Chấp nhận tổn thất sinh mạng để cố giữ Bakhmut bằng mọi giá
Trận chiến Bakhmut là một trong các trận đánh dài nhất, đẫm máu trong xung đột Nga - Ukraine. Sau 10 tháng, lực lượng Ukraine tại đây hiện chỉ còn bảo vệ một khu nhỏ đổ nát ở góc phía Tây của thành phố.
Lính Ukraine lái xe bọc thép ở khu vực Tây Bakhmut. Ảnh: New York Times.
Những người lính Ukraine đang cố gắng tử thủ tại đây dù rằng các đồng minh của Ukraine thời gian qua đã lặng lẽ nghi ngờ tính hợp lý trong lựa chọn của Ukraine tiến hành cận chiến qua từng ngôi nhà và hứng chịu thương vong lớn ở một thành phố đã hoang tàn đổ nát do pháo đạn.
Bakhmut đã trở thành nơi diễn ra tác chiến đô thị ác liệt nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II. Một chuyến thăm của phóng viên phương Tây tới đây trong tuần này cộng với các cuộc phỏng vấn với binh sĩ, chỉ huy Ukraine cho thấy Ukraine đã mất thế đứng trong thành phố, mặc dù họ vẫn kiểm soát được một con đường tiếp tế.
Theo đánh giá của Kiev, việc cố thủ trong điều kiện khắc nghiệt ở Bakhmut là một điều bắt buộc chiến lược, nhằm khiến quân Nga bị sa lầy trong khi Ukraine có thể tái vũ trang và tái huấn luyện quân đội của họ cho cuộc phản công sắp tới.
Đại tá Pavlo Palisa - chỉ huy lữ đoàn cơ giới 93 - đơn vị Ukraine nắm giữ hầu hết tiền tuyến đô thị trong giao tranh ở Bakhmut, nói: “Đây là một trận chiến thực sự gian nan”. Viên đại tá trả lời phỏng vấn của phóng viên New York Times tại một boong-ke trong tuần này, trong lúc các binh sĩ khác mang súng tiểu liên và súng phóng lựu đi vào đi ra.
Thiếu đạn và phải chạy vội xuống hầm để tránh hỏa lực đối phương
Palisa nói: “Chúng tôi đang giúp các đơn vị khác có thêm thời gian, để tiếp nhận đạn dược, vũ khí và chuẩn bị cho phản công”.
Theo Pavlo Palisa, các binh sĩ Ukraine ở bên trong và xung quanh Bakhmut cũng thỉnh thoảng thiếu thốn đạn dược.
Đại tá Palisa nhận định, vấn đề không phải là các nút cổ chai trong tuyến đường tiếp tế dẫn vào trong thành phố, mà là tình trạng thiếu thốn nói chung trong các nhà kho của quân đội Ukraine. Các đơn vị của ông này thiếu các loại đạn, bao gồm đạn pháo, đạn xe tăng và đạn chống tăng.
Viên đại tá này bày tỏ đau xót trước việc nhiều lính Ukraine tử trận do thiếu đạn. Tiện thể, ông hối thúc các đồng minh của Ukraine phải đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí cho họ.
Một vị thứ trưởng quốc phòng của Ukraine đã so sánh Bakhmut với Aleppo - một thành phố bị tàn phá trong Nội chiến Syria.
Để tới được một ổ đề kháng nhỏ mà Ukraine vẫn kiểm soát, các binh sĩ Ukraine ngồi trong xe thiết giáp lao nhanh dọc theo một con đường độc đạo nhỏ hẹp, đi qua những cỗ xe quân sự khác đã cháy nổ.
Khi tới nơi, chiếc xe thiết giáp dừng lại, các binh sĩ khẩn trương nhảy ra ngoài và chạy thật nhanh xuống hầm, hạn chế tối đa thời gian lộ diện bên trên mặt đất.
Vẻ tĩnh mịch của thành phố cứ vài giây lại bị phá vỡ bởi tiếng nổ bùm hoặc tiếng súng liên thanh vang lên, đến từ 3 hướng là phía Bắc, phía Đông và phía Nam, chỉ cách đó vài trăm mét.
Cận chiến nghẹt thở
Ukraine đang theo đuổi một chiến lược cố thủ đắt giá. Quân đội Ukraine tiếp tục triển khai các đơn vị nhỏ tham gia cận chiến đô thị trong điều kiện kham khổ, trong khi hàng ngàn lính khác bảo vệ tuyến tiếp tế.
Binh lính Ukraine kể với phóng viên về các cuộc giao chiến bên trong các tòa nhà bỏ hoang, trong các tầng hầm và các chiến hào cắt qua công viên, trong lúc liên tục bị oanh tạc. Hai bên cận kề nhau tới mức lính Ukraine có thể nghe thấy tiếng quân Nga nói chuyện ở các tòa nhà gần đó.
Đại tá Palisa kể: Có lần quân Nga sử dụng xe tăng để bắn thủng một lỗ trên tường một tòa chung cư do phía Ukraine kiểm soát. Lính Nga sau đó trèo qua lỗ thủng đó vào tòa chung cư và đánh nhau với lính Ukraine từ phòng này qua phòng khác. “Một phần chung cư do đối phương nắm giữ, một phần do chúng tôi kiểm soát”.
Theo Palisa, binh sĩ thuộc lữ đoàn 93 (Ukraine) tham gia khoảng 15 trận đấu súng cự ly gần mỗi ngày.
Quân Nga đã sử dụng cả lính dù và lính đặc nhiệm Spetsnaz trong trận chiến ở Bakhmut .
Nhìn chung cận chiến đường phố mang lại lợi thế cho Ukraine. Mê cung đổ nát với nhiều nơi ẩn náu khiến bên mạnh hơn khó phát huy thế mạnh của mình (như trọng pháo) và phải giao chiến trên cơ sở tương đối ngang hàng với đối phương.
John Spencer - Chủ tịch mảng nghiên cứu tác chiến đô thị tại Viện Chiến tranh hiện đại ở West Point (Mỹ) nói: Trong bối cảnh này, bạn có thể lấy đi lợi thế tầm xa mà bên tấn công muốn sở hữu. Theo nghĩa này, tác chiến đô thị giúp cân bằng thế lực của đôi bên.
Trong tác chiến đô thị, bên tấn công thường triển khai chiến lược bao vây để gây đói khát cho lực lượng bảo vệ đạn dược, như Hồng quân Liên Xô từng làm trong trận Stalingrad - trận chiến đô thị lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, Ukraine đã tăng cường hoạt động tiếp tế bằng việc bảo vệ tuyến đường tiếp cận./.