Thế nhưng, rốt cuộc ông ta không "giao hàng" đúng hợp đồng, mà lại giao những dữ liệu liên quan đến Tổng thống Donald Trump.
Một người Nga bí ẩn
Theo New York Times, cuộc giao dịch diễn ra trong nhiều tháng, từ tháng 4-2017 đến khoảng đầu năm 2018. Giới chức tình báo có liên quan khẳng định, mục đích cuối cùng của cuộc giao dịch là nhằm thu hồi các vũ khí mạng của NSA và CIA bị tin tặc Nga đột nhập lấy cắp.
Cả hai cơ quan tình báo hàng đầu nước Mỹ này rất cần thu hồi các vũ khí mạng ấy vì họ đã tốn rất nhiều công sức tạo ra chúng nhằm mục đích sử dụng để đột nhập vào mạng máy tính của các quốc gia đối đầu như Nga và Trung Quốc,…
Tuy nhiên, cuộc giao dịch đã đổ vỡ vào phút chót vì NSA và CIA đã không thể có được thứ mình muốn, và e ngại bị dẫn dắt vào một cuộc chơi nguy hiểm do tình báo Nga dàn dựng.
Các quan chức tình báo Mỹ không trực tiếp thực hiện cuộc giao dịch này, mà thông qua trung gian là một doanh nhân người Mỹ đang làm ăn tại Đức. Phía "người Nga" cũng không ra mặt giao dịch ngay từ đầu.
Theo tường thuật của các quan chức tình báo Mỹ, đối tượng mà họ giao dịch ban đầu là một tin tặc có tên gọi tắt là Carlo. Cuộc gặp đầu tiên với Carlo diễn ra tại Vienna.
Khoảng đầu năm 2017, Carlo đưa ra đề nghị sẽ cung cấp cho tình báo Mỹ toàn bộ các vũ khí mạng bị lấy cắp hiện đang nằm trong tay nhóm tin tặc Shadow Brokers và danh tính những người chung mạng lưới với anh ta. Đổi lại, anh ta chỉ muốn được miễn truy tố ở Mỹ.
Nhưng thỏa thuận miễn truy tố không thành, vì thế các quan chức tình báo Mỹ chuyển sang "bài tủ": mua lại dữ liệu. Đến lúc này thì "người Nga" xuất hiện, bảo các quan chức tình báo Mỹ rằng mình có thể giải quyết yêu cầu của họ.
Cũng như Carlo, "người Nga" này trước đây từng nhiều lần giao dịch với các điệp viên Mỹ, đóng vai trò là một trung gian trong giao dịch với Cục An ninh Liên bang Nga (FSB).
Ông ta khoe mình có thể tiếp cận kho dữ liệu khổng lồ chứa đủ thứ dữ liệu mật, từ mã nguồn máy tính cho đến các vũ khí mạng của NSA và CIA bị đánh cắp, kể cả một đoạn video mà ông ta cho là ghi hình ảnh ông Trump đến Moscow vào năm 2013.
Trước khi tiến hành giao dịch, các quan chức tình báo Mỹ đã theo dõi mọi hoạt động của "người Nga" tại châu Âu, nắm rõ lịch bay của ông ta từ quê nhà ở St. Petersburg đến Berlin và ngược lại.
Điều tra về lai lịch quá khứ của "người Nga", tình báo Mỹ biết được rằng ông ta có mối quan hệ trực tiếp với cựu Giám đốc FSB Nikolai Patrushev, và họ cũng biết ông ta trước đây từng làm công việc vận chuyển đá quý trái phép cho một tỉ phú Nga.
Đến tháng 4-2017, có vẻ như hai bên đang sắp đạt được thỏa thuận mua bán. Một số điệp viên CIA từ Tổng hành dinh đã đến Đức để hỗ trợ Trạm CIA tại Berlin tiến hành phi vụ này.
Thỏa thuận mua bán được giao kèo, tình báo Mỹ phải trả số tiền tổng cộng 1 triệu USD, "người Nga" sẽ cung cấp tất cả các dữ liệu mật. Tại một quán bar nhỏ ở trung tâm Tây Berlin cũ, "người Nga" trao cho trung gian là doanh nhân người Mỹ một thiết bị lưu trữ di động chứa một số dữ liệu làm "hàng mẫu" giao dịch.
Phải chăng đó chỉ là một quân cờ gây nhiễu loạn?
Tuy nhiên, vài ngày sau chuyến giao nhận hàng đầu tiên, cuộc giao dịch bỗng trở nên "có vấn đề". Tình báo Mỹ xác định dữ liệu đã giao đích thực là dữ liệu từ nhóm Shadow Brokers, nhưng đó đều là các tài liệu đã được công bố công khai trên truyền thông.
Kết quả là CIA quyết định sẽ không trả tiền cho mẻ hàng mẫu đầu tiên này. "Người Nga" nổi giận vì không được trả tiền. Tuy vậy, hai bên quyết định tiếp tục giao dịch, và cuộc thương lượng kéo dài cho đến tháng 9, hai bên quyết định thử lại lần nữa.
Cuối tháng 9-2017, doanh nhân người Mỹ đã đóng gói 100.000 USD trong một chiếc vali cài khóa và giao cho "người Nga" tại một phòng nghỉ khách sạn hạng sang ở Berlin. Đây là khoản tiền đầu tiên trong tổng số 1 triệu USD mà các cơ quan tình báo Mỹ hứa sẽ trả nếu "người Nga" giao đầy đủ dữ liệu kỹ thuật số theo yêu cầu của NSA và CIA.
Giao tiền xong nhưng vẫn chưa nhận được "hàng", NSA và CIA bắt đầu sốt ruột với trò mèo vờn chuột của gã "người Nga". NSA đã dùng mọi phương tiện có được để liên lạc, truy tìm "người Nga" đòi giao hàng.
Cuối cùng, phải mất vài tuần lễ, "người Nga" mới bắt đầu giao dữ liệu. Từ tháng 10 đến tháng 12-2017, "người Nga" đã giao một loạt dữ liệu mà ông ta cho là "dữ liệu mật" lấy từ kho dữ liệu khổng lồ ông ta đã khoe ban đầu.
Thế nhưng, khi mở ra xem, các chuyên gia của NSA và CIA phát hiện hầu như toàn bộ dữ liệu đều liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump với người Nga, hoàn toàn không có các vũ khí mạng mà NSA và CIA mong chờ.
Tháng 12-2017, "người Nga" bảo trung gian người Mỹ rằng ông ta sẽ tiếp tục cung cấp tư liệu về ông Trump nhưng giữ lại các công cụ vũ khí mạng của NSA và CIA "theo lệnh của các sếp tình báo Nga".
Như vậy, giao dịch xem như chấm dứt. Các quan chức tình báo Mỹ đã phát hiện ở "người Nga" có những điểm rất đáng ngờ. Không chỉ giao hàng không đúng theo yêu cầu, chất lượng, độ tin cậy của nội dung cũng không đảm bảo.
Ngoài ra, "người Nga" còn một số biểu hiện khác, như việc ông ta quá nhiệt tình rao bán cái gọi là "dữ liệu về ông Trump", từ đó tình báo Mỹ đã sinh nghi. Hơn nữa, ban đầu ông ta ra giá 10 triệu USD cho toàn bộ lô hàng dữ liệu mật, nhưng sau một thời gian thương lượng, ông ta đã tự động giảm giá xuống còn 1 triệu USD.
Từ đó, độ tin cậy của ông ta cũng giảm đáng kể, và tình báo Mỹ nghi ngờ "người Nga" chính là một "quân cờ" của tình báo Nga tung ra nhằm mục đích gây rối loạn trong nội tình nước Mỹ thông qua những dữ liệu, thông tin ông ta cung cấp.