Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đối diện nguy cơ "chết yểu": Tại sao?

Anh Tú |

Chương trình chế tạo máy bay Su-57 của Nga dường như đang phải đối diện với viễn cảnh "chết yểu" khi chỉ có duy nhất một chiếc với động cơ tiên tiến hoạt động được theo đúng nghĩa.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57 được Nga chế tạo với mục đích biến nó thành "sát thủ", làm đối trọng với các chiến đấu cơ F-35 và F-22 của Mỹ và Moscow cũng hy vọng có thể chào bán ra khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng, dường như chương trình đầy tham vọng này của Nga đang phải đối diện với viễn cảnh "chết yểu" khi chỉ có duy nhất một chiếc Su-57 hoạt động được theo đúng nghĩa.

Hiện Nga mới chỉ có 10 nguyên mẫu Su-57 đang trải qua quá trình đánh giá và thử nghiệm, so với hơn 360 chiếc F-35 đã được giao cho Mỹ và các nước đối tác và hơn 170 máy bay F-22.

Tuy nhiên, theo Franz-Stefan Gady - Biên tập viên cao cấp của Tạp chí The Diplomat, trong số 10 nguyên mẫu phản lực đó, chỉ có duy nhất một chiếc được trang bị động cơ tiên tiến Saturn Izdeliye 30 có khả năng cung cấp năng lượng cho các máy bay chiến đấu thế hệ 5.

9 nguyên mẫu Su-57 còn lại đều sử dụng động cơ AL-41F1, một biến thể của Saturn AL-41F1S - loại động cơ thế hệ cũ lắp đặt cho các máy bay Sukhoi Su-35. Nhưng ngay cả Saturn Izdeliye 30 cũng chưa thể được đưa vào sản xuất hàng loạt ít nhất cũng phải tới năm 2020. Đây nhiều khả năng là một trong những lý do khiến chương trình Su-57 liên tục bị trì hoãn nhiều năm.

Tiêm kích tàng hình Su-57 Nga đối diện nguy cơ chết yểu: Tại sao? - Ảnh 1.

Các máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga

Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga dự kiến sẽ ký hợp đồng với Tập đoàn Chế tạo Máy bay Thống nhất (UAC) mua một lô 12 chiếc Su-57 vào cuối năm 2018 nhưng cuối cùng cơ quan này lại tuyên bố sẽ chưa thể sản xuất hàng loạt Su-57.

Sau đó, ngày 16/1/2019, hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Bộ QP Nga cho biết phải tới 2020 mới ký đơn hàng mua một lô 13 chiếc Su-57 và sẽ chuyển giao dần trong thời gian 5 năm.

Nói một cách ngắn gọn, Su-57 hiện vẫn chưa thể được sản xuất hàng loạt và với một số lượng nhỏ bé như vậy nó sẽ không tạo ra tác động nào to lớn với các cuộc chiến tranh thực tế trong tương lai nếu xảy ra.

Ở viễn cảnh tốt nhất thì Su-57 cũng chỉ đóng vai trò như một phương tiện thử nghiệm các radar và cảm biến mới mà Nga dự tính tích hợp cho các dòng máy bay thế hệ cũ hơn.

Thêm nữa, Su-57 có thể giúp Nga thu lượm được chút kinh nghiệm và hiểu biết về kỹ thuật chế tạo máy bay tàng hình. Cho tới hiện tại, chỉ có duy nhất Mỹ và Trung Quốc là những nước phát triển được máy bay tàng hình đúng nghĩa.

Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, Nga vẫn đang sở hữu một loạt chiến đấu cơ thế hệ 4 đầy uy lực và các hệ thống phòng không hàng đầu thế giới có khả năng bộc lộ mối đe dọa nghiêm trọng đối với ngay cả những máy bay tốt nhất của Mỹ.

Máy bay Su-57 với động cơ "Sản phẩm số 30" trong chuyến bay thử đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại