La Thụy Khanh: Đại tướng TQ chuốc họa vì thâm thù với Lâm Bưu

Lâm Oanh |

"Tôi thiếu thận trọng, hấp tấp nghe lời gièm pha của Lâm Bưu...Tôi buộc phải tự phê bình bản thân", Mao Trạch Đông nói về khai quốc công thần - Đại tướng La Thụy Khanh.

Chuốc họa từ mối thâm thù

Không giống như nhiều khai quốc công thần khác của Trung Quốc bị bãi nhiệm mọi chức vụ do cáo buộc "cáo tư tưởng phản cách mạng", bi kịch mà La Thụy Khanh phải nếm trải trong Cách mạng văn hóa lại xuất phát từ tư thù cá nhân giữa ông và Lâm Bưu.

La Thụy Khanh (1906 – 1978), quê ở Tứ Xuyên.

Ông là một trong những khai quốc công thần, lãnh đạo quan trọng của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Ông từng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Thủ tưởng Quốc vụ viện, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc…

Năm 1955, ông được phong hàm Đại tướng .

Quan hệ giữa La Thụy Khanh và Lâm Bưu từng khá êm ấm. Đó là khi cả hai cùng tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh (1934 - 1935).

Sau đó, La Thụy Khanh cũng từng là cấp dưới cho Lâm Bưu tại Đại học Hồng quân nhân dân Trung Quốc (1936 - 1938).

Đến năm 1955, La Thụy Khanh được chính Lâm Bưu khi ấy đã là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cất nhắc và được đảm nhiệm vị trí Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến năm 1961, mối quan hệ tốt đẹp này phát sinh những rạn nứt khi xảy ra những mâu thuẫn nhỏ trong công việc.

Đến năm 1964, mâu thuẫn này lớn dần lên khi La Thụy Khanh công khai phản đối cách làm việc mang tính hình thức của Lâm Bưu.

Tuy nhiên, chính những quan điểm về cách quản lý, huấn luyện quân đội của La Thụy Khanh được Mao Trạch Đông "vô tình" tán đồng trong Hội thao quân đội (1964) khiến cho Lâm Bưu vô cùng hậm hực và cho rằng La đang muốn hất cẳng Lâm để tranh chiếc ghế Bộ trưởng.

Mối nghi ngờ này của Lâm Bưu càng được củng cố khi La báo cáo với Lâm Bưu về vấn đề thay thế cán bộ lãnh đạo đã cao tuổi và trong đó có ý rằng, những cán bộ cao tuổi nên chủ động nhường quyền lãnh đạo cho người trẻ hơn.

La Thụy Khanh: Đại tướng TQ chuốc họa vì thâm thù với Lâm Bưu - Ảnh 2.

Đại tướng La Thụy Khanh (trái) và Mao Trạch Đông.

Lâm Bưu vốn đa nghi nên ngay lập tức nghĩ rằng ý kiến đó của La Thụy Khanh nhằm ám chỉ mình nên rút lui. Vì vậy Lâm càng thêm quyết tâm loại bỏ La ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.

Để loại bỏ La Thụy Khanh, Lâm Bưu nhanh chóng phác thảo một kế hoạch hoàn hảo nhằm vu cáo tướng La trước Mao Trạch Đông.

Lâm Bưu đã khéo léo lợi dụng căng thẳng giữa Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ khi ấy để xuyên tạc với Mao rằng chính La Thụy Khanh đã bị Lưu Thiếu Kỳ lôi kéo để tập hợp lực lượng tạo phản.

Bên cạnh đó, Lâm Bưu còn cho vợ mình là Diệp Quần nói chuyện riêng với Mao Trạch Đông về trường hợp của La Thụy Khanh.

Trong cuộc nói chuyện kéo dài 3 tiếng đồng hồ này, Diệp Quần nhấn mạnh nếu như Mao bỏ qua vụ này để cho La hạ bệ Lâm Bưu và nắm quyền lớn trong đội ngũ quân đội, công an thì phe của Lưu Thiếu Kỳ sẽ trở nên nguy hiểm biết nhường nào.

Những lời vu cáo của hai vợ chồng Lâm Bưu liền phát huy tác dụng, Mao Trạch Đông không muốn mất đi một cận thần (Lâm Bưu), lại càng không muốn nhìn thấy quyền lực trong tay bị uy hiếp, ông đã tỏ ra vô cùng sốt sắng.

Mao Trạch Đông sau đó đã cùng Lâm Bưu bàn thảo kế hoạch nhằm nhổ cái gai trong mắt càng sớm càng tốt. Lúc này, La Thụy Khanh đang đảm nhiệm vai trò Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng.

Điều thuận lợi là La được các lãnh đạo cấp cao như Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Hạ Long và các nhà lãnh đạo khác trong Quân ủy trung ương tin cậy khiến La Thụy Khanh không nhận ra mối nguy hiểm đang bao bọc quanh mình.

Tuy nhiên, lúc này Lâm Bưu vẫn âm thầm thu thập những tài liệu chống lại La Thụy Khanh.

La Thụy Khanh: Đại tướng TQ chuốc họa vì thâm thù với Lâm Bưu - Ảnh 3.

Gia đình La Thụy Khanh.

Chuỗi tra tấn tàn nhẫn trong phòng bệnh

Tháng 12 năm 1965, tại Hội nghị ban thường vụ Bộ Chính trị mở rộng ở Thượng Hải, dưới sự đồng ý của Mao Trạch Đông, nhóm Lâm Bưu đã vu cáo La Thụy Khanh với tội danh "lợi dụng quyền lực, trục lợi cá nhân".

Trong buổi đấu tố kéo dài tới 10 tiếng đồng hồ này, Diệp Quần tố cáo La Thụy Khanh dùng mọi thủ đoạn để ép Lâm Bưu từ chức và chỉ trích chủ nghĩa cá nhân trong La ngày một lớn và là hiểm họa cho sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kết thúc hội nghị, sau khi định đoạt tội danh, Lâm Bưu tuyên bố bãi nhiệm mọi chức vụ của La Thụy Khanh.

Tuy hình thức là một hội nghị phê bình cá nhân nhưng do tổ chức đúng dịp La Thụy Khanh đi thị sát nên ông không hề hay biết và cũng không có cơ hội để bào chữa và thanh minh cho bản thân.

Sau khi biết tin về hội nghị, La Thụy Khanh cố gắng liên hệ với Mao Trạch Đông để minh oan nhưng đều bị Lâm Bưu ngăn chặn.

Tháng 3 năm 1966, một hội nghị trung ương được tổ chức dưới sự chủ trì của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh nhằm tiến hành phê bình, đấu tố công khai đối với La Thụy Khanh.

Trong hội nghị này, một lần nữa, La Thụy Khanh lại không được minh oan cho mình, thay vào đó ông phải chịu vô vàn lời chì chiết, thậm chí lăng mạ.

Trong tình cảnh bị dồn vào chân tường, La Thụy Khanh đã rất uất ức và quyết định dùng mạng sống để chứng minh cho sự trong sạch của mình cũng như thị uy với Lâm Bưu.

Ngày 18/3/1966, La Thụy Khanh đã nhảy lầu tự sát nhưng được cứu sống. Hành động này đã dẫn đến hậu quả ông bị gãy nhiều xương sườn, dập nát xương hai chân và có nguy cơ bị tàn phế suốt đời.

Dù đang mang bệnh nhưng nhóm Lâm Bưu vẫn không tha cho ông. Hồng vệ binh liên tục ép La Thụy Khanh phải ngồi vào rọ tre sau đó khiêng đi đấu tố, thậm chí còn sai người phẫu thuật vết thương của ông liên tục khiến ông không thể hồi phục.

Đỉnh điểm, đầu năm 1967, La Thụy Khanh phải trải qua hàng loạt màn đấu tố khủng khiếp. Cuối năm 1967, tình trạng sức khỏe của ông xấu đi.

Đây là cơ hội cho Lâm Bưu hành hạ ông, Lâm nhanh chóng biến phòng bệnh thành một phòng tra hỏi, theo đó nếu La cứ khăng khăng không nhận tội, thì bác sỹ sẽ kiên quyết không chữa.

Để tiếp tục sống, La Thụy Khanh đành phải trả lời theo ý của Hồng vệ binh. Việc "chữa trị" như vậy diễn ra dai dẳng trong vòng hai năm cho đến khi ông bị chỉ định cắt chân, dù cho xương của ông hoàn toàn có thể lành lại được.

La Thụy Khanh: Đại tướng TQ chuốc họa vì thâm thù với Lâm Bưu - Ảnh 4.

Lạ Thụy Khanh bị lôi đi đấu tố.

Được phục hồi danh dự

Sau sự kiện Lâm Bưu bỏ trốn và tử nạn trong vụ rơi máy bay ngày 13/9/1971, số phận của La Thụy Khanh đã có sự thay đổi.

Ngày 20/11/1973, Mao Trạch Đông ra chỉ thị hủy bỏ chế độ giám sát đối với La Thụy Khanh.

Khi nhận được danh sách những cán bộ cấp cao cần được xét lại do Thủ tướng Chu Ân Lai trình lên có tên của La, Mao Trạch Đông nói:

"Tôi nghe Lâm Bưu đuổi đồng chí La Thụy Khanh. Tôi thiếu thận trọng, hấp tấp nghe lời gièm pha của ông ta. Vì thế hôm nay tôi buộc phải tự phê bình bản thân".

Năm 1976, "Bè lũ bốn tên" bị bắt giữ, đặt dấu chấm hết cho Cách mạng văn hóa, La Thụy Khanh đã được bình phản và khôi phục danh dự.

Sau đó ông được bầu làm Ủy viên trung ương đảng cộng sản Trung Quốc khóa 11 và Bí thư Quân ủy trung ương. Tháng 7/1978, La Thụy Khanh được đưa sang Đức chữa bệnh và mất tại đó ngày 3/8/1978 do bệnh tim.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại