Những tàu tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới

THÙY LINH |

"Ngày tàn" của các tàu thiết giáp mang pháo đã bắt đầu ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi những con tàu nguy hiểm này không thể sánh bằng các tàu sân bay - "vị vua" mới của đại dương.

Vào thời điểm đó, tưởng chừng như các "sân bay nổi" sẽ chiếm thế thượng phong trong trận chiến trên biển. Tuy nhiên, việc các tên lửa hành trình tầm xa xuất hiện trong kho vũ khí của các cường quốc hàng đầu thế giới đã thay đổi cán cân lực lượng.

Các tàu chiến mang theo hàng chục đơn vị vũ khí mới nhất trên boong đã trở thành nguồn sức mạnh tấn công khủng khiếp của lực lượng Hải quân các nước. Dưới đây là những tàu tuần dương và tàu khu trục mang tên lửa có sức mạnh đáng gờm nhất của các nước trên thế giới vừa được Hãng tin RIA Novosti xướng tên.

Tàu tên lửa được trang bị nhiều vũ khí nhất

Các tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga gia nhập biên chế Hải quân Mỹ từ đầu những năm 1980 và cho đến tận ngày nay vẫn là nguồn sức mạnh tấn công chủ chốt của lực lượng này. Hải quân Mỹ đã đặt đóng 27 chiếc tàu lớp này và hiện có 22 chiếc đang hoạt động.

Với lượng giãn nước 9.800 tấn, tàu tuần dương lớp Ticonderoga được trang bị hệ thống điều khiển chiến đấu Aegis, cho phép tự động hóa hầu hết các hoạt động kỹ thuật trên boong tàu.

Những tàu tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Tàu tuần dương mang tên lửa Shiloh thuộc lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ. Nguồn: U.S.Navy.

Ngoài ra, tàu tuần dương lớp Ticonderoga còn mang theo một khối lượng vũ khí lớn.

"Con át chủ bài" trong nhiệm vụ tấn công của tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga là 122 ống phóng thẳng đứng Mk41 dành cho nhiều loại tên lửa như các loại tên lửa phòng không Standard SM-2, SM-3, SM-6 và ESSM, tên lửa chống ngầm ASROC và tên lửa hành trình Tomahawk. Vũ khí chống hạm là 8 bệ phóng tên lửa Harpoon, còn trang bị về ngư lôi là 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi cỡ 324mm.

Nhiệm vụ phòng không tầm gần do hệ thống phòng không Phalanx đảm nhiệm. Bên cạnh đó, tàu tuần dương lớp Ticonderoga còn được trang bị 2 tổ hợp pháo Mk45 127mm.

Thủy thủ đoàn gồm 387 người, trong đó có 33 sĩ quan. Với tốc độ 30 hải lý/ giờ, tàu tuần dương lớp Ticonderoga có thể di chuyển lên đến 3.300 dặm. Tàu lớp Ticonderoga có thể hoạt động độc lập và cũng là một thành viên trong nhóm tấn công của tàu sân bay, có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển.

Kho đạn trên tàu tuần dương lớp Ticonderoga được bảo vệ bằng tấm thép dày 25mm. Các phần quan trọng trên cấu trúc thượng tầng của tàu lớp này được che chắn bởi các tấm thép tổ ong.

Tàu tên lửa lớn nhất

Nếu không tính đến các tàu sân bay thì tàu tuần dương mang tên lửa hạng nặng Peter Đại đế thuộc Đề án 1144 Orlan của Nga là tàu chiến lớn nhất thế giới hiện nay. Tàu tuần dương Peter Đại đế có lượng giãn nước là 25.800 tấn, chiều dài 250m, chiều rộng tối đa 28,5m, thủy thủ đoàn 760 thành viên.

Những tàu tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Tàu tuần dương mang tên lửa hạng nặng Peter Đại đế thuộc Đề án 1144 Orlan của Hải quân Nga. Nguồn: RIA Novosti.

Tàu tuần dương hạng nặng Peter Đại đế như một pháo đài nổi mang theo vũ khí, có khả năng chiến đấu với bất kỳ kẻ thù nào.

Tàu Peter Đại đế được trang bị 20 bệ phóng tên lửa chống hạm P-700 Granit, tổ hợp tên lửa phòng không Osa-M, Kinzhal và tên lửa tầm xa S-300F, pháo phòng không Kortik và AK-630, ngư lôi chống ngầm Metel và Vodopad, súng cối và pháo 2 nòng tự động AK-130.

Các tàu tuần dương thuộc Đề án 1144 Orlan là những chiếc tàu đầu tiên tiếp nhận tên lửa siêu thanh không bị bất kỳ hệ thống phòng không nào đánh chặn Zircon.

Trong thành phần Hải quân Nga, các tàu Đề án Orlan là những con tàu chiến đấu duy nhất có lò phản ứng nguyên tử (công suất 103 MW), giúp cho tàu có thể hoạt động 60 ngày trên biển và có tốc độ tối đa 30 hải lý. Phạm vi di chuyển của các tàu thuộc Đề án 1144 Orlan không bị giới hạn.

Ngoài ra, các tàu tuần dương có thể hoạt động trong điều kiện ở Bắc Cực, góp phần đảm bảo cho sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực lạnh giá này, nơi được nhiều nhà phân tích coi là vùng đất sẽ xảy ra cuộc chiến giành tài nguyên thiên nhiên trong tương lai gần.

Tàu tên lửa có tốc độ nhanh nhất

Tốc độ di chuyển của hầu hết các tàu nổi có kích thước lớn trên thế giới không vượt quá 30 hải lý ( 55,56 km/giờ). "Kỷ lục gia" về tốc độ là tàu tuần dương mang tên lửa Đề án 1164 Atlant của Nga với lượng giãn nước 11.380 tấn.

Những chiếc tàu tuần dương Đề án 1164 Atlant có khả năng tăng tốc lên đến 35 hải lý nhờ tổ hợp tuabin khí M21 với tổng công suất 110.000 mã lực.

Hiện có 3 chiếc tàu Đề án Atlant nằm trong thành phần Hải quân Nga: tàu tuần dương mang tên lửa Moscow thuộc Hạm đội Biển Đen, tàu tuần dương mang tên lửa Varyag của Hạm đội Thái Bình Dương và tàu tuần dương mang tên lửa Marshal Ustinov thuộc Hạm đội Phương Bắc.

Những tàu tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới - Ảnh 3.

Tàu tuần dương mang tên lửa Moscow thuộc Đề án 1164 Atlant của Hải quân Nga. Nguồn: RIA Novosti.

Đặc tính cơ động và vượt trội về tốc độ không phải là lợi thế duy nhất của tàu tuần dương mang tên lửa Đề án này. Về thành phần vũ khí tấn công, tàu tuần dương Đề án Atlant được trang bị "ngang tài ngang sức" với các tàu tuần dương Đề án Orlan.

Mỗi chiếc tàu tuần dương Đề án Atlant mang theo 16 tên lửa chống tàu siêu thanh P-1000 Vulkan có khả năng tiêu diệt các mục tiêu nổi trên biển ở khoảng cách lên đến 700km với đầu đạn nặng 550kg, có thể đánh chìm cả một tàu sân bay.

Những tàu tên lửa đáng gờm nhất trên thế giới - Ảnh 4.

Tàu khu trục mang tên lửa HMS Diamond Type 45 Daring của Hải quân Anh. Nguồn: MoD/Crown

Làm nhiệm vụ phòng không trên tàu là 8 bệ phóng S-300F gồm 64 quả tên lửa và 2 hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Osa-MA mang theo 40 tên lửa. Tàu tuần dương Đề án Atlant được trang bị tổ hợp pháo 2 nòng AK-130 130mm.

Dù gia nhập biên chế Hải quân Nga đã lâu (chiếc đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1983), các tàu tuần dương Đề án 1164 vẫn là nguồn sức mạnh khủng khiếp đối với lực lượng Hải quân các nước trên thế giới

Tàu tên lửa được bảo vệ nhất

Các tàu khu trục Type 45 Daring là những con tàu tối tân và tiên tiến về công nghệ nhất của Hải quân Anh (ngoại trừ tàu sân bay Queen Elizabeth). Với lượng giãn nước 8.100 tấn, các tàu khu trục này không có vũ khí tấn công chiến thuật trong cấu hình cơ bản.

Nhiệm vụ chính của tàu khu trục Type 45 Daring là bảo vệ các nhóm trên biển của Lực lượng Hải quân Anh trước những mối nguy từ trên không.Mỗi một chiếc tàu lớp Daring (có tất cả 6 con tàu đang hoạt động) mang theo trên boong một hệ thống phòng không với trạm radar S1850.

Hệ thống này đảm bảo cho việc phát hiện các mục tiêu ở khoảng cách lên đến 400km trong bầu khí quyển và có khả năng đồng thời theo dõi tới 1000 mục tiêu.

Radar SAMPSON trên tàu khu trục Type 45 Daring thực hiện nhiệm vụ theo dõi và dẫn đường các tên lửa phòng không. SAMPSON có thể phát hiện tất cả các loại mục tiêu trên không, bao gồm cả mục tiêu tàng hình và tầm bay thấp, trong bán kính lên đến 400km.

Để tiêu diệt tên lửa hành trình, tàu khu trục Type 45 Daring có thể sử dụng 48 quả tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm trung Aster-15 (tầm bắn 30km) và Aster-30 (tầm bắn 120km).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại