"Những tháng ngày rực lửa nhất của chúng tôi"
Hôm qua, trên chuyến xe từ Việt Yên (Bắc Giang) về chỗ nghỉ, hơn 30 tình nguyện viên của Học viện Y dược học cổ truyền Hà Nội, hát vang ca khúc "Mái trường mến yêu". Họ hát để cổ vũ nhau sau một ngày chống dịch.
Trên chuyến xe ‘hạnh phúc’ ấy, những người trẻ không sợ gian khó, đã cùng nhau chia sẻ những điều khiến chúng ta thấy an tâm hơn và càng thương những người nơi tuyến đầu hơn:
"Đây là những ngày tháng ý nghĩa nhất, rực lửa nhất của chúng tôi".
"Chúng tôi lên đường với tâm thế là bước vào một trận chiến chứ không phải là đi tình nguyện thông thường".
"Dù chưa biết ngày về nhưng cứ thêm một ngày trôi qua, em thấy trưởng thành hơn khi đóng góp công sức cho cộng đồng, đất nước".
"Chúng tôi trong này vẫn ổn, không thiếu ăn uống và càng không xuống tinh thần. Cả nhà hãy yên tâm".
Nắng, nóng, bên trong bộ bảo hộ là thân thể ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang. Tay, chân nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng và ngâm mồ hôi nhiều giờ liền, đến nỗi điện thoại không nhận dấu vân tay.
Nhưng giảng viên Giảng viên Huỳnh Thị Hồng Nhung – ‘nhạc trưởng’ của đoàn đã phải thốt lên rằng: "Cảm phục vì các em đã không bị khuất phục".
Tuổi 20 là những lời ca
Giai điệu đẹp nhất: Mái nhà Việt Nam
Vương Pháp và cú bẻ lái đi vào lòng tin giữa tâm dịch
Sáng 10/6, Vương Văn Pháp (SN 1990, ở Tuyên Quang. Người tài xế đánh lái, chấp nhận thiệt hại về của, để giữ mạng sống 2 người đi xe máy) đã nhắn tin cho phóng viên và các mạnh thường quân rằng "xin được dừng tiếp nhận ủng hộ do đã đủ tiền đền bù thiệt hại cho người dân".
Trưa cùng ngày, hai vợ chồng đi xe máy sang đường đột ngột – tác nhân dẫn đến vụ tai nạn, đã đến gặp Pháp và họ cùng ra cơ quan công an làm chứng. Pháp ‘tha thứ’ cho đôi vợ chồng người Dao.
Lái xe Vương Văn Pháp (giữa) và 2 vợ chồng người Dao trong sự cố tai nạn, họ đã gặp nhau và chia sẻ cùng nhau...
Sau tai nạn, ai cũng thốt lên 2 từ ‘may mắn’ cho cả lái xe và 2 vợ chồng kia, thậm chí cả những người đi đường. Sau tai nạn, người ta không súm vào đánh chửi lái xe gây hư hại tài sản mà chung tay giúp đỡ anh.
Chắc chắn hành động bẻ lái - tránh cú tông thẳng vào 2 người đi xe máy của người tài xế ấy đã chạm đến trái tim, lòng trắc ẩn của đại chúng. Do đó, mọi người quan tâm và giúp đỡ rất nhanh.
Giữa lúc dịch bệnh khó khăn, những ồn ào thị phi từ thiện, ngày hôm qua, cộng đồng vẫn lựa chọn đặt niềm tin cho sự tử tế. Việc ủng hộ gần 1 tỷ đồng trong ‘nháy mắt’ và câu chuyện xung quanh đó thực sự khiến cho chúng ta ấm lòng hơn.
Sáng nay, tài xế Vương Văn Pháp cho biết, sẽ dùng tiền mọi người hỗ trợ để khắc phục hậu quả vụ tai nạn mà không bắt 2 vợ chồng đi xe máy đền. Nếu còn thừa sẽ công khai ủng hộ quỹ vắc-xin COVID-19.
Xin cảm ơn những sự tử tế mà chúng ta nghe được, thấy được, gặp được và nhận được ở cuộc sống này!
Từ những anh nuôi đến ‘thần y’ và khẩu ‘thần công’ bắn vào virus
Là đơn vị nằm trong vùng tâm dịch Bắc Giang, Quân đoàn 2 cũng chịu tác động, ảnh hưởng không nhỏ bởi những biến động xung quanh dịch bệnh Covid. Thế nhưng, các chiến sĩ ở đây đã không những làm tốt nhiệm vụ của mình, mà họ đã đặt mình vào cuộc chiến trên tất cả các ‘trận địa’.
Hình ảnh quen thuộc mà nhân dân thường thấy mỗi ngày là những anh nuôi miệt mài tiếp tế bữa ăn; là các chiến sĩ hậu cần miệt mài giúp dân ở nơi cách ly tập trung; là các chiến sĩ quân y kiên trì lấy mẫu xét nghiệm; và những người lính Tiểu đoàn Phòng hóa 5 với những vòi phun khử khuẩn như chiếc thần công bắn vào Covid... Ngày mới của họ đều bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc vào lúc 22h.
Quân đội Việt Nam anh hung, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Và covid không phải là ngoại lệ.
Bệnh nhân Covid-19 từng có tiên lượng rất xấu, nặng sắp được xuất viện
Tin vui từ BV Bệnh Nhiệt Đới cho biết, bệnh nhân 2983 sau 26 ngày hồi sức tích cực đã cai ECMO. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn định, tổn thương phổi cải thiện dần, dấu hiệu nhiễm trùng đã được kiểm soát tốt, và xuất viện trong nay mai.
Vượt qua cửa tử thật rồi
Ơn thầy thuốc, ơn phúc bồi tổ tiên!
11 người "siêu giàu"
11 cụ bà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn – đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau – đã tự nguyện móc hầu bao chắt chiu của mình, đóng góp vào quỹ phòng chống COVID-19 số tiền 28,9 triệu đồng. "Mình giúp được cho cộng đồng xã hội thì vui lắm, được chia cơm, sẻ áo thấy rất hạnh phúc" – một cụ tâm sự.
Ai nói trung tâm bảo trợ toàn người nghèo? Các cụ tuy nghèo vật chất nhưng lại "siêu giàu" về nhân nghĩa, đúng như câu ca dao:
Khó mà biết lẽ biết trời
Biết ăn, biết ở hơn người giàu sang