Tính toán sau việc EU đồng thuận cấp quy chế ứng viên cho Ukraine

Quang Dũng |

Ukraine đã được EU cấp quy chế ứng viên dù rằng chặng đường để trở thành thành viên chính thức còn rất dài.

Chủ tịch EC Leyen (trái) ủng hộ mạnh mẽ việc trao tư cách ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine.

Chủ tịch EC Leyen (trái) ủng hộ mạnh mẽ việc trao tư cách ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine.

Đằng sau sự đồng thuận này của EU về cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine

Từ khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra hôm 24/2, quan điểm của các nước Liên minh châu Âu (EU) là rất rõ ràng: ủng hộ toàn diện Ukraine. Sự ủng hộ này đã được thể hiện trong gần 4 tháng qua cả về mặt chính trị lẫn quân sự, tài chính, với các cấp độ chưa từng có trong chính sách đối ngoại và an ninh của EU, như việc chi ra hàng tỷ euro mua vũ khí viện trợ cho Ukraine.

Do đó, việc các nước EU đồng thuận tuyệt đối về việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập EU chỉ là một bước đi tiếp theo trong sự ủng hộ chính trị mà EU dành cho Ukraine. Tất nhiên, sự đồng thuận này không phải xuất hiện ngay lập tức.

Vào thời điểm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gây sức ép với lãnh đạo các nước EU và Ủy ban châu Âu về việc cần ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên EU theo quy trình rút gọn, phản ứng của một số nước EU là rất miễn cưỡng, khó chịu. Các nước như Hà Lan, Đức… không muốn EU mở rộng thành viên một cách thiếu thận trọng, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáp lại yêu cầu từ phía Ukraine bằng việc đưa ra đề xuất thành lập “Cộng đồng chính trị châu Âu”, một dạng như “phòng chờ”, cho phép thu nạp các nước muốn gia nhập EU nhưng chưa đủ điều kiện, giống như Ukraine, Moldova hay một số quốc gia ở Tây Balkan.

Sự dè dặt và thận trọng ban đầu từ phía EU là rất dễ hiểu bởi Ukraine không chỉ là một quốc gia đang có chiến tranh mà còn vì trước khi cuộc chiến nổ ra, Ukraine cũng còn thiếu rất nhiều điều kiện để có thể đáp ứng yêu cầu làm ứng cử viên gia nhập EU, từ việc tham nhũng tràn lan cho đến thiếu các cải cách cần thiết về kinh tế, tư pháp, về môi trường hay quyền của người lao động.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến tại Ukraine có nguy cơ sẽ còn kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa, EU đứng trước các tính toán khác. Một mặt, các nước EU ở phía Đông như Ba Lan, Séc, Slovakia và 3 quốc gia Baltic gây sức ép rất lớn buộc Uỷ ban châu Âu trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên, mặt khác, châu Âu cũng nhận thấy rằng, trong bối cảnh cục diện chiến trường tại Ukraine đang bước vào giai đoạn quyết định, châu Âu cần trao cho Ukraine một cú hích, một sự khích lệ lớn về chính trị để hy vọng chính quyền Ukraine đứng vững trong cuộc chiến.

Ngoài ra, sau một thời gian tính toán cân nhắc, châu Âu có lẽ cũng đã hiểu rằng giữa việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên đến việc kết nạp Ukraine làm thành viên đầy đủ của EU là cả một chặng đường dài vô định. Như nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì chặng đường này có thể kéo dài từ vài năm đến vài thập kỷ, từ 15-20 năm, thậm chí lâu hơn. Do đó, châu Âu cũng không mất gì nếu thực hiện một hành động mang nặng tính biểu tượng là trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên.

Cuối cùng, sự đồng thuận từ châu Âu cũng đến từ nhận thức của nhiều nhà lãnh đạo của khối này rằng châu Âu có một “nghĩa vụ đạo đức” đối với Ukraine, vì cho rằng Ukraine rơi vào cuộc chiến khủng khiếp với Nga chỉ vì quốc gia này mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu hay NATO và hiện Ukraine đang chiến đấu để bảo vệ chính biên giới cửa ngõ của Liên minh châu Âu. Nhận thức này, mà đôi khi được thể hiện một cách quá cảm tính, đặc biệt nổi bật ở 2 nhà lãnh đạo cấp cao của EU là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel.

Chặng đường Ukraine sẽ phải trải qua để trở thành thành viên chính thức của EU

Để trở thành một thành viên chính thức của Liên minh châu Âu, thách thức lớn đầu tiên mà Ukraine phải vượt qua là tìm cách chấm dứt cuộc chiến để có thể bắt tay vào tiến trình tái thiết đất nước. EU là một liên minh kinh tế-chính trị và dù có ủng hộ Ukraine đến mấy EU cũng sẽ gần như không bao giờ kết nạp một quốc gia đang trong một cuộc chiến tranh toàn diện, với một nền kinh tế tê liệt và các cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Kết nạp một Ukraine như thế sẽ chỉ là việc rước thêm một gánh nặng khổng lồ về kinh tế-chính trị-xã hội và chắc chắn sẽ có rất nhiều thành viên EU không bao giờ chấp nhận.

Nhưng làm sao để kết thúc cuộc chiến và khi nào cuộc chiến kết thúc lại là câu hỏi không ai trả lời được. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây nhận định, cuộc chiến có thể sẽ kéo dài vài năm. Kể cả khi cuộc chiến kết thúc sau vài năm nữa, vấn đề lớn là khi đó đất nước Ukraine sẽ có một chính thể và một thực thể địa lý ra sao? Một đất nước tái lập lại toàn bộ lãnh thổ và vẫn theo đuổi chính sách thân phương Tây hay một quốc gia bị chia cắt, tàn phá với các chính quyền thân Nga. Không ai có thể biết chính xác các kịch bản sắp tới của cuộc chiến tại Ukraine , cũng có nghĩa không ai có thể biết khi nào Ukraine mới có thể thực sự bắt tay vào việc thực hiện các cam kết như EU yêu cầu để trở thành thành viên đầy đủ.

Tại Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày hôm nay (23/6) và ngày mai (24/6) tại Brussels, lãnh đạo các nước EU sẽ quyết định việc trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và gần như chắc chắn việc này sẽ được thông qua, nhưng sau đó Uỷ ban châu Âu sẽ cần ít nhất vài tháng mới có thể công bố một danh sách rất dài những yêu cầu mà EU bắt buộc Ukraine phải thực hiện trong nhiều năm tới.

Đó sẽ là những yêu cầu về cải cách toàn diện, từ kinh tế cho đến tư pháp. Trong chuyến thăm đến Kiev cách đây hơn 10 ngày, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã nói với Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky rằng “Ukraine còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc chống tham nhũng”.

Thực ra, với EU, việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên là một hành động mang nặng tính biểu tượng chính trị còn việc giám sát Ukraine thực hiện các cải cách trong những năm tới ra sao là một hành động thực chất và bỏ qua tất cả những gì đang được tô vẽ về Ukraine trên báo chí phương Tây hiện nay, các chuyên gia kinh tế tại châu Âu đều chung nhận định rằng, Ukraine còn cách quá xa các tiêu chuẩn do EU đặt ra.

Trong cuộc “thảo luận định hướng” về việc Ukraine gia nhập EU tổ chức hôm 13/6, Uỷ viên phụ trách việc mở rộng EU, ông Olivier Varhelyi thậm chí còn nhận định rằng trong số 3 nước muốn gia nhập EU là Ukraine, Moldova và Gruzia thì Ukraine thậm chí còn xếp kém nhất về các chỉ số. Nói cách khác, đây không phải là một quốc gia dân chủ rực rỡ như cách mà báo chí phương Tây ca ngợi sau ngày 24/2 mà là một quốc gia vẫn còn quá nhiều khiếm khuyết nếu xét theo các tiêu chuẩn EU. Vì thế, nếu Ukraine chấp nhận cải cách như EU yêu cầu, tiến trình đó có thể kéo dài hàng chục năm hoặc vài thập kỷ, với điều kiện tiên quyết, đó là cuộc chiến hiện nay phải chấm dứt.

Lối thoát cho khủng hoảng Ukraine

Đối với việc Ukraine xin gia nhập EU, Nga không phản đối vì theo quan điểm của Nga, EU là một liên minh kinh tế chứ không phải liên minh quân sự như NATO nên việc Ukraine gia nhập EU không tạo ra các đe doạ an ninh nghiêm trọng đối với nước Nga. Thực tế thì Nga không có tiếng nói gì trong việc này. Vào thời điểm này, Nga có lẽ cũng không để tâm quá nhiều đến việc Ukraine có được trao tư cách ứng cử viên gia nhập EU hay không vì cũng hiểu rõ rằng, từ tư cách ứng cử viên đến việc trở thành thành viên đầy đủ của EU là một chặng đường dài với quá nhiều bất trắc, có thể sẽ chẳng bao giờ đến đích.

Một ví dụ điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO và là đồng minh quan trọng của phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ đã đệ đơn xin gia nhập EU từ cách đây 35 năm (1987), được EU trao tư cách ứng cử viên cách đây 23 năm (1999), đã chính thức tiến hành các đàm phán gia nhập EU từ 17 năm trước (2005) nhưng cho đến nay vẫn không biết khi nào mới có thể được chấp nhận vào gia đình Liên minh châu Âu. Do đó, một hành động mang tính biểu tượng là tư cách ứng cử viên gia nhập EU của Ukraine cũng không phải là sự kiện quá quan trọng. Tất nhiên, về phía EU và chính quyền Ukraine thì các tuyên bố đưa ra đều cho rằng việc Ukraine được trao tư cách ứng cử viên là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga, rằng các hành động quân sự của Nga không thể ngăn cản mong muốn ngả hẳn về phương Tây của Ukraine.

Sự kiện này cũng khó có tác động lớn đến việc tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, thậm chí có thể đẩy cuộc chiến leo thang trầm trọng hơn. Cách đây vài tuần, một số nước như Đức, Pháp, Italy vẫn tỏ ra thận trọng, thể hiện công khai một số bất đồng quan điểm với Ukraine và muốn tìm kiếm đối thoại với Nga để chấm dứt cuộc chiến.

Tuy nhiên, sau chuyến đi đến Kiev của lãnh đạo 3 nước Đức, Pháp, Italy vào tuần trước, dường như 3 cường quốc kinh tế lớn nhất EU đã thay đổi chiến lược, thể hiện sự ủng hộ lớn hơn với Ukraine bằng việc chấp nhận trao cho Ukraine ngay lập tức tư cách ứng cử viên, đồng thời đưa ra các tuyên bố và hành động cứng rắn hơn với Nga. Đang có một xu hướng gia tăng đối đầu với Nga từ phía các nước châu Âu nên tất cả sẽ được định đoạt trên chiến trường còn hiện tại, các ý định tìm kiếm giải pháp ngoại giao đều đang rơi vào ngõ cụt. Nhìn chung, chỉ có một điều chắc chắn là cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài hơn, hậu quả sẽ còn tàn khốc hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại