Từ thế kỷ 2 – 4, theo phong tục chôn cất thời La Mã cổ đại, người mất thường được chôn cất trong các quan tài bằng đá cẩm thạch và đá vôi tinh xảo. Đặc biệt, mặt ngoài của quan tài sẽ được chạm khắc về những thành tích trong cuộc đời của họ.
Các nhà khảo cổ tìm thấy một cỗ quan tài đá có niên đại từ thời La Mã cổ đại ở tỉnh Kocaeli, thuộc phía tây Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình xây dựng móng của một toà nhà trong thời gian từ năm 2017 – 2019.
Mới đây, Bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học Kocaeli cho biết, địa điểm này có 37 ngôi mộ , trong đó có một cỗ quan tài đá có dòng chữ "Người bảo vệ Hoàng đế" được chạm khắc bằng tiếng Latinh.
Quan tài đá có khắc chữ Latinh tiết lộ danh tính của cận vệ thời La Mã cổ đại.
Phó Giáo sư Hüseyin Sami Öztürk tại ĐH Marmara cho biết, cỗ quan tài thuộc về một người đàn ông tên là Tziampo, cận vệ riêng của Hoàng đế Diocletian, trị vì Đế quốc La Mã từ năm 284 đến năm 305.
Theo Serkan Geduk, Giám đốc của Bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học Kocaeli, Tziampo là người gốc Romania trước khi gia nhập vào quân đội La Mã với tư cách là một kỵ binh. Tziampo được huấn luyện để phá vỡ một đội hình bộ binh của quân địch, đồng thời có thể tấn công vào hai bên sườn, truy đuổi, bắt giữ giết chết các quân địch khi đang tháo chạy.
Sau 9 năm chiến đấu ở tiền tuyến, Tziampo đã được thăng chức lên cấp tướng và đến năm thứ 11 phục vụ trong quân ngũ, ông đã được phong tặng tước hiệu là "Người bảo vệ Hoàng đế". Đây là danh hiệu cao quý mà rất ít người mới có được. Điều này cho thấy rằng Tziampo là một cận vệ ưu tú.
Tziampo được đào tạo bài bản và trở thành vệ binh, lực lượng gồm những binh sĩ ưu tú có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hoàng đế Lã Mã cổ đại ở trên chiến trường.
Tziampo là một cận vệ ưu tú, có nhiệm vụ bảo vệ hoàng đế.
Theo các nhà khảo cổ học, Tziampo nằm trong đội cận vệ ưu tú gồm có 8 người. Trong đó, 7 người còn lại đến từ Italy, Croatia, Algeria, Serbia và Arabia. Tuy nhiên, ngôi mộ của Tziampo lại rất đặc biệt. Bởi đây không những là lần đầu tiên một cận vệ của hoàng đế được tìm thấy ở Anatolia (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) mà bộ xương của ông vẫn còn được bảo quản nguyên vẹn, và xung quanh có nhiều đồ mai táng.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia nghiên cứu còn khai quật được nhiều đồ cúng tế ở xung quanh hai bộ hài cốt. Hài cốt còn lại trong ngôi mộ này thuộc về vợ của Tziampo.
Bên cạnh cỗ quan tài đá của Tziampo, các nhà nghiên cứu còn phát hiện 4 trong 5 quan tài khác trong khu vực này cũng có khắc chữ bằng tiếng Latinh. Những hài cốt và đồ mai táng thu thập được từ các ngôi mộ cổ ở Kocaeli sẽ giúp các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về câu chuyện lịch sử ở Anatolia dưới thời Đế quốc La Mã.
Bài viết tham khảo nguồn: Ancientorigins, Arkeonews