Được Mao Trạch Đông bảo vệ...
Năm 1966, khi cuộc Đại cách mạng Văn hóa vừa mới bắt đầu, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói với Thủ tướng Chu Ân Lai: "Cần phải bảo vệ đồng chí Lữ Chính Thao". Thủ tướng Chu khi ấy đã đặc biệt tới Đại Liên tìm gặp Lâm Bưu, truyền đạt lại chỉ thị của Mao.
Bề ngoài Lâm gật đầu đồng ý nhưng sau lưng lại ngấm ngầm cùng nhóm Giang Thanh thực hiện âm mưu nhằm đả đảo Thượng tướng - Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc Lữ Chính Thao.
Lữ Chính Thao (1904 - 2009), tên thật là Lữ Chính Siêu, quê ở Liêu Ninh, Trung Quốc.
Năm 1955, Lữ được phong hàm Thượng tướng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Năm 1965, ông được bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ đường sắt.
Giai đoạn 1983 - 1988, ông là Phó chủ tịch Ủy ban Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Ngày 13/10/2009, ông mất tại Bắc Kinh, hưởng thọ 106 tuổi. Ông là Thượng tướng khai quốc Trung Quốc cuối cùng qua đời.
Năm 1967, nhóm Lâm-Giang vu cáo Lữ với tội danh lãnh đạo một tập đoàn chống lại đảng Cộng sản Trung Quốc và có ý đồ mưu sát Lâm Bưu.
Ngày 13/1/1967, nhóm Hồng vệ binh dưới sự chỉ đạo của nhóm Lâm-Giang đã tiến hành tổ chức hội nghị đấu tố Lữ Chính Thao. Cuộc đấu tố này diễn ra tại một phòng thể dục của công nhân.
Ông bị bắt khom lưng, treo bảng đen, trói chặt hai tay. Thậm chí, do trời lạnh, nước mũi ông chảy ròng ròng nhưng không được lau nên bị kết băng đông cứng. Hồng vệ binh liên tục tra khảo, nhiếc mắng ông thậm tệ.
Thủ tướng Chu Ân Lai sau khi biết chuyện đã lập tức đến hội trường, tức giận mắng người chủ trì hội nghị, yêu cầu đưa Lữ về nhà và ra lệnh "không cho ai đến nhà bắt người".
Tuy nhiên, nhóm Hồng vệ binh sau đó vẫn đến nhà ông bắt bớ, lục soát. Đồ đạc trong nhà bị lục tung, tất cả các vật dụng như xe đạp, đồng hồ, thậm chí tài liệu riêng của ông đều bị mang đi,
Sợ bị ảnh hưởng, vợ Lữ - bà Lưu Sa phải đưa cô con gái nhỏ tạm thời lánh nạn ở bên nhà chiến hữu của ông.
... Nhưng vẫn bị giam cầm 7 năm
Ngày 12/7/1967, Lữ Chính Thao chính thức "buông tay chịu trói", bị bắt giam ở ngoại thành Bắc Kinh và chịu mọi hình thức tra tấn tàn khốc.
Lữ vốn có thói quen phải uống thuốc an thần mới có thể ngủ ngon nhưng khi bị giam, ông thường xuyên mất ngủ do không được cung cấp thuốc.
"Ở đây, đánh đấm là chuyện thường. Tôi cũng đáp lại, cũng đánh trả nhưng họ đông đảo lại trẻ khỏe...", Lữ tức tối kể lại.
Lữ Chính Thao là Thượng tướng khai quốc Trung Quốc cuối cùng qua đời.
Dường như chưa vừa ý, Lâm Bưu tiếp tục thăng cấp hình thức đấu tố Lữ. Nhóm Hồng vệ binh ngày đêm luân phiên thẩm vấn, yêu cầu ông giao nộp chứng cớ phản đảng. Họ bắt ông viết tường trình, chán thì lại quay ra chửi mắng ông.
Trong phòng giam lúc nào cũng có một Hồng vệ binh chằm chằm canh chừng, ép ông cung khai.
"Cút ra ngoài", Lữ kể ông cũng chẳng vừa khi thẳng thừng đuổi người quản thúc.
Phòng giam ông vốn là thuộc một doanh trại quân đội chỉ rộng chừng 12m2. Bên trong phòng kê chiếu lệ một chiếc giường xập xệ, một chiếc ghế gẫy và ô cửa sổ nhỏ nhưng luôn bị đóng kín.
Trong phòng tối kín mít, không khí ngột ngạt, lâu dần khiến ông mất nhận thức về thời gian khi không nhận ra được bên ngoài đang là ngày hay đêm. Đặc biệt, trần phòng còn treo một chiếc đèn chói mắt, nếu muốn ngủ chỉ có thể nằm nghiêng.
Không khí ngột ngạt khiến gạo lên mốc xanh mốc đỏ nhưng để giữ mạng sống Lữ đành ăn tạm lá cải trắng già.
Đến mùa hè, muỗi xuất hiện rất nhiều, liên tục đập giết những cũng không giết xuể. Do điều kiện tồi tệ, sức khỏe Lữ ngày càng giảm sút, sinh bệnh nhưng dược phẩm cũng bị hạn chế. Nhóm Lâm-Giang còn ra lệnh các y bác sĩ không được chữa trị cho ông.
Khi ông bị viêm thanh quản, họ không cho thuốc mà nói ông bị ung thư vòm họng nên cần phẫu thuật. Nhưng Lữ vô cùng cảnh giác vì không muốn để Hồng vệ binh lợi dụng cơ hội bức hại ông.
Vợ con liên lụy chịu cải tạo
Khi Cách mạng văn hóa bắt đầu, vợ Lữ Chính Thao - bà Chu Sa đang giữ chức Phó Cục trưởng Cục giáo dục của Bộ cơ giới công nghiệp.
Khoảng năm 1967, nhân một câu nói của bà, Hồng vệ binh đã liệt bà vào danh sách phản đảng, trở thành đối tượng đấu tố quan trọng.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân (ngồi giữa) và Lữ Chính Thao.
Sau đó, bà bị giam hơn 70 ngày, bị lôi đi tham gia tất cả các cuộc đấu tố lớn nhỏ. Họ cũng yêu cầu bà giao nộp chứng cứ phạm tội của chồng.
Trong phòng giam, người của tổ chuyên án liên tục căn vặn bà về chứng cứ phản đảng của Lữ Chính Thao. Tuy nhiên bà một mực không nói mà chỉ trích đây là những vu cáo bịa đặt.
Ở nhà, người mẹ già 90 tuổi và cô con gái của hai vợ chồng Lữ cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Người mẹ già sau đó trở về quê Liêu Ninh, con gái thì gia nhập binh đoàn xây dựng ở vùng hoang mạc phía Bắc Trung Quốc.
Tháng 2/1970, Lưu Sa bị điều chuyển đi cải tạo lao động ở Hà Nam, Trung Quốc và bị cấm liên lạc với người thân.
"Cô bé này... là ai?"
Tháng 3/1972, Lưu Sa mắc bệnh nên được đưa về Bắc Kinh chữa trị. Về đến nơi bà liền viết thư gửi Mao Trạch Đông, hy vọng Mao giúp đỡ, đồng ý cho bà đến thăm chồng.
Sau khi được Mao đồng ý, Lưu lập tức thông báo cho các con vốn phân tán ở các địa phương khác nhanh chóng trở về Bắc Kinh thăm cha.
Ngày 26/4, Lưu Sa và các con đến thăm Lữ Chính Thao. Lữ vốn bị giam cầm gần năm năm nên sức khỏe giảm sút, da gầy bọc xương, sắc mặt nhợt nhạt, ánh mắt lờ đờ.
Đứng đối diện một cô bé lanh lợi, Lữ lắp bắp hỏi: "Cô bé này... là ai?".
Nghe nói đây là cô con gái đã cách biệt lâu nay, hiện còn được gia nhập vào các đoàn đội của đảng, Lữ rạng rỡ mỉm cười hạnh phúc.
Lần thứ hai tới thăm, Lưu Sa khuyên Lữ nên trực tiếp viết thư cho Chủ tịch Mao, giải thích rõ ngọn nguồn vấn đề.
Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (trái) và Lữ Chính Thao.
Lữ liền nói: "Không phải tất cả đều muốn tôi khuất phục sao? Tôi không khuất phục". Sau đó, ông liền lấy giấy bút viết thư gửi Mao, nói rõ sự tình.
Đầu thu năm 1973, Lưu Sa được tuyên bố phóng thích. Bà nghĩ đây là cơ hội tốt nên liền thay chồng viết thư khiếu nại lên Mao Trạch Đông,
Được khôi phục danh dự, công tác
Tháng 7/1974, tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Mao Trạch Đông yêu cầu phóng thích Lữ Chính Thao và các chiến hữu để họ có thể tham dự đại tiệc chiêu đãi nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc 1/8.
Chiều ngày 31/7, Lữ và các chiến hữu được Thủ tướng Chu Ân Lai đón tiếp, tham gia hội nghị của các ủy viên Bộ chính trị.
Tại hội nghị, Giang Thanh đã lên tiếng nhận trách nhiệm về sự việc của Lữ: "Việc của đồng chí, Chủ tịch đã sớm phê chuẩn, để tình trạng kéo dài đến bây giờ, tôi cũng có trách nhiệm".
Tuy nhiên, dù được tự do nhưng hồ sơ của Lữ chưa được điều tra, xem xét lại cụ thể nên ông không được sắp xếp công việc.
Phải đến tháng 10/1978, ông mới chính thức được giải oan và phục hồi danh dự, công tác.