"Đâm sau lưng" đồng minh ở Syria, bắt tay với Thổ để đối đầu Iran: Mỹ đã sai càng thêm sai

Hoài Giang |

Cùng thời điểm Mỹ đang đối mặt với một "Iran hung hăng hơn" ở Iraq, bằng cách không kích giết hại các tay súng Hezbollah ở Syria hôm 28/2, Thổ đã mở ra "cơ hội hợp tác bất ngờ".

Mới đây, trang War on the Rock đăng tải bài viết nhan đề "Strategic Fail: Partnering with Turkey to counter Iran would misread the region" (tạm dịch: Thất bại chiến lược: Hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chống lại Iran là hiểu sai hoàn toàn về khu vực) của tác giả Blaise Misztal.

Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều liên quan tới quan điểm của người Mỹ về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục tăng cao giữa Mỹ và Iran, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Thổ sẽ là "người lính xung kích" của Mỹ chống Iran?

Trước việc các nhóm dân quân đồng minh của Iran ở Iraq gia tăng các hoạt động gây hấn với lực lượng Mỹ cũng như việc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) "quấy rối" Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư - Các hành động phản ứng của Mỹ đang cho thấy sự thiếu nhất quán.

Nhiều nguồn tin cho rằng các quan chức Mỹ đang bị chia rẽ giữa hai phương án là trả đũa trực tiếp vào Iran hay các hoạt động quân sự hạn chế hơn nhằm vào dân quân Iraq.

Nhưng chính quyền Mỹ vẫn còn một phương án thứ ba mà họ đã chuẩn bị trong 2 năm qua đang đó là biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một "người lính xung kích" nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Mặc dù tại Washington, sự tin tưởng vào một mối quan hệ "đối tác" như trên là rất thấp nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tích cực tìm cách khôi phục quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Trump vẫn tiếp tục tỏ ra "thân thiện" với người đồng cấp Thổ Erdogan sau những bất đồng liên quan tới hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu F-35 trước đây.

Vào ngày 27/2/2020, một cuộc không kích đã khiến 33 lính Thổ thiệt mạng ở Idlib, ông Erdogan tuyên bố rằng sẽ trả đũa và yêu cầu (chính xác hơn là tống tiền) các đồng minh NATO hỗ trợ.

Washington đã bắt đầu thể hiện rằng họ "có hứng thú" trong việc để giúp Thổ thoát khỏi cuộc khủng hoảng Syria mà được cho là do chính họ tạo ra và hàn gắn quan hệ hai nước.

Điều thú vị nhất là bằng cách không kích giết hại các tay súng Hezbollah ở Syria hôm 28/2, đúng vào thời điểm Mỹ đang đối mặt với một "Iran hung hăng hơn" ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra "cơ hội hợp tác bất ngờ".

Washington đã hứa hẹn sẽ cung cấp cho Ankara trang bị và đạn dược để sử dụng ở Idlib. Đối với kế hoạch đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến tuyến chống Iran, có lẽ đây được đánh giá là một "cơ hội trời cho".

Đột nhiên, cả hai nước đều thấy có những lý do của riêng mình để hợp tác chống lại Iran gặp nhau ở một điểm.

Đâm sau lưng đồng minh ở Syria, bắt tay với Thổ để đối đầu Iran: Mỹ đã sai càng thêm sai - Ảnh 1.

Lính Mỹ và lính Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc tuần tra chung ở miền bắc Syria.

Gỡ "nút thắt" này, Mỹ sẽ lôi kéo được Thổ Nhĩ Kỳ?

Đối phó với Iran ở Trung Đông là một chiến lược dài hơi, được người Mỹ thể hiện rõ ràng trong việc không chịu rút quân khỏi Iraq. Tuy vậy, có rất ít bằng chứng cho thấy Washington đang thực sự đẩy lùi tham vọng của Iran trong khu vực về mặt quân sự.

Vào ngày 2/1/2020, vụ ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani cùng với các thành viên cấp cao của Lực lượng Huy động Nhân dân (PMU) Iraq của Mỹ được đánh giá là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên nhằm vào Iran.

Tuy nhiên, những cuộc tập kích bằng tên lửa, rocket của Iran và dân quân Iraq vào căn cứ Mỹ sau vụ việc đã chứng minh rằng mặc dù chính quyền Mỹ quyết tâm trả đũa Iran, nhưng họ đang mắc kẹt trong các tranh cãi liên quan tới cách thức tiến hành hoạt động đối phó.

Theo nhiều báo cáo, các quan chức Mỹ đã bị chia rẽ trong việc hoạch định chính sách liên quan tới Syria.

Họ đã không thể thu hút sự chú ý của ông Trump trong ít nhất là hai kế hoạch bao gồm việc "gieo trái độc" chống Iran trước khi rút quân hoàn toàn khỏi Syria hay lật đổ chính phủ Damascus để duy trì lực lượng Mỹ ở nước này.

Một nhóm quan chức đã bị ám ảnh rằng việc chống phá Iran sẽ phải có lực lượng trên mặt đất và phe "diều hâu" này đã cực lực phản đối việc rút quân khỏi Syria do lo ngại lực lượng người Kurd không phải là đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống Iran.

Tệ hơn nữa, sự hợp tác giữa Mỹ và người Kurd có thể là trở ngại lớn đối với "cuộc chơi" của Washington ở Trung Đông và quan hệ đối tác trong khu vực nhằm chống lại Iran. Với những tiếp xúc giữa người Kurd và Damascus, lo lắng này rõ ràng không phải là không có cơ sở.

Việc giảm thiểu ảnh hưởng của Iran rõ ràng đòi hỏi một đối tác đáng tin cậy về cả quân sự lẫn chính trị trong khu vực và quốc gia phù hợp với yêu cầu này (theo Washington) ngoài Israel chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 12/2018, Đặc phát viên của Mỹ về Syria ông Jeff Jeffrey đã tuyên bố rằng "Chúng tôi muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong tất cả các vấn đề của Syria". Cuối năm 2019, quyết định rút quân khỏi đông bắc Syria cuối năm 2019 của Mỹ đã tạo ra cơ hội theo đuổi sự hợp tác đó.

Theo chuyên gia Michael Doran, những lời kêu gọi như trên vẫn là chưa đủ, người Mỹ cần phải hiểu các mục tiêu chiến lược trong khu vực của Ankara.

Nhiều nhà phê bình đã nhận xét rằng chính sách của Mỹ ở Syria trong nhiều năm qua đã bỏ qua các mối quan tâm an ninh của đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo quan điểm này, chấm dứt quan hệ giữa Mỹ với người Kurd sẽ sửa chữa những sai lầm trước đây và là "nút thắt" khôi phục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là về vấn đề đối phó với Iran.

Các tiền đồn của Mỹ tại Tal Abyad và Ras-Al-Ain bị bỏ hoang cuối năm 2019. Phát ngôn viên của SDF bình luận: "Mỹ đã đâm sau lưng chúng tôi với quyết định rút quân".

Sai lầm của Washington

Mặc dù Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) đã tham gia các hoạt động chung của NATO ở Balkan và Afghanistan, nhưng trong lịch sử họ chưa từng hoạt động cùng với các đồng minh phương Tây ở Trung Đông.

Sự phụ thuộc vào phiến quân trong các hoạt động xuyên biên giới ở Syria hay việc không vận phiến quân Syria tới Libya của TAF cho thấy cách thức tiến hành chiến tranh theo phong cách "ủy nhiệm" tương tự Iran.

Nó phản ánh năng lực của TAF đã bị suy giảm đáng kể sau các cuộc thanh trừng nội bộ trong quá khứ.

Ngoài ra, trong khi Mỹ chủ yếu tập trung vào đối đầu với Iran ở Iraq, TAF chỉ hoạt động trong một phần nhỏ của Syria và hạn chế về địa lý này sẽ là trở ngại không nhỏ trong việc biến Thổ Nhĩ Kỳ thành một đối tác chống Iran.

Mặc dù Ankara đã chứng minh rằng họ sẵn sàng và có thể tấn công lực lượng Iran ở Syria, nhưng các hoạt động "rời rạc" này khó có khả năng thay đổi cán cân quân sự thực tế nghiêng về phía Nga-Iran.

Máy bay Nga đang thống trị bầu trời Syria, hay nói cách khác dù Ankara có cố gắng chống lại Iran tới đâu, họ vẫn phải có được "đèn xanh" của Moscow. Người Nga sẽ không đời nào ủng hộ một cuộc tấn công mở của TAF vào các vùng đất do đồng minh Damascus của họ kiểm soát.

Hoạt động của TAF ở Iraq cũng bị giới hạn trong một khu vực nhỏ ở miền bắc nước này và nhóm quân này sẽ không đủ lực lượng cũng như trang thiết bị để đối đầu với các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn.

Hơn nữa, việc Thổ tiến hành hoạt động quân sự ở Iraq sẽ đào thêm hố sâu ngăn cách giữa Mỹ và người Kurd (cả ở Syria lẫn Iraq) và nhanh chóng đẩy họ vào tay Nga hoặc Iran.

Rõ ràng lựa chọn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Mỹ thoát khỏi tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" để vừa trả đũa Iran, vừa bảo đảm an toàn cho "tài sản" và binh lính Mỹ ở Trung Đông, nhưng cách làm này cuối cùng vẫn chưa phải là một chiến lược đúng đắn.

Một chiến dịch chung Mỹ-Thổ chống lại Iran là hợp lý ở thời điểm hiện tại, nhưng cuối cùng nó vẫn sẽ không hiệu quả và có thể phản tác dụng do sự "thiếu hiểu biết" của Mỹ về Trung Đông trong bối cảnh chiến lược của các bên trong khu vực đang thay đổi một cách đáng kể.

Đâm sau lưng đồng minh ở Syria, bắt tay với Thổ để đối đầu Iran: Mỹ đã sai càng thêm sai - Ảnh 5.

Ngoài miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ không có khả năng tham chiến ở những khu vực sâu trong lãnh thổ Syria và Iraq.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại