Từ vụ chĩa súng, còng tay chủ trường ở Bình Thuận: Quản tài viên là ai, có quyền gì?

Đức Nguyên |

Luật Phá sản quy định Quản tài viên có thể hưởng 36 tháng lương cơ sở cộng thêm 2,8% tổng giá trị tài sản của công ty (trường hợp tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý trên 50 tỷ đồng).

Quản tài viên là ai?

Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản theo quy định tại khoản 7 Điều 4 luật Phá sản 2014. 

Trên thế giới, nghề quản tài viên đã hình thành và phát triển lâu đời, ở Việt Nam Quản tài viên lần đầu tiên xuất hiện và được công nhận thông qua luật Phá sản 2014.

Luật Phá sản quy định tại Điều 12 những người sau được cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên là Luật sư; Kiểm toán viên; Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo. 

Các chứng chỉ hành nghề Quản tài viên được Bộ Tư pháp cấp bằng Quyết định được ký bởi Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng (khi được uỷ quyền) theo đề nghị của Cục trưởng Cục bổ trợ tư pháp.

Quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên

Quản tài viên có rất nhiều quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 16 Luật Phá sản như: Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ; 

Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản; 

Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật; Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật; 

Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản; Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản; 

Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;

Tuy nhiên, Luật Phá sản không đề cập đến việc Quản tài viên được phép sử dụng vũ khí hay công cụ hỗ trợ hay được phép bắt người. 

Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 22/2015/NĐ-CP quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với Quản tài viên: Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi…

Thu nhập cho Quản tài viên

Cũng tại Nghị định 22/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 16/2/2015 quy định chi phí cho Quản tài viên được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. 

Theo đó, căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 21 của Nghị định này thì chi phí cho Quản tài viên là rất cao có thể sẽ được hưởng 36 tháng lương cơ sở cộng thêm 2,8% tổng giá trị tài sản của công ty (với trường hợp tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý trên 50 tỷ đồng).

Từ vụ chĩa súng, còng tay chủ trường ở Bình Thuận: Quản tài viên là ai, có quyền gì? - Ảnh 1.

Mức thù lao của Quản tài viên theo điều 21, Nghị định 22/2015/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, quản tài viên được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật. Vì thế để đảm bảo việc bảo quản tài sản không bị thất thu, quản tài viên được thuê đơn vị bảo vệ tài sản.

Lúc này, quản tài viên có trách nhiệm làm việc với nơi bị tuyên bố phá sản để đơn vị bảo vệ tiến hành niêm phong. 

Nếu hoạt động niêm phong bị chống đối từ đơn vị bị phá sản, bảo vệ phải báo cáo ngay cho quản tài viên để kịp thời xử lý. Bảo vệ không có thẩm quyền đứng ra giải quyết khi có sự chống đối, bởi họ chỉ là người giúp việc cho quản tài viên trong trường hợp này.

Trong vụ việc Công ty TNHH Thanh Nguyên (chủ Trường MN-TH Thanh Nguyên, do bà Đoàn Thị Dung giữ chức giám đốc) đã bị TAND TP.Phan Thiết có quyết định cho phá sản theo yêu cầu của chủ nợ.

Sau khi có quyết định của tòa, Chi cục Thi hành án TP Phan Thiết thực hiện việc thanh lý tài sản. Quản tài viên Trần Đăng Minh (thuộc Công ty Luật Bảo Ngọc, quận Ba Đình, Hà Nội) là người thực hiện việc thanh lý tài sản của Công ty TNHH Thanh Nguyên trả cho chủ nợ.

Theo Luật, sau hai năm nếu Quản tài viên không thực hiện xong được việc thanh lý tài sản sau phá sản thì mới giao lại cho lực lượng thi hành án dân sự thi hành,

Vào chiều 23/3, Quản tài viên Trần Đăng Minh đã đi cùng lực lượng bảo vệ đến Trường mầm non - tiểu học Thanh Nguyên, rồi xảy ra sự việc còng tay bà Giám đốc Công ty TNHH Thanh Nguyên và chĩa súng đe dọa giáo viên ngay trong sân trường.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại