"Tin tốt" giúp Mỹ thở phào trước "sát thủ diệt Guam" Trung Quốc

Hải Vy |

Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, quân đội TQ đã đưa vào trang bị loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới, có khả năng tấn công các cơ sở quân sự của Mỹ tại Guam.

Bản báo cáo của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) cho biết, tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn thường DF-26C có khả năng đã được triển khai sẵn sàng hoạt động, dù không rõ số lượng cụ thể hoặc chúng được biên chế cho lữ đoàn nào của PLA.

Báo cáo của USCC cho biết, trong số những vũ khí Trung Quốc có thể vươn tới Guam, DF-26 được xem là đỉnh cao trong công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.

16 xe phóng tên lửa DF-26 đã xuất hiện trước công chúng trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật tổ chức vào tháng 9 năm ngoái tại Bắc Kinh.

Tin tốt giúp Mỹ thở phào trước sát thủ diệt Guam Trung Quốc - Ảnh 1.

Tên lửa DF-26

Tổng cộng, quân đội Trung Quốc (PLA) đã triển khai khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo với các tầm bắn khác nhau, trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Theo 2 chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Quân sự PLA, DF-26 được cho là có thiết kế module mới, có thể trang bị 2 loại đầu đạn hạt nhân và một số loại đầu đạn thông thường với cơ chế phá hủy khác nhau để tấn công những mục tiêu cụ thể.

Còn có thông tin DF-26 có biến thể chống hạm. Tuy nhiên, báo cáo của USCC cảnh báo rằng:

Chưa có cuộc thử nghiệm được ghi nhận nào cho thấy PLA đã thử nghiệm thành công khả năng tiêu diệt mục tiêu di động trên biển của DF-26.

Ngoài ra, tầm bắn tăng cường của tên lửa này có vẻ làm phức tạp thêm thách thức về mục tiêu mà Trung Quốc đang gặp phải với tên lửa DF-21D.

Vì thế, khả năng Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) DF-26 trong các cuộc tấn công chính xác nhằm vào tàu sân bay Mỹ gần Guam vẫn chưa rõ ràng, một khi PLA chưa chứng tỏ được họ thực sự có khả năng này.

Tin tốt giúp Mỹ thở phào trước sát thủ diệt Guam Trung Quốc - Ảnh 2.

Theo USCC, khả năng tên lửa DF-26 Trung Quốc tấn công thành công vào Guam và các nhóm tàu sân bay Mỹ tương đối thấp.

Bản báo cáo đồng thời lưu ý rằng DF-26 "có vẻ có hạn chế nghiêm trọng về độ chính xác". Do đó, cho tới hiện tại, nguy cơ Trung Quốc tấn công thành công vào Guam là tương đối thấp.

"Hiện nay, những hạn chế về độ chính xác và các lỗ hổng cơ bản khiến cho nguy cơ (Guam bị tấn công) tương đối thấp, tuy nhiên, những cam kết của Trung Quốc trong việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực tấn công cho thấy nguy cơ này có khả năng sẽ tăng lên" – báo cáo viết.

DF-26 được cho là có tầm bắn từ 3.000 – 4.000km. Các nguồn tin mở cho biết, Trung Quốc đã tình cờ để lộ tên lửa DF-26C vào năm 2012. Trước đó, đã có nhiều báo cáo về sự tồn tại của tên lửa này từ năm 2007.

Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được đặt trên xe phóng di động. Có vẻ DF-26C do Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) sản xuất.

Ngoài DF-26C, bản báo cáo của USCC còn đề cập tới những hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc có thể tấn công thành công đảo Guam và các tàu chiến Mỹ trên lý thuyết, bao gồm tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa hành trình chống tàu phóng từ trên không và trên biển.

Bản báo cáo cho rằng, để đánh giá khả năng Trung Quốc có thể tấn công đảo Guam, Mỹ cần giám sát chặt chẽ các mặt sau:

Các đợt triển khai tăng cường tên lửa DF-26, những tiến bộ về chất lượng để nâng cao khả năng tấn công chính xác của Trung Quốc, phi đội máy bay ném bom, khả năng tiếp dầu trên không và công nghệ tĩnh lặng trên tàu ngầm Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại