TIN TỐT LÀNH 25.4: Tại sao Nguyễn Tám phải giấu mặt và "có 300 lượng việc này mới xuôi"

Bùi Hải |

Chỉ bằng một câu lẩy Kiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khiến cho những ai cố tình nhũng nhiễu doanh nghiệp, phải giật mình thon thót.

Chân dung Nguyễn Tám và lá đơn nặc danh

Nguyễn Tám là ai, không ai biết. Nguyễn Tám ở đâu, không ai biết. Nhưng lá đơn tố cáo con trai cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh (vừa bị bắt) lại được gửi thật đến cơ quan chức năng.

Theo quy định, đơn nặc danh sẽ không được xem xét, giải quyết, nhưng trong trường hợp một ông bố vừa "vào lò", thì việc xem xét các dấu hiệu vi phạm của người con, lại được cân nhắc đúng đắn.

Từ lá đơn nặc danh ký tên Nguyễn Tám này, các cơ quan chức năng đã vạch rõ lộ trình gian dối trong việc đi học thạc sĩ tại Úc của ông Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư - Sở Kế hoạch đầu tư TP Đà Nẵng.( đọc tin chính)

Tại sao Nguyễn Tám phải giấu mặt trong khi Nguyễn Tám chính là rất nhiều người trong xã hội muốn vạch mặt cái xấu? Bởi thời gian qua có rất nhiều người chống tham nhũng đã bị trả thù. Không ít người nói chống tiêu cực nhưng thực chất lại đồng lõa hoặc dính dáng đến tiêu cực. (đọc tin chính)

8 năm trước, khi còn tại vị, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có những phát biểu rất hay: "Việc chống tiêu cực rất gian nan, vô cùng khó khăn và thậm chí có nguy hiểm nữa.

Đây là vấn đề sống còn của đất nước, của chế độ và là vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân. Do vậy, rất cần những con người dũng cảm, dám dấn thân, dám đương đầu".

Nhưng rồi vài năm sau, chính ông lại phải chống đỡ những câu hỏi cay đắng của dư luận xã hội về biệt phủ của mình, vì những chữ ký bổ nhiệm rất nhanh ở thời khắc hoàng hôn nhiệm kỳ của mình.

Kiến nghị chính danh trong Hội nghị chính danh

Khi xã hội còn nhiều lá đơn nặc danh, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ còn gặp nhiều cam go, thử thách.

Nhưng có vẻ đã có những chuyển biến quan trọng, khi guồng máy kiến tạo và phục vụ được vận hành.

Trong Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khuyến khích việc khiếu nại chính danh:

"Cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan, đơn vị nào ngâm hồ sơ đầu tư xây dựng", "nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ". (đọc tin chính)

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát.

Từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực. Chúng ta phải chống cái này cho bằng được. (đọc tin chính)

Có lẽ nhờ tinh thần quyết liệt ấy của Thủ tướng, nên tham luận của một số doanh nghiệp, cũng tỏ ra không e ngại với vùng cấm.

Trong văn bản chính thức gửi đến Hội nghị, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp được mệnh danh "Vua hầm đường bộ Việt Nam" đã chỉ đích danh tên nhà quản lý và các thông tư, quyết định có dấu hiệu "ngâm hồ sơ đầu tư xây dựng".

Đó là việc Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 4255 ngày 01/12/2015 sau đó đã bị Bộ Tư pháp "tuýt còi", vì đây chỉ là văn bản hành chính thông thường nhưng lại chứa đựng các quy định mang tính quy phạm pháp luật.

Cũng chính Quyết định này có nhiều nội dung "vi phạm nghiêm trọng", can thiệp vào hoạt động của Nhà đầu tư trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật.

"Mặc dù cơ quan liên quan đã thừa nhận sai sót, sẽ rút kinh nghiệm và xử lý trong thời gian sớm nhất nhưng đến nay đã gần 2 năm trôi qua, văn bản này vẫn "ngang nhiên tồn tại, gây cản trở, khó khăn, thiệt hại lớn đến doanh nghiệp đang tranh thủ từng giờ quyết tâm về đích trước thời hạn các công trình trọng điểm quốc gia" - ông Lưu Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty Đèo Cả cho biết.

Văn bản tham luận còn chỉ rõ: Thông tư số 35 ngày 15/11/2016 đã bỏ lọt đối tượng áp dụng rất quan trọng là các dự án hầm đường bộ, dẫn đến việc áp mức giá bất hợp lý so với quy mô và mức đầu tư, gây thiệt hại cho Nhà đầu tư, buộc Nhà nước phải tính toán bù ngân sách.

Chưa hết, một điều rất ít có tiền lệ đã xảy ra: Đơn vị này đã công khai nêu đích danh trách nhiệm Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, người được giao trách nhiệm sửa đổi bổ sung những tồn tại đã được chỉ rõ.

Trong khi tất cả các doanh nghiệp đều nằm lòng tinh thần "tránh voi chẳng xấu mặt nào" khi phải đối mặt với cơ quan quản lý quyền lực, thì Đèo Cả làm ngược lại.

Văn bản tham luận tại Hội nghị, được đánh giá là thẳng thắn một cách chưa có tiền lệ:

"Với thực trạng vô cảm trước lãng phí, đùn đẩy trách nhiệm của nhiều lãnh đạo chỉ đạo các dự án BOT trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự xem xét đánh giá của Chính phủ về việc thực thi công vụ của Bộ Giao thông Vận tải tại các dự án bị chậm để tháo gỡ, tránh thất thoát lãng phí kéo dài.

Nếu tranh chấp tại tòa án thì đề nghị người trực tiếp điều hành dự án gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường…".

"Nhốt quyền lực vào lồng" và bộ máy kiến tạo

Nhiều chuyên gia đã phân tích: Phía sau việc "hành là chính" của cơ quan công quyền, có bóng dáng của tiêu cực hoặc năng lực kém, hoặc cả hai.

Chuyện tiêu cực, cửa quyền đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới nhiều lần.

"Làm thế nào để "nhốt" quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được".

Việc thúc đẩy Chính phủ kiến tạo, chính là việc tạo ra thể chế, cơ chế để "nhốt" quyền lực vào lồng.

Khi quyền lực bị kiểm soát thì người dân và doanh nghiệp mới được kiến tạo thực sự để cống hiến cho đất nước.

TIN TỐT LÀNH 25.4: Tại sao Nguyễn Tám phải giấu mặt và có 300 lượng việc này mới xuôi - Ảnh 1.

Khi những nhân vật năng lực kém phải "dẹp sang một bên cho người khác làm" như Tổng Bí thư đã nói, thì con đường phát triển mới thực sự hanh thông.

Dù việc giữ ghế để cửa quyền, hay thiếu năng lực vẫn cố bám ghế đều là biểu hiện rất rõ của tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực không chỉ làm tổn thất tiền bạc của dân mà còn lãng phí cơ hội phát triển của đất nước.

Ngay cả khi ông Trần Văn Minh đã ngã ngựa, Nguyễn Tám vẫn phải dùng đơn nặc danh để tố cáo chuyện du học của con trai ông Minh. Điều ấy cho thấy nỗi sợ hãi lớn của những người chống tiêu cực.

Việc một doanh nghiệp dám góp ý bằng giấy trắng mực đen dấu đỏ, chỉ rõ bất cập của cơ quan quản lý lẫn cá nhân nhà quản lý, trong một hội nghị trực tuyến rộng rãi, đã chứng minh rất rõ một điều: Đảng, Chính phủ đang nỗ lực kiến tạo, và cái kiến tạo đầu tiên chính là kiến tạo một môi trường bình đẳng, dân chủ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra".

Khi môi trường bình đẳng, dân chủ được thiết lập, thì tham nhũng quyền lực sẽ không còn đất sống, các công bộc mờ ám sẽ không thể ra giá như ngày xưa đã ra giá lo lót cho Thúy Kiều:

"Tính bài lót đó luồn đây/Có ba trăm lạng việc này mới xuôi (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Trong một hội nghị rất nhiều con số và các vấn đề cần tháo gỡ, câu lẩy Kiều của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất ngắn gọn nhưng vừa cảnh báo những người đang cản đường phát triển, lại vừa khuyến khích doanh nghiệp, người dân làm ăn chân chính dám cất lên tiếng nói chính danh trước tiêu cực, vi phạm.

Đó chính là tin tốt lành nhất tôi muốn gửi tới Quý độc giả hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại