TIN TỐT LÀNH ngày 12/5: Cuộc giải cứu "cánh tay robot" và tấm lòng của những cậu học trò nhỏ với cộng đồng

Phạm Trung Tuyến |

Hôm qua (11.5), facebook đã bổ sung ký hiệu thể hiện sự biết ơn vào danh sách các cảm xúc của người dùng. Tôi nghĩ đây là một sự bổ sung tuyệt vời của facebook, bởi nó sẽ ít nhiều khiến người ta có thêm nhiều động lực để mang đến những điều tốt đẹp hơn cho cuộc đời.

Nút biết ơn để tôn vinh Ngày của mẹ mang hình dáng một bông hoa màu tím sẽ giúp chúng ta thể hiện cảm xúc của mình khi đọc được một status thú vị, một câu chuyện ấm lòng... về những người phụ nữ.

Bạn đọc giải cứu "cánh tay robot"

Hôm qua, có một câu chuyện buồn khi cậu học trò lớp 11 ở Quảng Trị đã bị từ chối cấp visa vào Mỹ để tham dự một cuộc thi khoa học quốc tế. Cậu học trò tên Huy, là người đã sáng chế ra cánh tay robot cho người khuyết tật.

Sáng chế của Huy giành giải nhất khu vực phía Bắc, và là 1 trong 8 đề tài được chọn đi tham dự cuộc thi quốc tế này.

Hôm nay, toàn đoàn Việt Nam tham dự cuộc thi đã lên đường sang Mỹ, Huy không mang được cánh tay robot của mình đi cùng được vì một lý do hoàn toàn ngẫu nhiên. (đọc tin chính)

Những bài báo, những chia sẻ trên mạng đều bày tỏ sự tiếc nuối và cảm thông với em.

Và từ tối hôm qua đến sáng hôm nay, rất nhiều bạn đọc đã gọi đến báo chí để tìm cách giúp cậu bé đến Mỹ dự cuộc thi, dù có phải đi chậm hơn các bạn một ngày.

Hy vọng của Huy và cánh tay robot của cậu bé để đến với cuộc thi có thể rất nhỏ nhoi.

Song, sự chia sẻ, và quan tâm của cộng đồng đối với cậu bé cho thấy có rất nhiều người trong cuộc đời này luôn sẵn lòng nâng đỡ những ước mơ tốt đẹp, có ích cho cuộc đời.

TIN TỐT LÀNH ngày 12/5: Cuộc giải cứu cánh tay robot và tấm lòng của những cậu học trò nhỏ với cộng đồng - Ảnh 1.

"Cánh tay robot" để hỗ trợ cử động cơ bản cho những người khuyết tật tay do học sinh lớp 11 chế tạo. Ảnh: Hoàng Thông.

Thành quả của sự cảm thông

Tôi cũng muốn dùng thêm một ký hiệu biết ơn nữa dành cho một cậu học trò khác. Đó là Tô Ngọc Duy, học sinh lớp 12 ở tỉnh Đắc Nông, người đã sáng chế ra thiết bị tự động báo tin cho người thân khi gặp tai nạn. (đọc tin chính)

Sáng chế của cậu học trò này bắt đầu từ một vụ tai nạn thương tâm một năm trước đó.

Bác bảo vệ ở ngôi trường của Duy bị tai nạn xe máy, những người chứng kiến sự việc đã không thể xác định được người thân của nạn nhân trong hàng ngàn số điện thoại trong danh bạ.

Bác bảo vệ xấu số đó đã mất tại bệnh viện trước khi người thân kịp biết.

Từ sự việc này, Duy đã nghĩ đến một thiết bị gắn vào xe máy, có thể tự động chuyển mạch để điện thoại của người gặp nạn tự động gọi đến 5 số điện thoại quan trọng do người dùng cài đặt khi xe máy bị đổ sau 2 phút mà không được dựng lại.

Các số điện thoại được gọi đến sẽ nhận được thông tin về sự cố, vị trí của nạn nhân, để kịp thời hỗ trợ.

Sau gần 1 năm cùng thầy giáo và bạn bè nghiên cứu, sáng chế của Duy đã thành hình, và giành giải cao nhất trong cuộc thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh.

Tô Ngọc Duy, hay Phạm Huy là những cậu học trò đáng quý không chỉ vì đam mê sáng tạo của họ.

Điều khiến tôi cảm thấy biết ơn đối với những cậu học trò nhỏ này là tấm lòng của họ đối với cộng đồng, từ góc nhìn của họ khi biết hướng đến những nỗi đau trong cuộc sống.

Huy, với cánh tay robot giúp cuộc sống của người khuyết tật trở nên dễ dàng hơn, còn Duy giúp những người không may mắn tránh khỏi nỗi cô đơn khi hoạn nạn. Trên cả tài năng, đó là những tấm lòng đáng được trân quý!

Người khuyết tật được thi bằng lái ô tô

Có một điều đáng để ghi nhận công của những người làm chính sách khi soạn thảo thông tư 12/2017 của Bộ GTVT.

TIN TỐT LÀNH ngày 12/5: Cuộc giải cứu cánh tay robot và tấm lòng của những cậu học trò nhỏ với cộng đồng - Ảnh 2.

Bởi theo thông tư này, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6 tới đây thì người khuyết tật sẽ được thi bằng lái ô tô. Cụ thể, người khuyết tật được thi lấy bằng lái xe ô tô tự động hạng B1. (đọc tin chính)

Việc người khuyết tật có được lái ô tô hay không vốn là đề tài tranh luận nhiều năm nay, thậm chí không chỉ người khuyết tật, mà ngay cả những người thấp bé, nhẹ cân cũng từng bị đề xuất cấm lái xe.

Vì thế, việc thông tư 12 cho người khuyết tật cơ hội được lái xe nếu đủ khả năng vượt qua kỳ thi là một chính sách nhân văn, và phù hợp với thực tế.

Nó thúc đẩy khả năng vượt qua nghịch cảnh, lấy lại sự tự tin trong cuộc sống của những con người không may mắn.

Dẫu có thể không nhiều người khuyết tật có khả năng vượt qua cuộc thi, song, ít ra họ có cơ hội để quyết định cuộc sống của mình, trong một việc làm cụ thể.

Người khuyết tật có thể thi bằng lái ô tô, cho dù điều đó không tác động đến đời sống của nhiều người khuyết tật.

Nhưng tư duy luật pháp trong thông tư 12 là một chỉ dấu cho thấy xu hướng nhân văn của những người làm chính sách. Và điều đó sẽ mở ra những con đường sáng hơn cho cuộc sống của tất cả mọi người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại