1. Thưa Bộ trưởng Nhạ, ông đã nghe thấy đề xuất này chưa?
Một thầy giáo vừa đưa ra đề xuất gây xôn xao không kém gì đề xuất thay đổi tiếng Việt: Tăng lương cho giáo viên bằng việc giải tán các phòng Giáo dục - Đào tạo tại các quận - huyện.
Thầy Bùi Nam - tác giả của đề xuất trên phân tích, tính chung trên cả nước, cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%).
Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại sở/phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.
Việc giải tán các phòng Giáo dục tại quận, huyện sẽ giúp "chia thêm" cho các thầy cô đang trực tiếp tham gia giảng dạy một khoản lương không nhỏ.
Đấy là còn chưa kể việc xoá bỏ phòng Giáo dục quận, huyện sẽ giúp các giáo viên "dễ thở" hơn rất nhiều.
Vì như chia sẻ của thầy Q.Tr (Hiệu trưởng một trường tiểu học): "Quản lý giáo dục của ta hiện nay quá nhiều tầng nấc trung gian. Họ đều tự cho mình cái quyền chỉ đạo các nhà trường, chỉ đạo giáo viên phải làm như thế này, thế kia.
Càng nhiều tầng nấc càng trói chân tay giáo viên, khiến họ chịu áp lực và không thể sáng tạo được".
Còn cô N.T.N (giáo viên đang dạy ở một trường THPT tại Hưng Yên) cũng đồng tình: "Tôi thấy phòng Giáo dục địa phương rất ít khi đề xuất được các giải pháp thiết thực trong cải cách quản trị và nâng cao chất lượng giáo dục.
Chủ yếu họ làm nhiệm vụ về kiểm tra, dự giờ giáo viên. Điều này chỉ thêm áp lực cho nhà giáo chúng tôi".(đọc tin chính)
Trong khi cả Quốc hội lẫn Trung ương đều đưa ra những nghị quyết về việc cắt giảm, tinh gọn lại bộ máy, biên chế thì đề xuất này của thầy Bùi Nam thực sự "hợp thời".
Chỉ có điều Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có "nghe thấy" đề xuất này không hay lại thêm một đề xuất bị "ném đá ao bèo"?
Liệu Bộ trưởng Nhạ khi tổ chức soạn thảo đề án tăng lương cho giáo viên có nghĩ đến việc ngân sách Nhà nước đang phải chi trả bao nhiêu cho hàng trăm, hàng ngàn phòng giáo dục quận, huyện? Con số như tính toán của thầy Bùi Nam thì cũng vừa đúng với mục tiêu cắt giảm 10% của Trung ương và Quốc hội.
Tôi thật mong đề xuất này được dư luận quan tâm như đề xuất cải cách tiếng Việt, nhưng là hướng tích cực, để "đến tai" Bộ trưởng Nhạ và biết đâu đấy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội sẽ có thêm một phương án hữu ích nữa?
Như chia sẻ mới đây của Phó Thủ tướng: "Nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi, đây vừa là áp lực, vừa là động lực, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 18 và 19 với nhiều quyết sách mạnh mẽ như giảm 10% biên chế các đơn vị.
Đến năm 2021 cơ bản đạt được mục tiêu này… Bản thân cải cách tiền lương gắn với cải cách hành chính, các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Cải cách tiền lương phải làm nhanh và dứt khoát" (đọc tin chính).
2. Sao cái gì cũng phải đến tay Chủ tịch - Thủ tướng?
Việc Chủ tịch nước lên tiếng về những vụ bạo hành dã man trẻ, rồi Thủ tướng cũng phải lên tiếng, và mới đây nhất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung phải ra công văn chỉ đạo Giám đốc công an TP điều tra, xác minh, xử lý vụ bố ruột dùng dây điện quật con cho thấy sự quan tâm sát sườn của các lãnh đạo cấp cao đối với những vấn đề bạo hành trẻ em.
Tuy nhiên, dường như nó lại khiến người dân chẳng được an tâm khi mà tại chính địa phương, nhiều chính quyền sở tại lại lắc đầu không biết.
Như vụ cháu bé này, chủ tịch UBND xã Vân Nội cho hay, trước đó, chưa từng nghe báo cáo của thôn, xóm về việc anh Long có hành vi đánh con.
"Trong sáng nay, tôi cũng yêu cầu Hiệu trưởng trường tiểu học Vân Nội báo cáo nhưng cũng nói không nắm được việc bố cháu đánh cháu.
Hiện chúng tôi vẫn đang yêu cầu phía công an làm rõ", ông Trần Văn Vỏ, Chủ tịch UBND xã Vân Nội (Đông Anh, HN) - chính quyền địa phương nơi cháu bé bị bạo hành nói. (đọc tin chính)
Quốc hội và các cử tri không chỉ một lần đề cập đến tình trạng trên nóng dưới lạnh trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhưng dường như nó đúng với rất nhiều vấn đề xã hội khác nữa.
Khi mà chính quyền địa phương cấp xã, huyện, quận thậm chí các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tỉnh nghèo… nhiều khi khiến người dân, dư luận tự hỏi họ đã làm gì trong 8 tiếng ở công sở? Để cho Tổng Bí thư đến Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch thành phố, Bí thư thành uỷ… cái gì cũng phải lên tiếng chỉ đạo thì mới làm hoặc có khi vâng vâng dạ dạ rồi ngày tháng trôi qua mọi thứ cũng trôi theo hết.
Trong khi các lãnh đạo cấp cao vừa phải lo về phát triển kinh tế, phát triển đất nước vừa phải lên tiếng từng sự vụ nhỏ xíu ở cấp phường, cấp xã.
Nếu như sự nghiêm minh được quán triệt đến từng vị trí thấp nhất trong bộ máy công quyền hẳn mọi thứ đã tốt hơn lên rất nhiều. Để Thủ tướng không phải chỉ đạo Bộ Nội vụ kiểm tra việc bổ nhiệm người nhà mà chính Bộ Nội vụ phải là nơi phát hiện ra (đọc tin chính).
Thì đâu có những sự vụ như báo cáo của ông Đàm Quốc Trung - Giám đốc Sở TNMT Đắk Nông: "Trong 213 cán bộ, công chức, viên chức được cấp giấy chứng nhận thì có 19 lãnh đạo UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, 38 người là công chức các phòng tài nguyên và môi trường, 40 người là cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, 61 người là chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, 55 người là công chức địa chính". (đọc tin chính).
Và những vụ bạo hành trẻ em đâu phải đến Chủ tịch nước, Chủ tịch thành phố lên tiếng chỉ đạo xử lý???
3. Thôi, cuối tuần mang đến những tin vui đi!
Cuối tuần này có kha khá những tin vui cần phải khoe ngay như Hà Nội đề nghị "phạt nguội" vi phạm lòng đường, vỉa hè.
Nếu áp dụng thì chẳng cần phải ra quân rầm rộ, la hét ỏm tỏi hay những chiếc xe 5 tạ (dù đã đề xuất bỏ, đề xuất công an đi xe đạp) với chất giọng của các anh công an trật tự không mấy êm ái, thi thoảng lại làm phát còi hụ nghe đến phản cảm.
Cứ chụp phát là phạt. 25 triệu đồng mỗi vi phạm theo Nghị định 46 thì chả cần phải tăng đôi mức phạt như TP HCM mà vỉa hè cam đoan sẽ quang ngay (đọc tin chính).
Như TP HCM sau nhiều sáng kiến để phát huy cơ chế đặc thù chính quyền đô thị, mới đây, một sáng kiến nữa từ ý tưởng của ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, người dân quận 12 đã có thể thông tin phản ánh việc đường hư hỏng, tội phạm bằng điện thoại di động chụp ảnh gửi đến phần mềm của chính quyền (đọc tin chính).
Một "cải tổ" mới của đường sắt Việt Nam với hệ thống cửa soát vé tự động tại Ga Hà Nội và Ga Sài Gòn vừa được chính thức đưa vào hoạt động từ hôm nay, 15/12/2018.
Vui hơn là giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc và đầy biết ơn từ một hành khách, chị Hoàng Hiền Lương, người cứ nghĩ mình không bao giờ tìm lại túi xách với hơn 40 triệu đồng và nhiều giấy tờ tuỳ thân của mình đã đánh rơi trên tàu.
Một câu chuyện đẹp của đường sắt Việt Nam (đọc tin chính).
Một tin cực vui nữa là việc phát hiện ra thêm 58 hang động mới tại vùng lõi và vùng đệm vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.
Trong đó, một số hang kích thước lớn, có giá trị. Một số hang mất hai đến ba ngày đường rừng để tiếp cận.
Nhiều hang có sương mù, hơi nước lạnh bốc ra từ cửa hang nên người dân không dám tự khám phá; nhiều hang phát hiện vỏ đạn, có sân khấu biểu diễn văn nghệ, được cho là từng sử dụng trong chiến tranh.
Quảng Bình hiện có hơn 350 hang động được phát hiện trong 25 năm qua. Trong đó, hơn 30 hang được đưa vào khai thác du lịch, một số hang nổi tiếng như Sơn Đoòng và hang Én, lớn thứ nhất và ba thế giới.
Theo ông Howard Limbert, chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, VQG Phong Nha Kẻ Bàng còn rất nhiều hang động chưa được khám phá.
Cuối cùng, 2 thông tin về y khoa cũng đầy phấn chấn với việc bệnh viện quận Thủ Đức lần đầu tiên (với bệnh viện cấp quận, huyện) đã phẫu thuật tim thành công (đọc tin chính).
Và câu chuyện chấn động y khoa về cặp song sinh ở Hà Nội có dây rốn quấn vào nhau như tết tóc đuôi sam. Một trường hợp hy hữu và đầy may mắn khi 2 bé chào đời an toàn (đọc tin chính).