Trả lời phỏng vấn CNBC hôm 19.6, ông Nhậm Chính Phi nói: “Tôi không thấy có bất kỳ tác động lớn nào của lệnh trừng phạt Mỹ đối với doanh thu của Huawei, bởi ở thị trường Trung Quốc không có sự sụt giảm, mà chỉ có thể là sụt giảm ở nước ngoài. Trong trường hợp xấu nhất là 40%, nhưng giờ là chưa đến 20%. Khi tôi nhìn vào sụt giảm trong kinh doanh tiêu dùng, đó sẽ khoảng 10%, không lớn lắm. Và chúng tôi cũng chưa biết tăng trưởng từ nay đến cuối năm thế nào. Nhưng chúng tôi tin rằng 30 tỉ USD không thấm tháp gì, chỉ là con số rất nhỏ”.
Tỉ phú sáng lập Huawei nhắc lại rằng có thể có sự chậm lại trong hoạt động của công ty, nhưng không có sự suy giảm nào được ghi nhận cho đến báo cáo gần đây nhất của ông.
Theo CNBC, ông Nhậm Chính Phi lập luận rằng doanh thu của công ty trong năm 2019 sẽ vẫn vượt mức 100 tỉ USD, tương đương với doanh thu năm ngoái.
Hôm 17.6, ông Nhậm Chính Phi nói trừng phạt của Mỹ buộc Huawei phải giảm năng lực sản xuất, điều này sẽ khiến doanh thu của gã khổng lồ công nghệ giảm khoảng 30 tỉ USD trong 2 năm tới.
Theo website của Huawei, doanh thu của công ty trong năm 2018 lên tới hơn 721 tỉ nhân dân tệ (hơn 104 tỉ USD) và thấp hơn 19.5% so với doanh thu năm 2017.
Ông Nhậm Chính Phi nói với CNBC, các ngân hàng liên quan đến vụ việc Mỹ chống lại Huawei “có đầy đủ kiến thức về tất cả các hoạt động kinh doanh đó”, hàm ý nhắc đến cáo buộc của Mỹ đối với con gái ông, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Huawei.
Bà Mạnh Vạn Châu bị bắt ở Canada vào cuối năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ vì bị nghi ngờ gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Cả Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc và lên án việc bắt giữ bà Mạnh.
Vụ bắt giữ cũng gây ra tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada. Bắc Kinh kêu gọi Ottawa thả CFO Mạnh Vạn Châu, cho rằng vụ bắt giữ có động cơ chính trị. Ngược lại, Trung Quốc cũng bắt giữ 2 công dân Canada, khiến Ottawa chỉ trích nặng nề.
Hồi giữa tháng 5, Mỹ đưa Huawei và 70 chi nhánh vào danh sách đen, cấm các doanh nghiệp Mỹ làm ăn với tập đoàn công nghệ này.