Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hóa đơn phân bón của nông dân nước này sẽ tăng 12% trong năm 2022. Ảnh: qq.com
Hãng tin Bloomberg ngày 14/6 đưa tin, theo tiết lộ của những người trong cuộc, chính phủ Mỹ đang âm thầm khuyến khích các công ty nông nghiệp và công ty vận chuyển hàng hóa mua và vận chuyển nhiều phân hóa học của Nga hơn, do lo ngại về các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này khiến cho nguồn cung phân hóa học của Nga giảm mạnh, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Mỹ âm thầm khuyến khích mua phân hóa học của Nga
Theo Bloomberg, Nga là nhà cung cấp phân hóa học lớn trên thế giới, nhưng xuất khẩu phân bón của Nga đã giảm 24% trong năm nay. Tuy vậy, các quan chức Mỹ dường như đang mâu thuẫn với chính mình khi tìm cách thúc đẩy xuất khẩu phân bón của Nga.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã bổ sung các điều khoản miễn trừ vào các lệnh trừng phạt thương mại của họ nhằm vào Nga, cho phép buôn bán phân hóa học. Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp, ngân hàng và công ty bảo hiểm đều tránh xa các giao dịch như vậy vì sợ vô tình vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Một nguồn tin giấu tên cho biết, Mỹ đã cử đại diện đến Moscow đàm phán vào đầu tháng 6. Cuộc đàm phán này do Liên Hợp Quốc chủ trì, tập trung giải quyết vấn đề tắc nghẽn nguồn cung.
Theo Blomberg, Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra bình luận về việc này.
Trong bối cảnh đó, Điện Kremlin đã kêu gọi Mỹ đảm bảo với những người mua phân hóa học và ngũ cốc rằng họ sẽ không bị trừng phạt.
Ivan Timofeev - một chuyên gia về các lệnh trừng phạt tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga - cho biết: "Điều rất quan trọng đối với Nga là các nhà chức trách Mỹ phải gửi một tín hiệu rõ ràng rằng, các giao dịch này là được phép, vì lợi ích của an ninh lương thực toàn cầu. Họ không nên từ chối thực hiện các giao dịch này."
Xung đột và trừng phạt ảnh hưởng kinh tế toàn cầu
Bloomberg cho biết, động thái của Mỹ cho thấy thách thức mà Washington và các đồng minh đang đối mặt khi họ cố gắng gây sức ép với Tổng thống Vladimir Putin về hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhưng cũng cần giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế toàn cầu.
Từ khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, đến phân hóa học và ngũ cốc, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp hàng hóa của Nga. Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2, giá của tất cả các mặt hàng này đã tăng vọt.
Phía Nga cũng thể hiện sự lo ngại về các lệnh trừng phạt sẽ cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này; mặc dù xuất khẩu lúa mì đã tăng gấp đôi trong tháng 5, nhưng tổng lượng hàng xuất khẩu của Nga lại giảm 14% trong quý này.
Bên cạnh đó, hơn 25 triệu tấn ngũ cốc, dầu hướng dương và các mặt hàng khác đang bị mắc kẹt ở Ukraine do lo ngại về vấn đề an ninh đối với các cảng Biển Đen và các tuyến đường vận chuyển. Có những cảnh báo rằng, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi vụ thu hoạch mới bắt đầu.
Ngoài ra, do các khổ đường sắt khác nhau và nhiều vấn đề hậu cần khác, nỗ lực vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine đến châu Âu bằng đường sắt chỉ đạt được một số thành công hạn chế.
Ngày 9/6, James O'Brien - Người đứng đầu Văn phòng Điều phối Các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết tại một cuộc họp báo rằng, Mỹ đang làm việc với các đối tác để "đưa một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Ukraine ra nước ngoài mỗi tháng", nhưng điều này đòi hỏi thời gian, "vì vậy chúng tôi đang đối mặt với tình cảnh thiếu hụt nguồn cung rất lớn".
Nông dân Mỹ chuyển hướng sang phân chuồng
Gennady Onishchenko - Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga - tin rằng, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực và việc không thể hợp tác cởi mở với Nga do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, Mỹ phải tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. Tại Mỹ, tỷ trọng phân hóa học của Nga trong tổng nhập khẩu là: kali 6%, diammonium phosphate 20% và ure 13%.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hóa đơn phân bón của nông dân nước này sẽ tăng 12% trong năm 2022. Giá phân hóa học tại Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2021. Điều này đặc biệt gây khó khăn đối với những nông dân trồng ngô, vì hoạt động này chiếm một nửa lượng phân đạm được sử dụng ở Mỹ.
Hiệp hội những người trồng ngô quốc gia Mỹ dự báo rằng, trong năm 2022, các thành viên của hiệp hội sẽ chi tiêu nhiều hơn 80% cho phân bón so với năm 2021, chi phí bình quân cho mỗi trang trại sẽ tăng thêm 128.000 USD.
Do khủng hoảng phân hóa học, nông dân Mỹ bắt đầu chuyển sự quan tâm sang phân chuồng. Hiện nay, nhiều nông dân đã đổ xô đi mua phân chuồng về bón, và nguồn cung thậm chí còn thiếu hụt.
Phân chuồng trở thành "mặt hàng hot" tại Mỹ do thiếu phân hóa học. Ảnh: huanqiu.com
Hãng tin Reuters cho biết, giá phân chuồng tại Mỹ đã tăng do nhu cầu thị trường tăng cao, tạo cơ hội làm giàu cho các nông dân chăn nuôi gia súc và nông trường nuôi bò sữa của Mỹ, cũng như các công ty sản xuất thiết bị rải phân.
Abe Sandquist - người sáng lập công ty quản lý dinh dưỡng Natural Fertilizer Services có trụ sở tại Iowa (Mỹ) - cho biết, gần đây đã có rất nhiều nông dân hỏi ý kiến ông về phân chuồng.
Smithfield Foods - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới - cũng đã nhận thấy sự thay đổi. Jim Monroe - phát ngôn viên của công ty cho biết: "Khi giá phân hóa học tăng lên, chúng ta chắc chắn sẽ thấy nông dân chuyển sang dùng phân chuồng".
Tờ The American Conservative đưa tin, Tổng thống Joe Biden gần đây đã tuyên bố sẽ phân bổ 250 triệu USD để kích thích thị trường phân bón trong nước, nhưng khoản hỗ trợ này khó có thể mang lại kết quả ngay lập tức.
Theo Veronica Nye - một chuyên gia kinh tế nông nghiệp người Mỹ, hóa chất và phân bón chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi tiêu trang trại, chiếm khoảng 18% tổng ngân sách bình quân của một trang trại.