Tin giả mạo ở Việt Nam và thế giới: Quá nguy hiểm!

Hiệu Minh |

Tin giả, tin thật đang làm đảo lộn các giá trị trên mạng xã hội. Nếu người đọc không tỉnh táo sẽ bị cuốn vào trò chơi fake news.

Fake news cũng sinh ra tiền

Bản thân trò chơi "Flappy Bird" không tạo ra một giá trị nào trừ việc người chơi được giải trí. Nhưng tại sao tác giả lại được tiền dù phần mềm cài trên mạng là miễn phí và Apple Store cũng không trả một xu nào. Câu trả lời đơn giản, vì quảng cáo đi kèm trò chơi.

Công ty bán hàng trên mạng tìm cách quảng cáo bằng các biểu tượng nhấp nháy rất hấp dẫn "Ống kính Nikon 50 vừa giảm giá 50$ và vận chuyển miễn phí". 

Tại sao người ta biết người chơi này quan tâm đến máy ảnh và thiết bị. Vì mấy hôm trước anh ta vào mạng B&H Photo tìm mua ống kính và thế là internet không "quên" vụ này.

Đang chơi Flappy Bird phải ngừng để nhấn vào quảng cáo, thế là tác giả trò chơi được thưởng một phần xu . Nếu vụ mua bán thành công, anh ta có thể được nhiều hơn.

Như vậy trò chơi không sinh ra tiền nhưng vì người chơi nhấp chuột vào quảng cáo nên tác giả có tiền vào tài khoản. Càng đông người chơi càng lợi. Trong một ngày có một triệu người chơi thì số tiền hẳn là không nhỏ.

Từ trò chơi chuyển sang các video clip cũng thế. Clip Gangnam Style thực ra không có gì hay nhưng vì cánh trẻ mê cái mới nên thích vào xem và học theo. Hiện số hít gần 3 tỷ và tiền về như nước cho tác giả của clip do các công ty quảng cáo hàng trả.

Mấy hôm trước đi chơi với người bạn ở Sài Gòn. Anh kể có một cô giới showbiz giầu có vì Facebook của cô có 2 triệu người theo dõi. Một status không chút trí tuệ của cô "Mình vừa về thăm ba má ở quê" thế mà có 200 ngàn likes.

Tài khoản nóng như thế thì giới bán hàng không thể bỏ qua.

Trò chơi, facebook, twitter, blog, Youtube là những công cụ quảng cáo bán hàng hiện đại. Tin nào hot càng nhiều người xem thì càng ra tiền.

Video đen, tin giả mạo, bôi bác cá nhân, tin thất thiệt về người nổi tiếng, ngoài chuyện hạ nhục lẫn nhau hay thay đổi cán cân quyền lực, cũng là thứ ra tiền cho tác giả.

Nếu đưa tin về một người không ai biết mà bị ung thư thì chẳng ai xem. 

Nhưng muốn được nhiều views bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền, để phục vụ mục đích xấu xa nào đó, những kẻ sản xuất tin giả mạo sẵn sàng bịa chuyện một VIP hay lên tivi, hay một vị Bộ trưởng bị mắc bệnh (một vị bộ trưởng vừa vạch mặt những thông tin giả mạo trắng trợn này).

Tin giả mạo ở Việt Nam và thế giới: Quá nguy hiểm! - Ảnh 1.

Nguy hiểm trong chính trị

Trước cuộc bầu cử Mỹ có hàng loạt tin trôi nổi trên mạng xã hội. Có một đồng nghiệp gửi một tin và tỏ ra băn khoăn về bà Hillary Clinton từng ra lệnh thủ tiêu trợ lý của mình. 

Hai vợ chồng nhà này từng mắc bệnh đồng tính. Số người chống bà không hề nhỏ do fake news đã làm ảnh hưởng tới lá phiếu của cử tri.

Khi đã ngồi vào Nhà Trắng, ông Trump luôn lên án truyền thông fake news nhưng bản thân ông cũng tung nhiều tin thất thiệt. Nguy hại nhất là ông vu cáo cựu TT Obama từng ra lệnh nghe trộm trong lúc tranh cử. Dù là tin bịa đặt nhưng ông Trump không thèm xin lỗi.

Giới truyền thông đánh giá, fake news đang phá hoại cả nền dân chủ Mỹ có từ lâu đời và hiện đang lan sang châu Âu.

Đức sắp có bầu cử nên các đối thủ không bỏ qua thủ đoạn tung tin phá hoại. Từ chuyện bà Thủ tướng Merkel từng là an ninh của Stasi (Cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại thời Đông Đức) đến tin động trời bà là cháu của Hitler.

Bà Merkel giúp đỡ nhập cư thì có tin một bé gái 13 tuổi gốc Nga bị hiếp dâm bởi người nhập cư đến từ Trung Đông. Tin này dấy lên sự căm phẫn trong dân chúng và có biểu tình. Phía Nga cũng lên tiếng chính thức.

Nhưng cảnh sát Berlin đã chứng minh đây là tin vịt, họ tìm ra cô bé và biết được trong thời gian "bị hiếp", cô ở với bà con, khám nghiệm của bác sỹ chứng minh cô không bị xâm hại.

Dù tìm ra sự thật thì chính sách nhập cư của bà Merkel đã bị ảnh hưởng vì không phải khi nào người đọc fake news lại đọc tiếp phần sửa sai.

Nước Áo bên cạnh cũng có chuyện tương tự. Ứng viên Alexander van der Bellen được đảng Xanh ủng hộ bị đối thủ tung tin ông bị ốm nặng và sắp chết cho dù ông sống khỏe mạnh.

Pháp cũng đang mùa bầu cử và hiện đang có những phần tử phát xít chống nhập cư tìm cách hạ các ứng viên ủng hộ nhập cư.

Ông Alain Juppé, ứng viên chức tổng thống Pháp, cũng bị một tin đồn, bà là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo khá cực đoan.

Tin còn cho hay, ông ta đã giúp xây dựng một nhà thờ Hồi giáo ở Bordeaux mà ông hiện là thống đốc.

Những vụ khủng bố ở Paris, Brussels hay London gần đây cũng bị cho là liên quan đến các thuyết âm mưu nhằm chống nhập cư.

Tin giả mạo ở Việt Nam và thế giới: Quá nguy hiểm! - Ảnh 2.

Cách nhận diện fake news

Fake news làm cho người đọc không biết tin vào đâu bởi đôi khi các báo chính thống cũng bị cuốn theo do số views cần cao.

Rất nhiều thông tin gây hoang mang đến từ mạng xã hội thời gian qua, cuối cùng được chứng minh là giả mạo.

Tòa soạn, công ty truyền thông và cả người đọc phải hết sức tỉnh táo, nếu không muốn bị fake news lôi theo sóng ảo. Không có một hướng dẫn nào tuyệt đối đúng nhưng vài ý sau có thể giúp độc giả nhận diện fake news.

1. Consider the source - Kiểm chứng nguồn tin. Nếu tin của những hãng có uy tín thì độ tin cậy sẽ cao hơn. Xem cả địa chỉ liên hệ của trang web, số phone. Dùng công cụ chuyên đánh giá các trang ưeb cũng là một cách khác. Những trang có tên lạ phải hết sức lưu ý khi trích dẫn tin.

2. Read beyond the headline – Hãy đọc thêm nội dung. Độc giả thường bị các tít hấp dẫn, đôi khi lướt qua đã nghĩ thế này là đủ, bỏ qua nội dung bên trong. Fake news hay dùng thủ thuật này để dắt mũi người đọc.

3. Check the author – Kiểm tra tác giả. Đây là việc khó nhưng với internet và Google thì việc tìm ra tên tác giả lại không khó. Nếu số lượng bài liên quan có nhiều chứng tỏ người này được đọc hay nhắc đến.

4. What’s the support? – Đọc và suy ngẫm. Đọc một tin luôn phải tự hỏi tính logic, sự thật có hay không, hoặc có gì để chứng minh điều đó. Không nên vội vàng kết luận mà bị hớ.

Có vụ cưỡng chế đất ở một tỉnh, ảnh chụp tung lên mạng là một cụ bà bị xe ủi nghiến ngang ngực. Thế là mạng xã hội ầm lên, cưỡng chế có chết người vì suy diễn đơn giản, xe hàng tấn đè người làm sao sống được.

Có người tự hỏi, nếu bà chết thì đám ma đâu? Sự thật là bà cụ nằm ở cái hố nên chỉ bị gẫy xương vai và đang chữa chạy ở bệnh viện.

Tin giả mạo ở Việt Nam và thế giới: Quá nguy hiểm! - Ảnh 3.

5. Check the date. Kiểm tra ngày tháng. Nhiều tin tức đã quá đát nhưng không để ý sẽ bị lừa. Khi Trump vào Nhà Trắng tháng 1-2017 có tin cho hay hãng Ford đã chuyển nhà máy từ Mexico về Ohio.

Đọc tin này khó tin vì chuyển nhà máy đâu phải một sáng một chiều do cuộc gặp với tổng thống. Hóa ra tin chuyển nhà máy có từ tháng 8-2015 khi mà Trump chưa biết có nên vào cuộc hay không.

6. Is this some kind of joke? – Có phải là đùa cợt hay không? Người đọc dễ bị lầm giữa đùa và thật. Phải đọc kỹ mới có thể nhận ra.

7. Check your biases. – Độc giả tự nhận ra sự vô lý. Đây là vấn đề khó vì không phải ai cũng đủ trí tuệ và thời gian để kiểm chứng.

8. Consult the experts – Tham vấn các chuyên gia. Nếu nghi ngờ phải hỏi các chuyên gia về từng lĩnh vực. Có nhiều trang uy tín chuyên kiểm chứng sự thật như FactCheck.org, Snopes.com, PolitiFact.com, có thể giúp được phần nào.

Câu chuyện về fake news còn tiếp tục khi internet ngự trị cuộc sống. Trong khi luật pháp chưa tới bảo vệ độc giả thì mỗi người hãy tự bảo vệ mình.

Mấy tiêu chí sau trong truyền thông luôn có giá trị trong mọi thời đại: (1) Đưa tin chính xác và khách quan; (2) Tránh gây phương hại; (3) Khách quan - không bị thao túng; và (4) Trách nhiệm và minh bạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại