Tình thế trớ trêu ở Trung Đông: "Nước Mỹ trước tiên" của Trump cản bước chân Washington

Linh Nguyễn |

Trong bối cảnh chiến dịch đẩy lùi IS đạt được những kết quả rõ rệt, việc Mỹ sẽ giải bài toán ngoại giao hóc búa tại Trung Đông như thế nào đang là vấn đề đáng quan tâm.

Quan điểm đối nghịch

Theo Washington Post, trước khi Tổng thống Donald Trump phát biểu lần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ vào 1/3, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster đã trình lên một số đề xuất chỉnh sửa bài diễn văn.

Một quan chức cấp cao ẩn danh tiết lộ, McMaster muốn Trump miêu tả cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Qaeda là cuộc chiến toàn cầu, kéo dài nhiều thế hệ, và Mỹ sẽ tham chiến cùng các đồng minh Hồi giáo. Vị cố vấn còn khuyên Trump gạch bỏ cụm từ "khủng bố Hồi giáo cực đoan" khỏi bài diễn văn.

Thế nhưng, như toàn thế giới đã được chứng kiến, không có đề xuất nào của McMaster được Tổng thống nghe theo.

Trong vô số bài phát biểu và ngay cả bản kế hoạch ngân sách được công bố hôm thứ Năm (16/3), Trump luôn nhấn mạnh "Nước Mỹ trước tiên" - gia tăng sức mạnh quân sự Mỹ, siết chặt an ninh biên giới và thẳng tay cắt giảm viện trợ nước ngoài.

Tình thế trớ trêu ở Trung Đông: Nước Mỹ trước tiên của Trump cản bước chân Washington - Ảnh 1.

Cố vấn an ninh H.R. McMaster và Trump tại Mar-a-Lago ngày ông McMaster được bổ nhiệm. Ảnh: Reuters

Với nhiều người trong Nhà Trắng, quyết định bỏ ngoài tai lời khuyên từ cố vấn an ninh của Trump chứng tỏ ông McMaster không hiểu ý nghĩa thực sự của "Nước Mỹ trước tiên". Các quan điểm của ông McMaster thường tương đồng với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay: "Mattis và McMaster coi IS là vấn nạn toàn cầu. Họ coi đây là cuộc chiến 20 năm. Ngài Tổng thống lại không nghĩ như vậy. Trump chỉ tập trung vào mối đe dọa trong tương lai gần tại Iraq và Syria."

Theo Washington Post, những luồng suy nghĩ trái chiều này đang đặt ra dấu hỏi lớn về trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trump.

"Leo thang để giảng hòa"?

Trong buổi họp báo đầu tiên với tư cách Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson lý giải quyết định cắt giảm ngân sách Bộ Ngoại giao và viện trợ nước ngoài lớn nhất trong lịch sử của Trump rằng "chính quyền đương nhiệm tin rằng, trong tương lai, Mỹ sẽ giảm dần tần suất can thiệp trực tiếp vào xung đột quân sự của nước khác."

Alex Gallo, cộng sự cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định, cách tiếp cận này có thể hé lộ chiến lược "leo thang để giảng hòa".

"Trump muốn cứng rắn với một số khu vực không thiện chí hoặc không muốn đàm phán để bắt buộc họ phải thỏa hiệp," ông nói.

Theo Washington Post, đây là chiến lược kinh doanh của Trump suốt nhiều thập kỷ - đối đầu với đối thủ một cách công khai và dữ dội nhằm chiếm thế thượng phong trước khi tiến hành thỏa thuận.

Tuy nhiên, hồi tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster đã lựa chọn Nadia Schadlow vào vị trí phó trợ lý Tổng thống và thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia chuyên trách soạn thảo chiến lược an ninh.

Schadlow lại là người ủng hộ cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược với Trump. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt chính trị của các hoạt động quân sự Mỹ, và phản đối việc rút quân quá khẩn trương hậu can thiệp.

Bà Schadlow cho rằng, Mỹ luôn mắc phải sai lầm khi chỉ tập trung vào hoạt động quân sự, rút lui quá nhanh sau khi hoàn thành nghĩa vụ "can thiệp", và phớt lờ việc phát triển chính trị hậu chiến tranh.

Phó trợ lý Tổng thống ủng hộ việc duy trì sự quan tâm của Mỹ kể cả sau khi bom ngừng rơi, nếu không thì "chính sách đối ngoại của Mỹ chắc chắn sẽ lâm vào thế bị động."

Theo Washington Post, Nhà Trắng từ chối bình luận về việc liệu quan điểm của bà Schadlow sẽ kết hợp ra sao với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump và những người ủng hộ ông.

Nếu Trump thực sự theo đuổi chiến lược "leo thang để giảng hòa", cái kết có hậu dường như xa vời. Lịch sử đã chứng minh rằng, nếu Mỹ không tích cực và liên tục duy trì ổn định và trật tự ở nước ngoài, thế giới trở thành một nơi nguy hiểm, hỗn loạn và tăm tối hơn, Washington Post nhận định.

Cán cân ảnh hưởng tại Trung Đông

Khi còn tranh cử, Trump chỉ trích các nỗ lực của Mỹ tại Iraq và Afghanistan là "thất bại toàn tập". Nhưng chính ông chủ Nhà Trắng cũng đổ lỗi cho chính quyền Obama vì đã rút quân khỏi Iraq năm 2011, và không có động thái giảm số lượng 8.000 quân đang đóng tại Afghanistan.

Washington Post nhận định, dường như Mỹ đang dành nhiều sự chú ý cho các nước đồng minh Ả-rập vùng Vịnh, sau loạt động thái thắt chặt tình hữu nghị và quan hệ ngoại giao với các quốc gia trước kia cảm thấy bị chính quyền Obama phớt lờ.

Tình thế trớ trêu ở Trung Đông: Nước Mỹ trước tiên của Trump cản bước chân Washington - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Phó vương kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Mohammed bin Salman hôm 14/3. (Ảnh: Reuters)

Có vẻ những ngày cựu Tổng thống Obama lên án đồng minh Ả-rập về nhân quyền, hay yêu cầu chia sẻ khu vực với Iran, đã trôi vào dĩ vãng. Ngoại trưởng một nước Ả-rập vùng Vịnh từng bày tỏ cảm xúc tốt về Trump khi nói với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: "Ông ấy không thích Iran. Ông ấy muốn hợp tác, và không lên mặt dạy chúng tôi cách làm ăn trên đất đai của chúng tôi."

Trong thời gian tới, một câu hỏi lớn đặt ra sẽ là liệu chính sách "Nước Mỹ trước tiên" sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mức độ can thiệp của Mỹ đối với các đồng minh mới. Hiện tại, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đang tập trung thắt chặt quan hệ với Ả-rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) để giảm tầm ảnh hưởng của Iran tại Yemen.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Nhà Trắng đã cảnh báo rằng chính sách khiêm tốn nêu trên sẽ không đủ sức mạnh cân bằng lại mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran tại Syria và Iraq. Giới chức Mỹ thậm chí còn thúc đẩy quan điểm đối đầu với Iran tại hai nước này, ngay cả khi Mỹ và đồng minh vẫn đang chiến đấu với IS.

"Chắc chắn là trong Hội đồng An ninh Quốc gia có một số quan chức cho rằng, chiến dịch đẩy lùi IS lại đang giúp biến Iraq thành vùng an toàn có lợi cho Iran," một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, tuy nhiên vị này nhấn mạnh rằng Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson không có quan điểm trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại