnh để chiến đấu chống lại các lực lượng bên ngoài khác nhau, bởi vì nó có nhiều lỗ hổng".

Kể từ năm 2012, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã liên tục phát động các chiến dịch chống tham nhũng, bè phái, quan liêu. Năm ngoái, giới hạn đối với nhiệm kỳ Chủ tịch nước cũng được xóa bỏ, mở ra cánh cửa nắm quyền vô thời hạn với tư cách là Chủ tịch nước, Tổng Bí thư trung ương ĐCSTQ và Chủ tịch quân ủy trung ương, NYT nhận định.

"Hội nghị trung ương 4 sẽ là bước đi mới nhất cho chuỗi diễn biến này", ông Jonathan Fenby, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại hãng tư vấn TS Lambard (Anh) nói. "Nó có thể mang lại những thay đổi về thể chế nhằm hợp lý hóa việc truyền đạt mệnh lệnh và thực hiện quyền lực tập trung lớn hơn. Nhưng yếu tố quan trọng có thể là sự tăng cường lãnh đạo cá nhân của ông Tập Cận Bình".

Hiện đại hóa thể chế

Một mối quan tâm sâu sắc hơn của Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác là nâng cao hiệu quả và tinh thần của hàng trăm ngàn quan chức cấp cơ sở - những người trực tiếp thực thi chính sách trung ương.

Nhiều quan chức cấp giữa bất mãn với các hành động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, bởi vì chống tham nhũng đã làm giảm thu nhập và ảnh hưởng của họ, Giáo sư Kha Hoa Khánh, tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Bắc Kinh, nói.

Tổ chức hội nghị trung ương 4 giữa bối cảnh khó khăn: Ông Tập đặt nền tảng để tái nhiệm vào năm 2022? - Ảnh 2.

Trung Quốc đã kỷ niệm 70 năm Quốc khánh bằng lễ duyệt binh hoành tráng. Ảnh: Getty

Mới đây, trong thông báo về kết luận điều tra hành vi sai phạm cựu Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Lưu Sĩ Dư, Bắc Kinh khẳng định, Lưu trong vai trò là Ủy viên Ban chấp hành trung ương ĐCSTQ nhưng lại dao động về lập trường chính trị, không thi hành nghiêm chỉnh các quyết định của trung ương.

"ĐCSTQ có thể tiếp tục tự giải quyết nội bộ trong một thời gian nữa," ông Kha Hoa Khánh nói.

Theo NYT, Ủy ban trung ương ĐCSTQ thường tổ chức một hội nghị toàn thể hàng năm tại nhà khách Kinh Tây, nằm ở phía tây Bắc Kinh, nhưng cuộc họp năm nay đã bị trì hoãn thời gian dài - cuộc họp gần nhất được tổ chức cách đây 20 tháng. 

Điều này khiến một số người đặt câu hỏi tại sao một cuộc họp chuyên về các vấn đề tổ chức đảng lại được tổ chức trong thời điểm Trung Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách.

Ông Jude Blanchette, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, Bắc Kinh trì hoãn phiên họp này cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình cảm thấy đã đạt được sự đồng thuận, bởi như vậy ông ấy đã giành được một số thành công nhất định. 

Ví dụ, vào ngày 1/10, ông Tập đã chủ trì lễ duyệt binh kỷ niệm 70 Quốc khánh Trung Quốc. Vừa qua, các nhà đàm phán Trung Quốc và Mỹ đã tạm thời hoãn áp thuế song phương với một thỏa thuận sơ bộ dự kiến.

Các vấn đề về chính sách kinh tế và đối ngoại cũng có thể được thảo luận tại cuộc họp nhưng thường vào thời điểm này - theo chu kỳ hội nghị 5 năm, Ủy ban trung ương ĐCSTQ sẽ tập trung vào các phương diện về tổ chức và pháp lý của đảng, NYT cho hay.

Đồng thời, một số nhà quan sát Bắc Kinh dự đoán, ông Tập Cận Bình cũng có thể sử dụng cuộc họp này để bồi dưỡng nhân sự và đặt nền tảng cho nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2022. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại